Theo vị quan chức Mỹ, Washington và các đồng minh đang lên kế hoạch để kích hoạt các biện pháp trừng phạt "quy mô toàn diện" đã được thảo luận trong nhiều tuần qua đối với Nga. Chi tiết cụ thể vẫn chưa được tiết lộ.
Trước đó, Mỹ đã lên kế hoạch nhắm mục tiêu vào hai ngân hàng lớn nhất của Nga cũng như các công ty tài chính khác, và chuẩn bị triển khai các biện pháp kiểm soát xuất khẩu với mục tiêu cắt đứt khả năng tiếp cận của Nga với những công nghệ quan trọng của phương Tây.
Bên cạnh đó, những cá nhân trong "vòng thân cận" của Tổng thống Putin cùng các thành viên gia đình cũng sẽ bị nhắm đến.
(Ảnh minh họa: Reuters)
Tình hình Nga-Ukraine trở nên đặc biệt căng thẳng trong những tháng gần đây. Nga hôm 22/2 tuyên bố công nhận hai nước cộng hòa tự xưng ở miền Đông Ukraine, mà theo Moskva là nhằm ngăn chặn tình hình căng thẳng leo thang khiến người dân địa phương thiệt mạng và các cơ sở hạ tầng thiết yếu bị phá hủy tại khu vực. Nga cũng cáo buộc Ukraine nã pháo vào khu vực (dù Kiev phủ nhận) và không duy trì được nghĩa vụ theo thỏa thuận Minsk.
Động thái đã làm dấy lên làn sóng chỉ trích và trừng phạt từ các nước phương Tây. Mỹ, EU, Anh, Australia lần lượt công bố các kế hoạch trừng phạt ban đầu, nhắm vào các tổ chức tài chính và một số cá nhân ở Nga.
Đến 24/2, Nga tuyên bố thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt tại Donbass. Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cho biết Nga đã phát động một cuộc "chiến tranh tổng lực" nhằm vào Kiev.
Trong khi đó, theo New York Times, cuộc họp khẩn cấp thứ hai trong tuần của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc kết thúc bằng cuộc trao đổi căng thẳng giữa các đại sứ Ukraine và Nga. Đại sứ Ukraine kêu gọi Nga từ bỏ ghế chủ tịch hội đồng và nói chỉ trích gay gắt động thái quân sự của Moskva. Trong khi đó, đại sứ Nga khẳng định: "Chúng tôi không gây hấn với người dân Ukraine, mà chống lại sự tranh giành quyền lực ở Kiev".