Sáng 15/9, trong khuôn khổ Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 diễn ra phiên thảo luận chuyên đề 1 về "Việc hoàn thiện thể chế, chính sách trong thúc đẩy quá trình chuyển đổi số nhằm tăng cường cơ hội phát triển bền vững".
Một trong những nội dung nhận được sự quan tâm của nhiều nghị sĩ các nước là vấn đề thúc đẩy chuyển đổi số để ngăn chặn bạo lực, xâm hại cá nhân và vi phạm pháp luật trên mạng Internet.
Phát biểu tại phiên thảo luận, nghị sĩ Timor Leste cho biết, tại Timor Leste, bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chi phí Internet vẫn đắt nhất trên thế giới. Vị nghị sĩ mong muốn các quốc gia chia sẻ kinh nghiệm đã từng trải qua khó khăn về chính sách này và đề xuất giải pháp khắc phục.
Nghị sĩ Timor Leste. (Ảnh: quochoi.vn).
Bên cạnh đó, nghị sĩ Timor Leste nêu rõ, Quốc hội nước này đã xây dựng và phát triển đạo luật về bảo vệ trẻ em và chống tội phạm mạng để đối phó với việc xâm nhập mạnh mẽ trên Internet.
Nghị sĩ Timor Leste hy vọng các quốc gia có thể chia sẻ kinh nghiệm triển khai thực tế đạo luật bảo vệ phụ nữ trên môi trường mạng để quốc gia này tham khảo và thực hiện tại Timor Leste.
Còn tại Kenya, nghị sĩ trẻ nước này cho biết thực trạng có nhiều hành vi bắt nạt trên mạng nên đã có luật điều chỉnh lĩnh vực này với mức phạt lên tới 25 năm tù. Pháp luật của Kenya cũng có những lệnh hạn chế tiếp xúc với đối tượng vi phạm tội tình dục; có những quy định phạt tiền và phạt tù đối với lĩnh vực này; quy định phạt về nội dung mang tính khiêu dâm…
Nghị viện Kenya mong muốn chia sẻ những biện pháp xử phạt mạnh mẽ đối với những hành vi vi phạm pháp luật nói trên để nghị viện các nước tham khảo trong việc điều chỉnh pháp luật.
Đóng góp ý kiến về vấn đề này, bà Cynthia Lopez Castro, Nghị sĩ Mexico, Chủ tịch Diễn đàn Nữ nghị sĩ IPU, cho hay, tại Mexico có đạo luật Olympia được bắt nguồn từ việc phát tán đoạn video có nội dung tình dục nhưng không được sự cho phép - đây là hành vi bạo lực trên mạng nhưng không được quy định trong Hiến pháp.
Bà Cynthia Lopez Castro. (Ảnh: quochoi.vn).
Vì vậy, Mexico đã thành công trong việc đưa vào trong Hiến pháp và coi đây là hành vi phạm tội hình sự, vi phạm quyền riêng tư cá nhân. Điều luật này cũng được nhân rộng ở nhiều bang ở Mexico và một số quốc gia.
Bà Cynthia Lopez Castro tự hào vì những nỗ lực này đã được ghi nhận và mong muốn những nỗ lực này sẽ được các quốc gia khác tham khảo thực hiện nhằm ngăn chặn, bảo vệ cho phụ nữ trong hiện tại và tương lai.
Hiện tại, Mexico có tỷ lệ nghị sĩ nữ chiếm tới 50%, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao là phụ nữ, Chủ tịch Quốc hội là phụ nữ. Tại Hội nghị này, bà Cynthia Lopez Castro hy vọng các nghị viện cùng nhau hỗ trợ thực hiện các đạo luật tương tự để ngăn chặn các hành vi bạo lực đối với phụ nữ trên mạng Internet.
Theo bà Cynthia Lopez Castro, hiện chưa có cách tiếp cận phổ quát Internet trên toàn cầu về việc phòng chống, xử phạt bạo lực phụ nữ, phát tán nội dung độc hại, tình dục nên đòi hỏi cần có sự tiếp cận để ngăn chặn hiệu quả hơn trong tương lai.
Nghị sĩ Ireland đánh giá Mexico có nhiều thay đổi táo bạo trong trao quyền cho phụ nữ, giới trẻ. Ireland cũng ủng hộ các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong việc mang Internet cáp quang đến cho các hộ gia đình nông thôn, giúp phụ nữ, người lao động có thể làm việc gần nhà hơn.
Kể từ đại dịch COVID-19, phụ nữ Ireland đã bị ảnh hưởng khá nhiều trong lĩnh vực lao động, việc làm. Chúng ta đã có nhiều nỗ lực, nhưng những thay đổi cần đến từ chính trong các gia đình. Cần đẩy mạnh chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, đảm bảo ở cả các mặt cung và cầu, cung cấp đủ các phương tiện hỗ trợ về giao thông, nền tảng số, chăm sóc trẻ em để giảm bớt gánh nặng của phụ nữ.
Với những ý kiến đóng góp như trên, nghị sĩ đại diện cho Nghị viện các nước đều bày tỏ mong muốn thông qua phiên thảo luận này, các nước có thể tham khảo các mô hình, chia sẻ kinh nghiệm về việc phòng chống, ngăn chặn bạo lực, các hành vi vi phạm pháp luật thông qua việc hoàn thiện thể chế, chính sách trong thúc đẩy quá trình chuyển đổi số nhằm tăng cường cơ hội phát triển bền vững và an toàn cho mỗi quốc gia.