Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Tương lai quan hệ NATO - Nga khó đoán định, đối đầu quân sự gia tăng?

(VTC News) -

Khác biệt giữa NATO và Nga trong loạt vấn đề liên quan đến Ukraine khiến hai bên không tìm được lối thoát để hóa giải căng thẳng hiện nay.

Căng thẳng giữa NATO và Nga vốn tồn tại trong thời gian dài, luôn nhận được quan tâm của quốc tế bởi di biến động giữa hai bên tác động đến cục diện thế giới, khu vực. Do đó, đối thoại an ninh giữa NATO và Nga liên quan đến Ukraine được xem là khe “cửa hẹp”, cơ hội để hàn gắn bất đồng. Dù vậy, hai bên đã đánh mất cơ hội để hóa giải căng thẳng, hội đàm kết thúc chóng vánh và đẩy nguy cơ đối đầu quân sự giữa hai bên ngày lên cao.

Nhiều khác biệt

Căng thẳng giữa NATO với Nga gia tăng thời gian gần đây liên quan đến Ukraine. Mỹ và đồng minh cáo buộc Moskva dồn quân đến sát biên giới, chuẩn bị một cuộc tấn công nhằm vào Kiev trong thời gian tới. Tuy nhiên, Moskva đã nhiều lần phủ nhận điều đó, cho rằng hành động này được thực thi mang tính phòng vệ, đồng thời cáo buộc mối quan hệ ngày càng gắn kết giữa Ukraine và NATO khiến leo thang tình trạng bế tắc hiện nay.

Quan chức NATO - Nga tham gia đối thoái an ninh hôm 12/1. 

Những tưởng đàm phán an ninh giữa giới chức Nga, Mỹ, NATO và Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) tuần trước sẽ là cơ hội để các bên thu hẹp bất đồng, xoa dịu căng thẳng song với lập trường nhiều khác biệt, các vòng hội đàm lại kết thúc chóng vánh, Moskva và đối tác ra về trắng tay.

Các bên đều duy trì lập trường cứng rắn nhằm bảo vệ lợi ích riêng, phơi bày những bất đồng về hàng loạt vấn đề then chốt trong hai dự thảo thỏa thuận an ninh mà Moskva đã đưa ra hồi tháng 12. Theo đó, Nga muốn có các đảm bảo từ NATO, với việc không mở rộng thêm về phía đông và không kết nạp bất kỳ quốc gia hậu Xô Viết nào, kể cả Ukraine, vào liên minh quân sự này.

Các phát biểu từ cả hai phía trước, trong và sau đàm phán đều thể hiện tính "không thỏa hiệp” của các bên. Mỹ và đồng minh cho rằng, các yêu cầu mà Nga đưa ra là quá đáng, không thể chấp nhận, đồng thời nhấn mạnh việc để Moskva thiết lập một trật tự an ninh mới ở châu Âu là điều “không thể”. Thậm chí, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cảnh báo, nguy cơ xung đột vũ trang ở châu Âu vẫn còn hiện hữu.

Trong khi đó, Nga cũng thẳng thừng bác yêu cầu từ Mỹ và NATO đòi Moskva phải rút các binh sĩ đang triển khai ở vùng lãnh thổ giáp biên giới với Ukraine, mà phương Tây cho rằng đồng nghĩa với những ý định tiến hành một cuộc tấn công quân sự.

Hơn nữa, Nga cũng cáo buộc NATO đang quay lại chiến lược thời kỳ Chiến tranh Lạnh, thực hiện các biện pháp “ngăn chặn” đối với Nga và tìm kiếm “sự thống trị toàn diện”. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko cho rằng, Nga đã đề xuất các biện pháp giảm leo thang song NATO vẫn phớt lờ. Theo ông Grushko, điều này là không thể chấp nhận được, nhấn mạnh nếu NATO kiên trì với chính sách ngăn chặn, răn đe và đe dọa, Moskva sẽ đáp trả một cách không khoan nhượng.

Chưa hết, sau khi hội đàm kết thúc, cả Nga và NATO cũng có những động thái trên thực địa, hiện thực hóa lập trường cứng rắn của mỗi bên trên bàn đàm phán. Quân đội Nga tổ chức tập trận bắn đạn thật với sự hiện diện 3.000 binh sĩ và xe tăng, trong đó mô phỏng kịch bản chiến tranh tại 4 khu vực phía Tây Nam nước Nga. Trong khi đó, NATO chuẩn bị cho cuộc tập trận quy mô lớn mang tên Cold Response 2022 trên lãnh thổ của Na Uy - cách biên giới Nga 400 km. Tham gia tập trận gồm 2 nhóm tấn công tàu sân bay cùng lúc, dẫn đầu bởi tàu USS Harry S. Truman của Mỹ và tàu HMS Prince of Wales của Anh. 

