Phố thời trang Lê Duẩn Đà Nẵng vắng khách.
Đường Lê Duẩn dài khoảng 2km nối từ đường Điện Biên Phủ đến cầu Sông Hàn, được mệnh danh là “phố thời trang” sầm uất bậc nhất Đà Nẵng với san sát cửa hàng chuyên kinh doanh quần áo, giày dép… nay vắng lặng.
Ghi nhận của PV VTC News ngày 24/12, dù là mùa cao điểm mua sắm dịp Lễ Giáng sinh và Tết Dương lịch nhưng rất vắng khách. Nhiều cửa hàng trưng bảng "Giảm giá kịch khung", "Mua 1 tặng 1", "Xả kho trả mặt bằng" nhưng chỉ lác đác vài khách hàng dạo ngắm rồi đi.
Theo chia sẻ của nam nhân viên cửa hàng quần áo, dù chủ cửa hàng treo biển "Tổng xả kho" nhưng không có khách mua. "Buôn bán ế ẩm, chủ cửa hàng treo biển xả hàng để trả mặt bằng trước Tết Nguyên đán 2024 nhưng vẫn ế. Theo tôi biết thì tiền thuê mặt bằng ở đây không dưới 20 triệu đồng/tháng nhưng hàng hóa không bán được, chất đầy kho nên chủ phải cắt lỗ. Hôm nay là Lễ Giáng sinh, đúng vào chủ nhật nhưng rất vắng, cả buổi sáng chỉ có vài ba khách vào xem hàng rồi đi", nam nhân viên chia sẻ.
Buôn bán ế ẩm, tiền thuê mặt bằng cao, nhiều chủ cửa hàng buộc phải đóng cửa, trả mặt bằng cắt lỗ. Người kinh doanh trả mặt bằng, chủ nhà trưng bảng cho thuê nhưng không có người hỏi.
Nhiều cửa hàng cố cầm cự nhưng vắng bóng khách.
Chị Dương Thu Hương, quản lý một cửa quần áo trên tuyến phố Lê Duẩn cho biết, so với năm trước, thời điểm này lượng khách mua sắm giảm 50-60%. “Kinh tế khó khăn, người dân thắt chặt chi tiêu, hạn chế mua sắm. Khách mua không có, chi phí bỏ ra nhiều nên người thuê mặt bằng kinh doanh khó trụ được, phải bán tháo hàng cắt lỗ là đương nhiên. Quản lý cửa hàng nhiều năm nay nhưng chưa bao giờ tôi nghĩ lại rơi vào tình cảnh này. Trước đây, cửa hàng có 7 nhân viên nhưng nay chỉ giữ lại 2 người vì không có nguồn thu để trả lương”, chị Hương cho biết.
Cửa hàng chuyên kinh doanh mặt hàng giày dép trên đường Lê Duẩn vắng khách. Cùng chung cảnh ế ẩm, loạt cửa hàng trên tuyến phố thời trang Lê Duẩn treo biển "Sale cuối năm" nhưng rất ít khách mua hàng.
Trả lời VTC News, anh H., chủ cửa hàng quần áo cho biết, tình cảnh ế ẩm kéo dài cả năm nay. Anh và nhiều chủ cửa hàng khác cũng tính toán đủ đường, cắt giảm nhân sự, rao bán trên trang web nhưng không trụ nổi. "Hàng mình nhập vào là hàng tốt, giá cao 500-600.000 đồng/áo, quần nên không thể rao bán như những người bán hàng phổ thông được. Bây giờ chấp nhận xả hàng, bán theo giá gốc rồi trả mặt bằng chứ không trụ nổi", anh H. nói.