Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Nghìn hộ dân ‘sống treo’ gần 30 năm

(VTC News) -

Dự án Làng Đại học Đà Nẵng quy hoạch đã gần 30 năm nhưng chưa được triển khai rốt ráo khiến cả nghìn hộ dân chịu cảnh “sống treo”, đi không được, ở không xong.

Dân sống khổ vì dự án treo 27 năm.

Để triển khai Dự án Làng Đại học Đà Nẵng, phía Đà Nẵng đã thực hiện đền bù, giải tỏa trong khi Quảng Nam vẫn gần như “án binh bất động” khiến cả nghìn hộ gia đình chịu cảnh “sống treo” suốt 27 năm qua.

Bỏ tiền tỷ xây nhà dù biết sẽ mất trắng

Nhà có 4 người con, diện tích đất rộng nhưng thuộc diện quy hoạch Dự án Làng Đại học Đà Nẵng nên gần 30 năm qua, ông Lê Chánh (trú khối Từ Hà, phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) không thể làm thủ tục tách thửa cho các con đã lập gia đình. Sống chung chật chội, cực chẳng đã, các con ông Chánh phải xin phép chính quyền địa phương xây dựng nhà để sinh sống.

Chính quyền địa phương cho xây nhà nhưng không cấp phép xây dựng và khuyến cáo khi thu hồi đất thực hiện dự án thì gia đình phải cam kết tự tháo dỡ để bàn giao mặt bằng chứ không được đền bù.

Người dân bỏ tiền tỷ xây nhà dù biết không được đền bù khi Nhà nước thu hồi đất để triển khai Dự án Làng Đại học Đà Nẵng.

Chúng tôi phải chấp nhận xây dựng nhà không phép trên phần đất của gia đình. Mỗi căn cũng trên dưới 1 tỷ đồng nhưng không có giấy phép xây dựng, khi nào chính quyền thu hồi đất thì mình phải tự đập bỏ, bàn giao mặt bằng, không được đền bù bất cứ khoản nào về công trình xây dựng. Biết là thiệt thòi nhưng chẳng có cách nào khác cả”, các con của ông Chánh cho biết.

Cũng theo gia đình ông Chánh, ông còn được xây dựng nhà cửa vì đây là đất thổ cư của gia đình từ lâu, còn những gia đình từ nơi khác đến mua đất, xây nhà, giờ nhà cửa xuống cấp thì không được phép sửa chữa, xây dựng.

Theo ông Trương Hà, Trưởng khối Tứ Hà, do dự án quy hoạch quá lâu, người dân gặp nhiều khó khăn nên những gia đình có đất thổ cư (sổ chung, không được tách thửa do thuộc vùng quy hoạch) được tạo điều kiện xây dựng, sửa chữa nhà, nhưng những trường hợp mua nhà, đất trong khu vực quy hoạch thì không được thực hiện.

Nhiều gia đình khi con cái có vợ có chồng muốn tách thửa đất không được nên buộc phải xây dựng nhà không phép. Bỏ tiền tỷ xây nhà dù biết là sẽ phải đập phá nhưng không làm thì sống ở đâu.

Dự án treo đến 27 năm, nhiều gia đình cả 3 thế hệ không thể sống chen chúc trong một căn nhà cấp 4 được nên phải chấp nhận thôi. Xây để ở, biết lúc thu hồi đất là tiền tỷ thành phế liệu, xà bần nhưng không còn cách nào khác”, ông Hà chia sẻ.

Người dân khối Tứ Hà chia sẻ cảnh "sống treo" cùng dự án.

Cũng theo trưởng khối Tứ Hà, không chỉ những người dân gốc ở đây mà hơn 10 năm trước, nhiều người từ nơi khác đến đây mua đất, xây dựng nhà cấp 4 để sinh sống nhưng thực chất là mua đất viết tay, xây dựng nhà trái phép vì đã có quy hoạch, không được phép mua bán, chuyển nhượng.

Theo quy định thì đây là những trường hợp sống chui vì không có hộ khẩu, giờ nhà cửa hư hỏng cũng không được phép xây dựng, sửa chữa”, ông Hà nói và cho biết thêm, theo số liệu mới nhất do chính quyền phường Điện Ngọc rà soát thì riêng khối Tứ Hà, những hộ sinh sống tại đây thuộc diện đất không có giấy tờ, xây dựng nhà trái phép là hơn 300 hộ. Còn tính chung thì hiện cả khối Tứ Hà có khoảng 600-700 hộ thuộc trường hợp phải di dời, giải tỏa.

