Thông tin này được Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc, bà Linda Thomas-Greenfield đưa ra trong một cuộc phỏng vấn mới đây với tờ The Washington Post hôm 18/1. Đồng thời khẳng định Washington sẽ có hành động đáp trả mạnh mẽ nhằm vô hiệu hóa nguy cơ tên lửa hạt nhân Nga được triển khai gần lãnh thổ Mỹ.
Cảnh báo trên được đưa ra khi truyền thông Mỹ lo ngại thất bại từ các cuộc đàm phán an ninh Nga – Mỹ, Nga – NATO có thể sẽ dẫn đến việc Moskva triển khai các tên lửa tấn công hạt nhân gần lãnh thổ Mỹ, điều họ từng làm trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Linda Thomas-Greenfield. (Ảnh: Sputnik)
"Moskva đang sử dụng hết mọi khả năng để đe dọa nước Mỹ, buộc chúng tôi phải ngã theo những yêu sách của họ. Người Nga nên biết rằng nếu họ có hành động gây hấn nhằm vào Mỹ, thì chúng tôi sẽ có hành động đáp trả mạnh mẽ nhất”, bà Thomas-Greenfield nhấn mạnh.
Trước đó, trả lời kênh RT, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov ngày 13/1 không loại trừ khả năng Moskva có thể điều quân tới Cuba và Venezuela nếu các cuộc đàm phán với phương Tây về Ukraine và an ninh tại châu Âu thất bại và căng thẳng Nga - Mỹ leo thang.
Thứ trưởng Ryabkov cũng là người dẫn đầu phái đoàn Nga đàm phán với Mỹ tuần trước ở Thụy Sĩ, tuyên bố hành động của Nga sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào các động thái từ Mỹ.
Hôm 17/1, khi được hỏi liệu Nga có đang cân nhắc việc triển khai tên lửa ở Cuba hay Venezuela hay không, người phát ngôn của Tổng thống Nga Vladimir Putin, Dmitri Peskov, cho biết: "Rõ ràng, trong bối cảnh hiện nay, Nga đang tìm hiểu các phương án đảm bảo an ninh cho mình".
Theo hãng tin Sputnik (Nga), Đại sứ Thomas-Greenfield không lý giải vì sao phương án Nga triển khai quân sự tới gần lãnh thổ Mỹ bị Washington coi là hành động "gây hấn", trong khi Mỹ và NATO tăng cường lực lượng ở gần cửa ngõ của Nga lại là hành động cần thiết.
Khả năng Nga triển khai tên lửa đến Mỹ Latin để dằn mặt Mỹ là điều hoàn toàn có thể xảy ra. (Ảnh: Sputnik)
Trước đó, vào tháng 12/2021, Bộ Ngoại giao Nga đã gửi một loạt đề xuất cho Washington và cả NATO về một chương trình hành động chung nhằm đảm bảo an ninh ở châu Âu .
Đặc biệt, đề xuất này bao gồm việc NATO ngừng mở rộng thêm về phía đông và cũng như giới hạn các hoạt động quân sự ở các quốc gia thuộc Liên Xô cũ như ở Ukraine, Đông Âu, vùng Transcaucasia và Trung Á.
Đến ngày 10/1, Nga và Mỹ đã tổ chức một buổi tham vấn tại Geneva về các đề xuất của Moskva về đảm bảo an ninh, sau đó là cuộc họp của Hội đồng Nga-NATO tại Brussels vào ngày 12/1 và cuộc họp của OSCE tại Vienna vào ngày 13/1. Tất cả các cuộc đàm phán này đều thất bại khi cả hai bên đều không thể tìm ra được tiếng nói chung trong nhiều vấn đề, trong đó trọng tâm vẫn là vấn đề Ukraine.