Diễn đàn Quốc gia ngành Game Việt năm 2023 (Vietnam GameMaker Conference 2023) là sự kiện quan trọng, mang tầm cỡ quốc tế do Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì; Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia (NIC) cùng Game for Good Foundation (GfG) phối hợp tổ chức.
Sự kiện thu hút sự quan tâm của nhiều lãnh đạo Bộ, ban, ngành, các nhà quản lý, chuyên gia hàng đầu và các doanh nghiệp công nghệ lớn trong và ngoài nước, đặc biệt là các doanh nghiệp, tổ chức trong lĩnh vực game tại Việt Nam như Google, BITKRAFT, Garena, Virtuos, Appota, GIANTY, Wolffun Games, VNG, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT)...
Các chuyên gia chia sẻ tại Diễn đàn quốc gia ngành Game Việt 2023.
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Lê Quang Tự Do - Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT) đánh giá về sự thăng trầm của ngành game Việt: “Trong nhiều năm qua, game là ngành có rất nhiều tiềm năng, nhưng lại đang bị rất nhiều lực cản không đáng có khiến cho sự phát triển chưa được đúng mức. Lực cản đầu tiên là sự phân mảnh giữa sản xuất game và phát hành.
Trong khi người Việt sản xuất game cho nước ngoài thì hầu hết các game được phát hành tại Việt Nam lại là game từ nước ngoài. Nhiều nhân tài, nhân kiệt ngành game Việt đang ẩn mình trong bóng tối.
Nghịch lý thứ hai, game là ngành rất phù hợp cho phát triển cách mạng công nghiệp 4.0, có khả năng thu về nguồn ngoại tệ rất lớn nhưng lại đang phải nhận về những định kiến xã hội, cho rằng là game là tệ nạn, là cờ bạc, là những ngành mà không đáng tự hào. Điều đó dẫn tới những lực cản về nguồn nhân lực cho ngành game”.
Tuy nhiên, cũng theo ông Lê Quang Tự Do, khoảng một năm trở lại đây, những “bức tường” đó bắt đầu vỡ dần, ngày càng có nhiều sự kiện đem đến những góc nhìn tươi mới về ngành công nghiệp game. Thông qua các doanh nghiệp game hiện nay, có thể thấy được khí thế của ngành game đang rất trẻ trung, năng động và có nhiều thay đổi tích cực.
Một góc không gian trải nghiệm game tại Triển lãm quốc tế Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023.
Để hỗ trợ cho ngành game Việt, thời gian gần đây, Bộ TT&TT cũng đang xây dựng cơ chế để hỗ trợ, kết nối cách doanh nghiệp trong ngành, bao gồm hỗ trợ kết nối giữa các nhà sản xuất game và phát hành game với nhau, kết nối các nhà sản xuất game trong nước với các doanh nghiệp game nước ngoài, hỗ trợ các nhà sản xuất game trong nước kết nối với các nhà đầu tư, quỹ đầu tư nước ngoài…
Về phần mình, ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc NIC cũng khẳng định, trong 10 năm qua ngành công nghiệp game Việt Nam có những bước tiến vượt bậc. Điều này được thể hiện qua những con số. Doanh thu ngành game Việt Nam hiện đã vượt 500 triệu USD và đứng thứ 5 tại Đông Nam Á, hơn một nửa dân số Việt Nam tiếp cận giải trí với sản phẩm game.
Hệ sinh thái ngành game Việt cũng đã từng bước có một số tên tuổi dẫn đầu như VNG, Amanotes, Sky Mavis, Appota, VTC... trong đó có những tên tuổi mang tầm quốc tế như Amanotes và Sky Mavis. Ngành games cũng tạo ra nhiều việc làm có giá trị kinh tế cao và sức cạnh tranh toàn cầu trong mảng lập trình game, thiết kế game, đồ họa game.
“Với những cột mốc phát triển quan trọng trong quá khứ và dư địa phát triển dồi dào cho tương lai, tin rằng game có cơ hội trở thành ngành xuất khẩu giá trị cao, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao dựa trên đổi mới sáng tạo và khoa học kỹ thuật, nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu”, ông Vũ Quốc Huy khẳng định.