“Hệ thống tên lửa chiến thuật Iskander đã xóa sổ 3 bệ phóng của hệ thống tên lửa Patriot do Mỹ sản xuất gần Pokrovsk ở Cộng hòa Nhân dân Donetsk", TASS dẫn nguồn cho biết hôm 9/3.
Theo nguồn tin, hệ thống tên lửa Patriot do Mỹ sản xuất nằm trong số những khí tài quân đội Ukraine bị phá hủy trong cuộc tấn công bằng tên lửa Iskander của Nga tại Donetsk.
Hệ thống tên lửa Patriot. (Ảnh: www.raytheon.com)
Trước đó, Bộ Quốc phòng Nga thực hiện cuộc tấn công bằng tên lửa Iskander. Dữ liệu sơ bộ cho thấy, cuộc tấn công đã phá hủy hệ thống tên lửa S-300 của quân đội Ukraine gần thị trấn Pokrovsk.
Hệ thống tên lửa chiến thuật Iskander là vũ khí độ chính xác cao với tầm bắn lên tới 500km. Đầu đạn của tên lửa có thể tiêu diệt hầu hết mọi mục tiêu, phá huỷ hệ thống phòng không của đối phương. Iskander được trang bị tên lửa đạn đạo, dễ dàng tiếp cận mục tiêu và bất khả xâm phạm trước các hệ thống phòng không của đối phương.
Mỹ đã gửi các hệ thống phòng không Patriot cho Ukraina vào mùa xuân năm ngoái, nhưng chúng gặp khó khăn trong việc đánh chặn đạn pháo của Nga.
Vào tháng 5/2023, Bộ Quốc phòng Nga liên tục đưa ra tuyên bố bắn hạ nhiều hệ thống tên lửa Patriot ở Ukraine bằng tên lửa siêu thanh Kinzhal.
Các nước phương Tây đã cung cấp cho Ukraine thiết bị quân sự kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt vào tháng 2/2022. Sự hỗ trợ này phát triển từ đạn pháo hạng nhẹ và huấn luyện đến vũ khí hạng nặng, trong đó có cả xe tăng.
Xung đột Nga - Ukraine kéo dài và trở thành cuộc chiến tiêu hao. Đã xuất hiện tâm lý mệt mỏi ở Mỹ và các quốc gia phương Tây viện trợ cho Kiev. Nhiều đề xuất hoà bình cho xung đột đã được đưa ra, song chưa mang lại kết quả do khác biệt về quan điểm giữa Nga và Ukraine.
Moskva cho rằng, quyết định của Mỹ và các nước NATO cung cấp vũ khí hạng nặng cho Ukraine khiến cho đàm phán giữa Nga và Ukraine trở nên “vô nghĩa”. Nga nhiều lần cáo buộc Mỹ và đồng minh tìm cách cố tình kéo dài cuộc xung đột, cảnh báo phương Tây không cung cấp vũ khí cho Ukraine.