Trong cuộc phỏng vấn hôm 22/11, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tỏ ra lo ngại trước việc quân đội Ukraine triển khai các tên lửa chống tăng dẫn đường Javelin do Mỹ chế tạo đến gần ranh giới tạm thời ở Donbass, đồng thời nhấn mạnh hành động này có thể dẫn các cuộc đụng độ không đáng có giữa các bên.
Bình luận trên của ông Lavrov được đưa ra sau khi Kirill Budanov - người đứng đầu cơ quan tình báo quân đội Ukraine cho biết quân đội nước này đang thử nghiệm tên lửa Javelin gần khu vực do lực lượng ly khai Donbass kiểm soát.
Được biết, vào đầu tháng 11, quân đội Ukraine cũng đã lần đầu tiên sử dụng máy bay tấn công không người lái Bayraktar TB2 không kích một số mục tiêu quân sự của lực lượng ly khai Donbass.
Binh sĩ Ukraine huấn luyện với tên lửa Javelin. (Ảnh: Bộ Quốc phòng Ukraine)
Trước những diễn biến phức tạp ở miền đông Ukraine, Anatoly Antonov - Đại sứ Nga tại Mỹ đã lên tiếng cảnh báo Washington rằng việc cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine có thể phá hủy mọi hy vọng về hòa bình ở Donbass.
“Các kế hoạch cung cấp vũ khí cho chính quyền Kiev sẽ chỉ khiến tình hình ở miền đông Ukraine trở nên tồi tệ hơn. Điều này không giúp các bên có thể xây dựng việc đối thoại để đi đến ngừng chiến”, ông Antonov cho biết.
Mỹ muốn gửi cố vấn quân sự tới Ukraine
Cùng với tín hiệu leo thang đối đầu ở miền đông Ukraine, chính quyền Kiev, Mỹ và các nước phương Tây còn đưa cảnh báo về các hoạt động quân sự của Nga gần biên giới Ukraine.
Ông Kirill Budanov cho rằng có hơn 90.000 lính Nga đang tập trung ở biên giới giữa hai nước và một cuộc tấn công nhằm vào Kiev có thể sẽ diễn ra vào đầu năm 2022.
Theo CNN, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đang xem xét việc triển khai các cố vấn và thiết bị quân sự đến Ukraine (bao gồm cả vũ khí) trong bối cảnh lực lượng Nga có hành động “thù địch” dọc biên giới.
Mỹ muốn triển khai cố vấn quân sự tới Ukraine để đối phó với nguy cơ từ Nga. (Ảnh: Sputnik)
Về phần mình, Nga kiên quyết bác bỏ luận điểm này. "Sự cuồng loạn này đang bị đẩy lên. Chúng tôi bị cáo buộc bởi hoạt động quân sự bất thường trên lãnh thổ của mình bởi chính những người đã đưa các lực lượng vũ trang vượt đại dương đến đây. Đó chính là Mỹ", người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết.
Các nguồn tin của CNN cho biết, phía Mỹ có thể trao cho Ukraine một gói viện trợ vũ khí mới trong thời gian tới, bao gồm tên lửa chống tăng, súng cối và đạn dược đi kèm. Nhiều khả năng trong gói viện trợ này có cả tên lửa phòng không vác vai FIM-92 Stinger.
Chưa dừng ở đó, Lầu Năm Góc cũng đang thúc đẩy việc chuyển giao các hệ thống vũ khí mà nước này từng sử dụng ở Afghanistan sang Ukraine, chẳng hạn như trực thăng vũ trang Mi-17.