Hôm 29/6, The Wall Street Journal (WSJ) dẫn lời các quan chức Mỹ và châu Âu cho biết, Washington có thể chấp thuận gửi Hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân (ATACMS) cho Ukraine.
Theo nguồn tin WSJ, Nhà Trắng nhận thấy phải khẩn trương tăng cường khả năng quân sự cho Ukraine sau nhiều tuần nước này tiến hành cuộc phản công song vẫn không mang lại lợi thế trên thực địa.
Mỹ đang xem xét chuyển tên lửa tầm xa ATACMS tới Ukraine. (Ảnh: US Army)
Tên lửa ATACMS có khả năng tấn công các mục tiêu cách xa tới 300 km, có thể bắn tới các cơ sở sâu bên trong nước Nga. Tên lửa này cũng có thể được phóng từ bệ phóng HIMARS do Mỹ sản xuất, vốn được Washington cung cấp cho Kiev. Đến nay, Mỹ vẫn chưa cung cấp các loại vũ khí tầm xa hơn cho Ukraine do lo ngại về khả năng leo thang chiến sự.
Tháng 7 năm ngoái, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan nói chính quyền của Tổng thống Joe Biden sẽ không bao giờ cung cấp cho Ukraine những loại vũ khí như vậy vì có thể kích động một cuộc xung đột rộng lớn hơn nếu được sử dụng để tấn công lãnh thổ Nga.
Theo nguồn tin của WSJ, việc cung cấp tên lửa ATACMS đang “chờ phê duyệt ở cấp cao nhất”. Nhà Trắng có thể thay đổi quan điểm về vấn đề này. Các quan chức châu Âu cũng cho biết họ đã hối thúc Mỹ về nhu cầu cung cấp tên lửa tầm xa cho Ukraine.
Quan chức quốc phòng cấp cao của Ukraine nói với WSJ rằng, Kiev đã nhận được "những dấu hiệu tích cực" về vấn đề này trong những tuần gần đây.
Vào đầu tháng 6, nhóm các nhà lập pháp Mỹ thúc giục Tổng thống Biden cung cấp vũ khí tiên tiến hơn cho Ukraine, bao gồm cả ATACMS.
Kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine, các nước phương Tây đã cung cấp cho Kiev các loại hệ thống vũ khí khác nhau, bao gồm tên lửa phòng không, hệ thống phóng rocket đa nòng, xe tăng, pháo tự hành và súng phòng không.
Từ lâu, Ukraine đã yêu cầu các đồng minh phương Tây viện trợ cho nước này các loại tên lửa tấn công tầm xa có thể đánh vào vùng hậu cần của Nga, nằm cách xa chiến tuyến.