Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Nhà mặt phố cho thuê tại 'đất vàng' Hà Nội ế khách dịp cuối năm

(VTC News) -

Cuối năm, khi mọi dịch vụ nhộn nhịp thì hàng loạt nhà mặt phố trên các tuyến đường sầm uất ở Hà Nội lại rơi vào trạng thái cửa đóng then cài, mòn mỏi chờ khách.

Đóng cửa, treo biển cho thuê cả năm trời

Chị Lê Thị Hà, nhân viên một cửa hàng thời trang trên phố Kim Mã (quận Ba Đình) kể, con phố này trước kia san sát các cửa hàng kinh doanh, được coi là "đất vàng", nếu khách không nhanh tay sẽ không còn chỗ để thuê. Thế nhưng thời gian gần đây, dù nhiều mặt bằng đã treo biển cho thuê cả năm nhưng vẫn chưa chốt được khách. Thỉnh thoảng cũng thấy chủ nhà dẫn khách vào tham quan, khảo sát nhưng sau đó chưa thấy cửa hàng nào được mở. 

Chị Hải Yến, chủ một căn nhà trên phố Hàng Bông (quận Hoàn Kiếm) cũng chia sẻ, chị treo biển cho thuê căn nhà 3 tầng hơn nửa năm nay nhưng vẫn không có khách thuê. Giá ban đầu chị Yến đưa ra là 95 triệu đồng/tháng, nhưng hiện chị đã giảm xuống còn 85 triệu đồng/tháng để kích cầu, nhưng tình hình vẫn chưa khả quan.

"Tôi đã đưa ra nhiều chính sách hấp dẫn như giảm 10% giá thuê trong tháng đầu tiên, cho phép khách đặt cọc tiền 1 tháng thay vì 3 tháng như trước kia để giảm áp lực tài chính, nhưng đến nay dù nhiều người hỏi song vẫn chưa có ai chốt", chị Yến chia sẻ.

Trên nhiều tuyến phố khác như Phố Huế, Xã Đàn, Nguyễn Thái Học...nhiều mặt bằng vẫn im lìm đóng cửa, khác hẳn không khí sôi động trên thị trường dịp cuối năm.

Nhiều mặt bằng phố ở Hà Nội treo biển nhiều tháng không có khách thuê. (Ảnh: Minh Đức).

Vì sao ế khách?

Theo ghi nhận ý kiến từ nhiều môi giới bất động sản và khách có nhu cầu thuê nhà, việc nhiều mặt bằng trên các tuyến phố trung tâm và phố cổ Hà Nội rơi vào tình trạng ế ẩm là do nhiều nguyên nhân, nhưng lý do chính là giá thuê quá cao. 

Chị Trần Ngọc Linh (quận Đống Đa) cho biết, chị vừa trả lại mặt bằng kinh doanh trên phố Ngọc Khánh vì tiền lãi không đủ trả tiền thuê nhà. 

Cửa hàng rộng 35 m2 được chị Linh thuê từ cuối năm 2022 với giá 20 triệu đồng/tháng để kinh doanh đồ uống. Sau gần 2 năm, chị Linh tính toán số tiền thu được từ bán hàng không đủ bù vốn nhập hàng, chi phí thuê mặt bằng, điện nước...Vì vậy, chị buộc đóng cửa hàng và chuyển hướng sang kinh doanh online.

Còn theo anh Nguyễn Thanh Tân, một môi giới bất động sản, số lượng nhà phố có nhu cầu cho thuê tại các tuyến phố trung tâm đã tăng khoảng 20% so với năm trước, lên đến vài chục triệu đến cả trăm triệu đồng/tháng.

Đơn cử tại phố Hàng Bông, cửa hàng có diện tích khoảng 40m2, giá cho thuê trung bình 30-50 triệu đồng/tháng. Mặt tiền nhỏ, diện tích bé hơn ở phố Cửa Nam, từ 15 đến 22m2, giá cho thuê dao động 15-30 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, hầu hết những cửa hàng đắt đỏ này đều phải rao thuê, tìm khách nhiều tháng nay và hiện vẫn đóng cửa.

Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính nhận định, giá thuê nhà quá cao trong lúc việc làm ăn kinh doanh khó khăn khiến nhiều người không dám chi trả một khoản tiền lớn vào chi phí mặt bằng. Muốn cải thiện tình trạng này, chủ nhà cần tham khảo mặt bằng chung để đưa giá thuê nhà về đúng giá trị thật.

Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Giám đốc PropertyGuru Việt Nam, nêu thêm nguyên nhân khiến nhà phố đang và sẽ gặp khó trong việc cho thuê. Đó là do sự phát triển của thương mại điện tử khiến hoạt động mua sắm diễn ra đa dạng, linh hoạt hơn. Việc thuê mặt bằng để trưng bày sản phẩm dần trở nên không cần thiết. Ngoại trừ các đơn vị kinh doanh hàng ăn - loại hình mà kinh doanh online khó thay thế - hoặc các ngân hàng cần thuê mặt bằng lớn để làm phòng giao dịch, thì các cá nhân kinh doanh loại hàng hóa thông thường như thời trang sẽ giảm nhu cầu về mặt bằng nhà phố.

"Trong tương lai xa, nhà phố sẽ quay về đúng với bản chất của một căn nhà, tức là phục vụ mục đích để ở hơn là kinh doanh", ông Quốc Anh dự báo.

Ngoài ra, theo ông Quốc Anh, giá bán của loại hình nhà phố, đặc biệt nhà phố ở các khu vực trung tâm thành phố lớn, ngày càng tăng cao. Do đó, kể cả khi chủ nhà không tăng giá cho thuê, tỷ suất lợi nhuận từ cho thuê mặt bằng vẫn giảm.

"Để giữ giá trị của căn nhà, chủ nhà không thể giảm giá cho thuê vì tỷ suất lợi nhuận hiện đã ở mức rất thấp rồi. Trong khi đó, hoạt động kinh doanh trên thị trường hiện tại vẫn chưa thể xem là tốt, nhiều cá nhân, đơn vị kinh doanh không dễ gánh được chi phí thuê mặt bằng. Điều đó dẫn đến tình trạng mặt bằng cho thuê ế ẩm", ông Quốc Anh nói.

Còn theo phân tích của chuyên gia Savills Hà Nội, hiện nay, các nhãn hàng ngày càng khắt khe hơn khi tìm kiếm mặt bằng. Thay vì chọn vị trí trung tâm để đặt cửa hàng, các nhãn hàng còn phải tính toán tới nhiều yếu tố khác như: chỗ đỗ xe, có bị cấm đường giờ cao điểm hay không,.. 

Do vậy, các mặt bằng tại khu vực đông dân cư, nhiều lối tiếp cận, chỗ đỗ xe thuận tiện, vỉa hè thông thoáng, không bị hạn chế bởi các dự án hạ tầng đang xây dựng hay cấm đường giờ cao điểm...được ưu tiên hơn những khu "đất vàng" tuy sầm uất nhưng chật chội.

Châu Anh

Tin mới