Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Những bài tập Tết độc lạ khiến học sinh thích thú

(VTC News) -

Thay vì giao các bài tập về nhà dịp Tết nặng kiến thức sách vở, nhiều thầy cô yêu cầu học sinh trải nghiệm phong tục Tết và viết bài thu hoạch thú vị.

“Hãy miêu tả lại một số việc em đã làm trong dịp Tết - Nếu được lì xì em có kế hoạch sử dụng số tiền đó như thế nào?” - đây là một trong những bài tập về nhà dịp nghỉ Tết của học sinh trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS&THPT huyện Xín Mần, Hà Giang.

Bài tập Tết của học sinh trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS&THPT huyện Xín Mần.

Thầy Nguyễn Hồng Dân, Phó hiệu trưởng cho biết, thông qua những bài tập về nhà này, nhà trường muốn các em sẽ chủ động tham gia, tìm hiểu các hoạt động ngày Tết cùng gia đình, để qua đó bồi đắp thêm tình cảm gia đình, cùng giữ gìn và phát huy những giá trị bản sắc văn hoá truyền thống. 

Giáo viên chủ nhiệm sẽ giao bài tập cho học sinh trong buổi sinh hoạt trước khi về nghỉ Tết. Đồng thời, giáo viên cũng gửi bài tập lên nhóm Zalo để phụ huynh cùng tương tác, hỗ trợ.

“Nhiều giáo viên có quan điểm giao bài tập Tết cho học sinh là để các em không xao nhãng việc học. Tuy nhiên, việc giao quá nhiều bài tập dẫn đến hệ quả là nhiều em vì phải lo hoàn thành bài tập về nhà, các bài kiểm tra mà ít thời gian nghỉ ngơi, vui chơi cùng gia đình. Vì vậy, giáo viên nên cân nhắc giao các bài tập thực tiễn, gắn với mục tiêu chương trình giáo dục hiện nay để học sinh có cơ hội được trải nghiệm”, thầy Dân nói.

Trong những năm tới, trường sẽ tiếp tục giao những bài tập về nhà mang tính trải nghiệm thực tiễn để giúp các em có tâm thế thoái mái, chủ động và phát huy tính tự giác, tích cực trong những hoạt động ngày Tết.

Thầy Hồ Tuấn Anh, Hiệu trưởng trường THCS Quỳnh Phương (Quỳnh Mai, Nghệ An) cũng khiến học sinh thích thú khi giao 10 bài tập về nhà đặc biệt trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán. Các bài tập không nặng về kiến thức, nằm ngoài chương trình học, nội dung chủ yếu liên quan đến những giá trị nhân văn, truyền thống, bài học về đạo đức, ứng xử ngày Tết.

“Ở Quỳnh Phương có phong tục đi tảo mộ cho người thân đã mất vào sáng 30 Tết. Em tham gia buổi tảo mộ vào sáng 30 Tết của dòng họ không? Nếu tham gia thì em có cảm nhận như thế nào”; “Em có đi chợ Tết không? Hãy miên tả một số chợ mà em đã đến dịp Tết Quý Mão”… là yêu cầu trong bài tập về nhà của thầy giáo Nghệ An.

Bài tập về nhà dịp Tết của Hiệu trưởng trường THCS Quỳnh Phương (Nghệ An). 

Ngoài các câu hỏi liên quan đến giá trị truyền thống, văn hoá, thầy Tuấn Anh cũng lồng ghép thêm các vấn đề đời sống, giao tiếp cho học sinh như: “Theo em có nên bóc bao lì xì ngay trước mặt người tặng khi vừa được tặng không? Vì sao”; “Nếu có tiền lì xì thì em có dự định chi tiêu như thế nào?”…

Các bài tập này không áp lực về điểm số, chỉ mong các em vui vẻ trải nghiệm và ghi chép lại những điều trên, sau đó chia sẻ với các bạn, thầy cô sau kỳ nghỉ Tết.

“Chúng ta không cần quá lo lắng học sinh nghỉ Tết dài mà quên kiến thức bởi các em vừa kết thúc học kỳ 1 ra Tết mới bước vào chương trình kỳ 2 của năm học. Bên cạnh đó khi nghỉ Tết xong các em đi học ngay, giáo viên sẽ có phương pháp đánh giá khác nhau để biết được học sinh nào thiếu hụt kiến thức để bổ sung”, thầy giáo này nói.

Bên cạnh đó, nhiều trường học quyết định không giao bài tập Tết để học sinh được vui chơi và thoải mái. Ban giám hiệu trường THPT Tây Thạnh (quận Tân Phú, TP.HCM) cũng yêu cầu giáo viên trong trường không giao bài cho học sinh dưới bất kỳ hình thức nào (bài tập, dự án, thực hành, thí nghiệm, sản phẩm học tập...) và bằng bất cứ phương tiện nào (trực tiếp, qua internet...).

“Học phải ra học, chơi ra chơi, nghỉ Tết phải ra nghỉ tết. Bài tập Tết là rào cản tước mất niềm vui đón xuân của các em”, ông Nguyễn Quang Đạt, hiệu trưởng nhà trường nói.

Hà Cường

Tin mới