Mới đây, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov một lần nữa cảnh báo, sự hiện diện của NATO tại biên giới và việc vượt qua "lằn ranh đỏ" có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. Ông Lavrov cho rằng, Moskva đã rất kiên nhẫn trong quan hệ với Washington và NATO trong thời gian qua, nhưng sự chờ đợi này có giới hạn. Lúc này, Nga cần sự đảm bảo rõ ràng bằng văn bản về những đề xuất an ninh đã được thiết lập.

Đối thoại an ninh Nga - NATO thất bại là điều đã được đoán định từ trước. Trước khi diễn ra cuộc họp Hội đồng Nga - NATO tại Brussels, Mỹ và các đồng minh đã tham vấn lẫn nhau, nhất trí quan điểm trước các nội dung có thể mặc cả, nhân nhượng với Moskva. Theo đó, NATO đồng ý tăng cường sự cởi mở xung quanh các cuộc diễn tập quân sự, tránh nguy cơ bùng nổ xung đột trên diện rộng… song nói không với đòi hỏi từ phía Nga về giới hạn quy mô hoạt động của khối và không kết nạp thêm thành viên. 

Trên thực tế, các yêu cầu đảm bảo an ninh mà Nga đưa ra đối với NATO có ý nghĩa sống còn đối với nước này. Ukraine có vai trò đặc biệt quan trọng với Nga khi xét tới vị trí của nước này, vốn được coi là "bức tường thành" giữa Nga và phần còn lại của Đông Âu, cũng như có tầm quan trọng mang tính lịch sử và biểu tượng. Do đó, Moskva không chỉ tìm cách ngăn Ukraine gia nhập NATO mà còn muốn tách Kiev khỏi quỹ đạo ảnh hưởng của phương Tây. Ngăn chặn Kiev trở thành thành viên NATO được xem là yêu cầu hoàn toàn bắt buộc đối với Moskva.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg.

Đánh giá được vai trò trọng yếu của Ukraine đối với Nga, Mỹ và các đồng minh tìm cách lôi kéo Kiev ngã về phía mình trong nỗ lực đối phó với Moskva. Dù thành viên NATO chưa đạt được đồng thuận về việc Ukraine gia nhập liên minh quân sự này song cánh cửa vẫn để ngỏ cho Kiev. Hồi tháng 4/2008, NATO từng tuyên bố rằng, cuối cùng một ngày nào đó Ukraine và Gruzia sẽ trở thành thành viên của liên minh này. Đây được xem là cột mốc mang tính bước ngoặt đối với an ninh châu Âu, để Kiev tiếp tục theo đuổi tham vọng của mình.

Đối đầu quân sự?

Sau một tuần đối thoại bất thành, cụm từ “chiến tranh” đang được các nhà ngoại giao phương Tây đưa ra, với việc Mỹ cảnh báo cần chuẩn bị cho khả năng leo thang căng thẳng với Nga. Một trong những câu hỏi lớn nhất mà giới chức phương Tây đang tìm lời giải đó là Nga sẽ hành động tới mức độ nào để ngăn Ukraine ngả về châu Âu và phương Tây, cũng như tăng cường và mở rộng ảnh hưởng tại quốc gia này.

Nga nhiều lần khẳng định, việc Ukraine hoặc Gruzia gia nhập NATO là "lằn ranh đỏ", Moskva có thể sẽ khiến châu Âu phải trả giá nếu điều đó xảy ra, trong đó có việc trì hoãn xuất khẩu khí đốt. Đức và nhiều nước NATO khác chắc chắn không muốn điều đó xảy ra, cũng như bùng nổ xung đột với Nga. Do đó, Ukraine đang gặp khó trong việc đáp ứng tiêu chí quan trọng thứ ba để gia nhập NATO - đó là sự tán thành của tất cả 30 nước thành viên.

