Trong thông cáo báo chí đăng tải trên website Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 27/9, người phát ngôn Morgan Ortagus nhắc lại lời hứa không theo đuổi việc quân sự hóa quần đảo Trường Sa - thuộc chủ quyền của Việt Nam - được Chủ tịch Tập Cận Bình đưa ra tại Nhà Trắng trong chuyến thăm của ông cách đây 5 năm.
"Nhưng thực tế, Trung Quốc lại theo đuổi quân sự hóa các tiền đồn ở khu vực tranh chấp một cách liều lĩnh và khiêu khích. Họ triển khai tên lửa chống hạm, cải thiện về khả năng tình báo tín hiệu, bố trí thêm radar quân sự, xây dựng hàng chục nhà máy chứa máy bay chiến đấu cũng như các đường bay.
Trung Quốc sử dụng các tiền đồn đã được quân sự hóa này như những nền tảng cưỡng chế để khẳng định quyền kiểm soát đối với các vùng biển mà Bắc Kinh đưa ra các yêu sách phi pháp về chủ quyền", bà Ortagus nhấn mạnh.
Các tàu nạo vét của Trung Quốc trong các vùng nước xung quanh Đá Chữ thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. (Ảnh: Reuters)
Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, các tiền đồn trên đóng vai trò là nơi tập trung hàng trăm tàu dân quân và tàu hải cảnh của Trung Quốc. Các tàu này thường xuyên quấy rối tàu dân sự và cản trở các hoạt động thực thi pháp luật hợp pháp, đánh bắt xa bờ và phát triển dầu mỏ của các nước láng giềng.
"Trung Quốc không tôn trọng lời nói và cam kết của mình. Trong vài tháng gần đây, chúng tôi đã chứng kiến việc một lượng chưa từng có các quốc gia bày tỏ sự phản đối chính thức của họ tại Liên hợp quốc trước các yêu sách hàng hải trái phép của Trung Quốc ở Biển Đông", thông cáo nhấn mạnh.
Từ thực trạng trên, Mỹ kêu gọi cộng đồng quốc tế tiếp tục lên tiếng phản đối các hành vi nguy hiểm và không thể chấp nhận được này và khiến Trung Quốc hiểu rằng họ phải chịu trách nhiệm trước các hành vi đó.
"Hoa Kỳ sẽ tiếp tục sát cánh với các đồng minh và đối tác Đông Nam Á chống lại các nỗ lực cưỡng ép của Trung Quốc nhằm thống trị Biển Đông", thông cáo Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định.