Đi không được, ở không xong

Ghi nhận của PV VTC News, đến thời điểm này, diện tích quy hoạch Dự án Làng Đại học Đà Nẵng thuộc địa bàn TP Đà Nẵng, các hộ dân đã nhận đền bù, giải tỏa để bàn giao mặt bằng cho Nhà nước. Tuy nhiên, phần diện tích trên địa bàn tỉnh Quảng Nam gần như “án binh bất động” khiến cả nghìn hộ dân chịu cảnh “treo”.

Trong đó, chỉ tính riêng địa bàn khối Tứ Hà, phường Điện Ngọc có đến khoảng gần 700 hộ dân đang sống cảnh “đi không được, ở không xong”.

Theo chị Trần Thị Hà (khối Tứ Hà), gia đình chị mua đất, xây dựng nhà sống ở khối Tứ Hà này đã gần 13 năm. Bây giờ nhà cửa xuống cấp, dột nát nhưng xin chính quyền địa phương sửa chữa lại thì không được vì không có sổ đỏ.

Vừa rồi phần nhà bếp bị sập, tôi kêu thợ sửa lại thì bị lập biên bản. Tôi cũng như các hộ dân ở đây chỉ mong một điều là Nhà nước trả lời rõ khi nào dự án triển khai. Nếu không triển khai thì cho phép người dân làm giấy tờ đất để xây dựng lại nhà cửa, ổn định cuộc sống. Nếu triển khai thì khi nào và bố trí cho dân tái định cư ở đâu”, chị Hà nói.

Hàng trăm căn nhà của người dân thuộc diện tích quy hoạch dự án xuống cấp nhưng không thể sửa chữa, xây mới.

Gia đình chị Nguyễn Thị Phương Thúy, bà Hà Thị Thêm và cả trăm hộ khác cũng đang trong cảnh sống khổ và chưa biết đến bao giờ mới an cư lạc nghiệp.

Chúng tôi sống ở đây hơn chục năm trời, đất đai thì không được cấp sổ đỏ vì vướng quy hoạch. Hiện nhà cửa xuống cấp cũng không được sửa chữa. Đến cái cổng sắt mục nát, muốn làm mới cũng không được phép”, bà Thêm chia sẻ.

Cũng theo các hộ dân, do không có giấy tờ nhà đất, không thể nhập hộ khẩu nên họ gặp khó đủ đường, từ đăng ký điện nước đến việc học tập của con cái.

Nói thêm về những khó khăn của người dân khối Tứ Hà, ông Trương Hà cho biết, do quy hoạch treo quá lâu nên cơ sở hạ tầng gồm điện, đường... cũng không được đầu tư.

Trời nắng thì cát bụi phủ kín từng lùm cây, ngọn cỏ, mùa mưa thì ngập lụt lênh láng. Đặc biệt, cứ đến mùa mưa bão là chúng tôi phải liên hệ với các trường học ở phía Đà Nẵng để xin phép di dời dân đến tránh trú. Người dân rất mong cơ quan chức năng cần sớm giải quyết để người dân biết được tương lai của mình chứ sống thế này rất khổ”, ông Hà Nói.

Hiện Đà Nẵng đã đền bù, giải tỏa dân cư thuộc diện tích quy hoạch dự án. 

Dự án Làng Đại học Đà Nẵng do Đại học Đà Nẵng làm chủ đầu tư, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 1997 với tổng diện tích khoảng 300ha. Trong đó, khoảng 110 ha thuộc phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) và khoảng 190ha thuộc phường Điện Ngọc (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam).

27 năm qua, dự án mới triển khai được một phần thuộc địa phận TP Đà Nẵng. Còn tại Quảng Nam, tính đến tháng 7/2024, Dự án mới triển khai 1,02ha khu tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi đường bao Làng Đại học.

Tuy nhiên, việc triển khai mới dừng lại ở công tác đền bù và tái định cư cho các hộ dân bị giải tỏa trắng để xây dựng khu tái định cư, còn các hộ ảnh hưởng bởi đường bao vẫn chưa được bồi thường thiệt hại và chưa có kế hoạch di dời.

Châu Thư

Tin mới