Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Một số bệnh lý bạn cần nghĩ ngay đến khi bị tê đầu ngón chân cái kéo dài

(VTC News) -

Tê đầu ngón chân cái là hiện tượng rất nhiều người gặp phải, đây có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý nhưng cũng có thể chỉ là do những nguyên nhân khách quan.

Tê đầu ngón chân cái là hiện tượng ngứa ran và tê như có kim châm trên da ở ngón chân cái. Tình trạng này còn thường được biểu hiện trên nhiều bộ phận khác nhau của cơ thể mà phổ biến là các đầu ngón chân, bàn chân, bàn tay,…

Tê đầu ngón chân cái là hiện tượng rất nhiều người gặp phải. (Ảnh minh họa).

Tê ngón chân cái do đứng hoặc ngồi lâu

Khi bạn đứng, ngồi hoặc nằm quá lâu trên cùng một tư thế có thể làm máu không thể lưu thông đến các dây thần kinh ở chân. Từ đó, làm tê hoặc sưng đau các đầu ngón chân.

Nếu là do nguyên nhân này, thông thường bạn chỉ cần đợi một vài phút, hiện tượng tê sẽ biến mất. Tuy nhiên, nếu tê ngón chân cái lặp lại nhiều lần và dữ dội hơn thì đó có thể là dấu hiệu của bệnh lý và cần đi khám bác sĩ sớm. Dưới đây là một số bệnh lý có biểu hiện triệu chứng tê bì chân tay điển hình mà bạn có thể tham khảo.

Thiếu máu

Thiếu máu là nguyên nhân đầu tiên dẫn đến hiện tượng tê các đầu ngón tay, chân. Hiện tượng thiếu máu có thể là lành tính hoặc ác tính, vấn đề này bạn cần thăm khám bác sĩ để biết chính xác.

Khi cơ thể bị thiếu máu, máu sẽ khó có thể đi đến tất cả các bộ phận của cơ thể, nhất là một nơi xa như ngón chân cái. Ngoài tê ran ngón chân, ngón tay, bạn còn có thể bị choáng váng, chóng mặt và mệt mỏi khi bị thiếu máu.

Một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn đến thiếu máu đó là thiếu vitamin B12 - một vitamin đóng vai trò quan trọng trong việc tạo máu. Vitamin B12 cũng đóng vai trò hỗ trợ và duy trì sự hoạt động ổn định của các dây thần kinh. Bạn có thể bổ sung các loại thực phẩm tốt cho tình trạng thiếu máu hoặc bổ sung vitamin B12 nếu cần.

Viêm khớp

Hiện tượng tê, đau ngón chân cái có thể là dấu hiệu của bệnh viêm khớp hoặc viêm khớp dạng thấp mà bạn cần phải hết sức lưu ý. Các bệnh viêm khớp đều có thể gây ra những tổn thương ở các ngón chân, kéo theo đó là tình trạng viêm nhiễm. Điều này sẽ khiến ngón chân của người bệnh ban đầu sẽ cảm thấy tê, rồi dần dần bị đau và có thể bị mất hoàn toàn cảm giác.

Bệnh viêm khớp và viêm khớp dạng thấp còn có những dấu hiệu khác như tê bì chân tay và nóng rát ở các đầu ngón chân, ngón tay. Trong trường hợp hiện tượng tê ngón chân cái không có dấu hiệu thuyên giảm mà ngày càng trở nặng thì bạn cần phải đến gặp bác sĩ ngay để có hướng điều trị thích hợp.

Các bệnh liên quan đến động mạch ngoại biên

Động mạch ngoại biên cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến hiện tượng tê bì chân và tay. Việc tê ngón chân cái có thể là biểu hiện của hiện tượng động mạch bị co hẹp dẫn đến việc máu lưu thông kém đến các chi.

Ngoài tê bì ngón chân, một số dấu hiệu khác của bệnh này có thể kể đến như đau ngón chân, xuất hiện các vết lở loét, màu sắc chân thay đổi, rụng lông, chân yếu dần.

Một số bệnh mãn tính khác liên quan đến triệu chứng tê đầu ngón chân cái

Các biến chứng trên thần kinh của tiểu đường

Đa xơ cứng

Hội chứng Raynaud

Hội chứng Sjogren

Rối loạn sử dụng rượu (lạm dụng hoặc lệ thuộc rượu)

Các bệnh lý liên quan đến não và thần kinh

Phình động mạch não hay dị dạng động mạch não

U não

U dây thần kinh Morton

Chấn thương thần kinh ngoại biên

Chấn thương hoặc có khối u trong tủy sống

Thoát vị đĩa đệm

Đột quỵ hay cơn thiếu máu não thoáng qua (TIA)

Các bệnh lý truyền nhiễm có thể gây tê đầu ngón chân cái

Bệnh zona thần kinh hay nhiễm trùng virus herpes zoster

Bệnh phong

Bệnh giang mai

Bệnh lao

HIV/AIDS và một số bệnh nhiễm trùng khác

Một số nguyên nhân khác

Tổn thương dây thần kinh do nhiễm độc chì.

Thuốc hóa trị hay liệu pháp xạ trị để điều trị ung thư cũng có thể gây tê đầu ngón chân cái.

Sử dụng một số loại thuốc hoặc chất kích thích.

Rối loạn điện giải (rối loạn nồng độ các chất natri, kali, canxi trong máu).

Vết côn trùng đốt, động vật cắn hay dị ứng với thức ăn, hải sản,… cũng gây ngứa ran ở đầu ngón chân và tứ chi.

Ngâm chân có thể giảm thiểu tình trạng tê ngón chân cái. (Ảnh minh họa).

Khi bị tê đầu ngón chân cái, bạn nên làm gì?

Bạn không phải quá lo lắng khi ngón chân của mình có cảm giác tê bì trong 1 hoặc 2 ngày. Đây có thể chỉ là do chế độ luyện tập, tư thế nằm ngồi của bạn chưa hợp lý. Bạn có thể áp dụng những cách sau để làm giảm thiểu và loại bỏ tình trạng này.

Luyện tập thể dục đều đặn để tránh bị tê ngón chân cái

Khi bị tê ngón chân cái, bạn có thể thay đổi tư thế nằm, ngồi, đứng lên vận động cơ thể cho thoải mái và tạo điều kiện cho máu lưu thông tốt hơn.

Việc luyện tập những bài tập nhẹ nhàng hoặc vận động tại chỗ có thể sẽ giúp bạn loại bỏ hiện tượng tê bì ngón chân này mà không cần phải uống thuốc. Hãy chăm chỉ tập thể dục để có một sức khỏe tốt và ngăn ngừa nhiều bệnh lý.

Ngâm chân có thể giảm thiểu tình trạng tê đầu ngón chân cái

Chườm nóng cũng là một gợi ý khá tuyệt cho tình trạng tê bì ngón chân. Bạn có thể pha nước ấm cùng với muối, gừng đập nát để ngâm chân trước khi đi ngủ. Kết hợp với việc châm, ngâm nước nóng, bạn có thể massage nhẹ nhàng cho bàn chân và các ngón chân để giúp máu lưu thông tốt hơn. Việc này rất có ích đối với những người bị tê chân, tay nhất là trong mùa lạnh.

Giảm cân

Tình trạng béo phì khiến đôi chân của bạn phải chịu một trọng lượng lớn hơn bình thường. Việc đứng quá lâu có thể sẽ khiến đôi chân của bạn gặp phải những vấn đề như tê bì, tê ran đầu ngón chân, bàn chân,… Chính vì thế, bạn cần kiểm soát cân nặng để bảo vệ cơ thể khỏi các bệnh lý và loại bỏ tình trạng tê chân và ngón chân.

Nếu bị tê ngón chân cái kèm theo tê bì ở các vùng khác nữa kéo dài từ 1 tuần trở lên mà không hết, và tình trạng này ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt thường ngày thì tốt nhất bạn nên nhanh chóng đi khám bác sĩ. Bác sĩ sẽ tìm ra nguyên nhân và từ đó lên một kế hoạch điều trị thích hợp cho bạn, giúp làm giảm tình trạng tê ngứa và ngăn ngừa biến chứng.

H.D

Tin mới