Căng thẳng, đối đầu giữa NATO và Nga mang tính bản chất, khó có thể thay đổi “một sớm, một chiều”. Vấn đề Ukraine như “vết dầu loang”, “mồi lửa” khiến cho căng thẳng quan hệ NATO - Nga tiếp tục được đẩy lên cao trào. Tuy nhiên, một số phân tích cho rằng, dường như vấn đề đang được hai bên đẩy lên quá mức cần thiết, dù nguy cơ đối đầu quân sự giữa Moskva và NATO là không ngoại trừ song điều này khó xảy ra bơi cả hai đều dự liệu trước những hệ lụy khôn lường về kịch bản này.

Nhiều ý kiến phân tích nhận định, một cuộc xung đột ở Ukraine vẫn có khả năng xảy ra nhưng ở mức độ và quy mô hạn chế thay vì trên diện rộng. Dù đưa ra những ngôn từ mạnh mẽ, gay gắt dành cho nhau, song Nga và Mỹ đều muốn tránh xung đột quân sự và những hành động của Moskva cho thấy nước này chỉ muốn lợi ích của mình được "xem xét". Điện Kremlin không muốn một cuộc chiến vượt ngoài kiểm soát, mà chỉ coi đây là “quân bài” quan trọng để thương lượng với Washington trên bàn đàm phán.

Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố Moskva buộc phải đáp trả trước các động thái mở rộng cơ sở hạ tầng quân sự của NATO gần biên giới Nga. 

Sau đối thoại an ninh, dấy lên nhiều thông tin cho rằng Nga đang chuẩn bị các chiến dịch "cờ giả" - kế hoạch đổ lỗi cho Ukraine, từ đó lấy cớ tấn công ở Ukraine. Tuy nhiên, Nga bác các cáo buộc này, cho rằng không có bằng chứng cho những cáo buộc mang tính võ đoán này. Ngoại trưởng Sergei Lavrov nhấn mạnh, phản ứng của Nga sẽ được đưa ra sau khi nhận được phản hồi về những đề xuất an ninh bằng văn bản của Mỹ và đồng minh.

Đó là đòi hỏi từ Moskva, khó lòng nhận được cái gật đầu từ Washington và đồng minh. Đề xuất mà Nga đưa ra được cho là đụng chạm đến lợi ích cốt lõi của Mỹ và NATO. Do đó, khó có thể đưa ra cam kết pháp lý bằng văn bản cụ thể với Nga về những vấn đề an ninh quan trọng như chấm dứt mở rộng NATO sang phía Đông hay không kết nạp Ukraine. Tuy nhiên, để tránh hậu họa từ cuộc chiến tàn khốc, NATO sẽ đưa ra một số thỏa hiệp, tạo tiền đề cho các cuộc đàm phán tiếp theo giữa hai bên.

Kịch bản cho quan hệ NATO - Nga thời gian tới khó đoán định, thậm chí giới chuyên gia còn nhận định rằng, việc Moskva đưa ra đề xuất an ninh với Mỹ và NATO là “cái cớ” để nước này đẩy mạnh các hành động quân sự, can thiệp sâu hơn vào Ukraine. Bởi những đề xuất của Moskva được xem là điều “không thể đáp ứng”, “đòi hỏi quá đáng” của Nga.

Khó có thể kỳ vọng vào việc NATO nhượng bộ, đưa ra tuyên bố rõ ràng về các đề xuất của Nga. Trong bối cảnh hiện nay, Mỹ và NATO nhiều khả năng sẽ tiếp tục dồn sức hỗ trợ vũ khí, phương tiện, ngoại giao cho Ukraine để nước này đủ sức đối đầu Nga, ngăn chặn Moskva gây ảnh hưởng sâu rộng hơn nữa tại quốc gia này.

Theo giới chuyên gia, dù các bên chưa thể tháo gỡ vướng mắc, hàn gắn được bất đồng trong những vấn đề cốt lõi, nhưng việc các quan chức Nga và phương Tây có thể cùng ngồi xuống bàn đàm phán phần nào cũng đã giúp các bên hiểu hơn về quan điểm, lập trường của nhau và tránh những bước đi sai lầm.

Thế nhưng, việc cả Nga và phương Tây đều thể hiện sẵn sàng tiếp tục đối thoại, nhấn mạnh tầm quan trọng của biện pháp ngoại giao trong giải quyết mâu thuẫn. Đây là tín hiệu tích cực, mở ra "khe cửa hẹp" trong mối quan hệ căng thẳng NATO và Nga hiện nay.

Kông Anh

Tin mới