Theo ông Phạm Văn Học, Tổng Giám đốc hệ thống y tế Hùng Vương (Phú Thọ), sau khi bị điện giật, nam thanh niên 20 tuổi bị ngừng tim, đồng tử giãn, da niêm mạc tím tái; miệng, mũi có nhiều bọt màu hồng, tay và chân trái có nhiều vết bỏng, da cháy xém.
Các nhân viên của Phòng khám đa khoa Hùng Vương - Chân Mộng quyết định ép tim cho nạn nhân ngay trên bờ ao.
Sau một hồi ép tim, thấy trên monitoring cầm tay có tín hiệu SPO2 (chỉ số về độ bão hòa oxy trong máu), nhân viên y tế quyết định vận chuyển gấp nam thanh niên về phòng cấp cứu Bệnh viện đa khoa Hùng Vương.
Nhân viên y tế tích cực ép tim cho nam thanh niên bị điện giật.
Tại đây, các bác sỹ tiếp tục ép tim và sốc điện nhưng sau 30 phút vẫn chưa lấy lại được mạch. Họ vẫn kiên trì thay nhau ép tim.
Gần ba giờ ngừng tim, các bác sỹ nhận định, mặc dù bệnh nhân được ép tim liên tục nhưng khả năng tưới và cấp máu cho não chắc chắn rất hạn chế, có nguy cơ mất não và suy đa tạng. Do đó, họ quyết định áp dụng kỹ thuật hạ thân nhiệt và lọc máu liên tục.
Sau nhiều nỗ lực cấp cứu, tim của nam thanh niên đập trở lại. Sau gần một tuần, các chỉ số cải thiện, các bác sỹ giảm dần thuốc vận mạch và thuốc an thần. Bệnh nhân dần tự thở và bắt đầu có ý thức trở lại. Đến nay, sau 10 ngày điều trị, ệnh nhân có thể ngồi rồi đứng dậy.
Hạ thân nhiệt chỉ huy là một kỹ thuật điều trị giúp giảm tỷ lệ tử vong và các biến chứng ở bệnh nhân ngừng tuần hoàn hô hấp và các bệnh lý khác. Cơ chế hạ thân nhiệt giúp não giảm phù, viêm, cải thiện tưới máu và cung cấp oxy, do đó não có nhiều cơ hội hồi phục hơn.
Thời gian vàng cho người bệnh để tiến hành kỹ thuật hạ thân nhiệt là trong vòng 6 giờ kể từ khi bắt đầu ngừng tim, ngừng thở.
Các bác sỹ khuyến cáo, khi phát hiện người bị điện giật, cần nhanh chóng tách nạn nhân ra khỏi dòng điện bằng cách cắt cầu dao (tuyệt đối không vì hoảng loạn mà sờ tay vào nạn nhân khi chưa ngắt điện); sau đó nhanh chóng kêu gọi sự trợ giúp từ người xung quanh và đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất.