Thời điểm những năm COVID-19 diễn biến phức tạp, chị Hoàng Thị Thủy (Thanh Xuân, Hà Nội) đã chuyển hẳn sang cách đi chợ, mua sắm hàng qua mạng. Từ đó đến nay, thói quen này luôn được duy trì vì nhiều tiện lợi. Thế nhưng gần đây, chị Thủy gặp sự cố khi mua hàng online.
Cụ thể là vào tuần trước, chị Thủy đã chi khoảng 2 triệu đồng để mua quần áo cho cả nhà. Người bán là một tài khoản Facebook có địa chỉ ở quận Hoàng Mai, Hà Nội. Sau khi nhận hàng, chị Thủy chưng hửng vì màu sắc, chất liệu của những món hàng nhận được khác xa với bài đăng giới thiệu của người bán trước đó.
Chị Thủy lập tức liên lạc với người bán, phàn nàn về chất lượng hàng nhưng người này không chấp nhận cho đổi trả. Tệ hại hơn, người này còn chặn mọi phương thức liên lạc của chị Thủy.
Cũng lâm vào tình cảnh "dở khóc dở cười" khi mua hàng qua mạng, chị Vũ Ánh Dương (Đống Đa, Hà Nội) đặt mua 2 bộ sản phẩm dầu gội dưỡng tóc trên một trang chuyên hàng xách tay châu Âu. Tuy nhiên, khi mang về sử dụng, chị Dương mới phát hiện sản phẩm không những làm khô cứng tóc mà còn tạo gầu gây khó chịu.
Chị Dương đã liên hệ với nhân viên cửa hàng nhưng không được chấp nhận vì sản phẩm chỉ được bảo hành khi lỗi vỡ, móp méo.
Cơ quan chức năng quan tâm bảo vệ người tiêu dùng trong thời đại số. (Ảnh minh họa)
Đây chỉ là 2 trong số vô vàn khách hàng có phản ánh, khiếu nại liên quan tới việc bị xâm phạm quyền lợi của người tiêu dùng. Ít khách hàng biết rằng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) là đơn vị thường xuyên tiếp nhận, xử lý các phản ánh khiếu nại như trên.
Trả lời báo chí, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam cho rằng, tình trạng hàng hóa bán trên các trang mạng xã hội chưa được cấp phép hoặc không có tư cách pháp nhân tại Việt Nam, không kiểm tra được thông tin người bán hoặc thông tin về giá cả, chất lượng, nguồn gốc hàng hóa… dẫn đến việc người mua có nguy cơ rất cao nhận phải hàng kém chất lượng, không có hóa đơn chứng từ.
Ngoài ra, hiện nay còn có tình trạng các đối tượng khởi tạo gian hàng trên kênh thương mại điện tử và chỉ chạy trong một đợt với nhiều chương trình giảm giá đặc biệt như giá 1.000 đồng, giá 0 đồng…bán những sản phẩm kém chất lượng rồi biến mất.
Tuy nhiên, người tiêu dùng Việt Nam vốn có tâm lý ngại va chạm nên đa số chưa dám lên tiếng bảo vệ quyền lợi của mình cũng như không đủ chứng cứ chứng minh quyền lợi bị xâm hại đã tạo kẽ hở cho thương gian lợi dụng.
Liên quan đến vấn đề xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng trên môi trường thương mại điện tử, ông Lê Đức Anh, Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) chia sẻ Cục đã có những tuyên truyền, khuyến cáo, người tiêu dùng nên mua hàng từ các website, sàn thương mại điện tử tử uy tín được xác nhận thông tin tại địa chỉ: http://online.gov.vn.
Bên cạnh đó, Cục cũng đã nghiên cứu xây dựng ứng dụng công nghệ liên kết với cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia nhằm từng bước kiểm soát, ngăn chặn, xử lý kịp thời những đối tượng kinh doanh hàng giả, hàng nhái trên các sàn thương mại điện tử bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Ông Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương), nhấn mạnh các doanh nghiệp cần có trách nhiệm hơn nữa với cộng đồng người tiêu dùng và kinh doanh có trách nhiệm chính là giải pháp bền vững cho doanh nghiệp.
Theo ông Tuấn, người tiêu dùng cần thực hiện 3T gồm thường xuyên tìm hiểu các kiến thức và kỹ năng tiêu dùng phù hợp; thúc đẩy và tham gia có trách nhiệm với các hành vi tiêu dùng bền vững; thông tin tố cáo tới các cơ quan bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng về những hành vi vi phạm.