Sau cuộc không kích quy mô lớn của Nga vào Kiev và nhiều khu vực của Nga đầu tuần này, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky một lần nữa yêu cầu Mỹ và các đồng minh dỡ bỏ mọi hạn chế đối với vũ khí phương Tây cung cấp.
“Không nên có bất kỳ hạn chế nào về phạm vi vũ khí đối với Ukraine”, ông Zelensky nói. “Những người bảo vệ sự sống không nên phải đối mặt với bất kỳ hạn chế nào về vũ khí”.
Hệ thống tên lửa đánh chặn đất đối không Patriot Mỹ viện trợ cho Ukraine. (Ảnh: Reuters)
Trước lời kêu gọi của ông Zelensky, Mỹ vẫn giữ nguyên lập trường của mình. "Chính sách của chúng tôi không thay đổi”, người phát ngôn Lầu Năm Góc, Thiếu tướng Patrick Ryder, cho biết trong tuyên bố ngày 27/8.
Ông Ryder nhấn mạnh, Ukraine được phép sử dụng vũ khí do Mỹ cung cấp để phòng thủ trước các cuộc tấn công xuyên biên giới nhưng không được sử dụng để “tấn công sâu” vào lãnh thổ Nga.
Người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby cũng tuyên bố "không có thay đổi" nào đối với chính sách liên quan đến các hạn chế sử dụng vũ khí viện trợ cho Ukraine.
Các hạn chế này như một lời tuyên bố rằng Mỹ và các đồng minh "không trực tiếp" tham gia vào cuộc xung đột dù đã gửi cho Kiev hàng tỷ USD vũ khí, đạn dược, thiết bị và tiền mặt.
Tổng thống Ukraine Zelensky trước đó cho rằng những hạn chế như vậy làm cản trở quân đội của ông trong việc chống lại hoạt động của Nga ở phía bắc Kharkov vào tháng 5, đồng thời yêu cầu chúng phải được dỡ bỏ hoàn toàn.
Washington phản ứng bằng cách cho phép "phản pháo" chống lại lực lượng Nga qua biên giới. Mỹ cũng nới lỏng chính sách so với các hạn chế ban đầu khi cho phép Kiev tấn công lãnh thổ Nga mà Ukraine tuyên bố là của họ - từ Crimea đến Zaporozhye, Kherson, các nước Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Lugansk tự xưng.
Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine, ông Andrey Yermak và Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Rustem Umerov dự kiến sẽ đến Washington vào cuối tuần này để trình bày danh sách các mục tiêu mà Kiev muốn tấn công.
Đại diện đặc biệt của Bắc Kinh về các vấn đề Á-Âu, Li Hui, ngày 27/8 cho biết Trung Quốc, Brazil, Nam Phi và Indonesia "lo ngại phương Tây sẽ tiếp tục nới lỏng các điều kiện sử dụng vũ khí được cung cấp để tấn công lãnh thổ Nga".
Chính phủ Mỹ hiện đã vạch ra ranh giới cho các cuộc tấn công sâu vào Nga sau khi một trong những tên lửa ATACMS được trang bị đầu đạn chùm tấn công một bãi biển Crimea vào đầu tháng 6. Moskva đổ lỗi cho Washington về vụ tấn công và cho rằng Nga có thể trang bị vũ khí cho "các quốc gia và thực thể" không thân thiện với Mỹ để đáp trả.