Khi dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4, TP.HCM trở thành một điểm nóng với số ca lây nhiễm ngày càng tăng cao, MC Quỳnh Hoa - Phó giám đốc Nhà văn hóa Thanh Niên TP.HCM đã đứng ra kêu gọi các anh, chị, em nghệ sĩ chung tay giúp đỡ công tác phòng chống dịch và người dân gặp khó khăn.
Từ những con số khiêm tốn ban đầu, đến nay đội đã có trên 130 thành viên. Trong đó, có nghệ sĩ tham gia đều đặn mỗi ngày như MC Quỳnh Hoa, Đại Nghĩa, ca sĩ Phương Thanh, Quốc Đại, Nguyễn Phi Hùng, hoa hậu H'hen Niê... MC Quỳnh Hoa chia sẻ với VietNamNet đã có một hành trình ý nghĩa cùng đồng đội.
Đội tình nguyện viên nghệ sĩ có mặt tại bệnh viện dã chiến Củ Chi.
- Công việc điều phối hằng ngày của chị diễn ra thế nào?
Mỗi ngày, tôi sẽ nhận lịch từ Thành đoàn và các nơi gửi về rồi cho các bạn đăng ký. Cả đội được chia thành nhiều nhóm khác nhau. Một nhóm sẽ giúp người dân đi mua hàng ở siêu thị, một nhóm sẽ hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm. Nhóm khác sẽ hỗ trợ cắt tóc cho các y, bác sĩ và còn lại mọi người sẽ hát phục vụ tinh thần cho bệnh nhân cùng các nhân viên y tế.
Đó là 4 nhóm công việc mà hiện nay đội hình đang thực hiện. Ngoài ra, nhóm cũng hỗ trợ dọn dẹp ký túc xá của sinh viên để trưng dụng làm khu cách ly và bệnh viện dã chiến, tặng quà cho các chốt đang bị phong tỏa cùng nhiều các hoạt động thiện nguyện khác.
- Là chị cả của đoàn, chị có thấy áp lực?
Áp lực dĩ nhiên sẽ có khi mà bên cạnh mình có hơn 100 tình nguyện viên khác. Tôi phải sắp xếp công việc làm sao cho tương đối đầy đủ và phải đảm bảo an toàn cho mọi người. Đây cũng là một điều rất khó bởi để đảm bảo an toàn trong thời điểm này thật sự khá căng thẳng.
Không ai nói trước được điều gì, nhưng tôi thấy may mắn cho đến giờ vẫn mạnh khỏe và tham gia với tất cả mọi người. Ai cũng đã chuẩn bị tinh thần nếu lỡ chẳng may nhiễm bệnh sẽ đi cách ly. Trong xe, tôi và các bạn bạn cũng đã chuẩn bị sẵn đồ để ứng phó với mọi tình huống có thể xảy ra.
MC Quỳnh Hoa đi chợ giúp người dân đặt hàng online.
- Động lực nào giúp chị và cả đội gắn bó với công việc này?
Động lực lớn nhất của tôi và cả đội là muốn được chung tay cùng mọi người đẩy lùi dịch bệnh. Bên cạnh đó, hình ảnh của đội ngũ nhân viên y tế phải chiến đấu trong suốt 2 năm qua cũng là một động lực giúp cho cả đội cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Đây là hành trình rất ý nghĩa để nhận ra mình có ích, giúp đỡ được cho mọi người, nên tôi hay động viên mọi người hãy đi để thấy mình còn giá trị. Có thể đóng góp của mình chưa là gì cả, nhưng sẽ giúp được một phần nào cho người khác.
MC Quỳnh Hoa
Ngoài ra, chính bản thân tôi cũng phải tạo cảm hứng cho các bạn tình nguyện viên. Tập hợp mọi người mà lại ngồi ở nhà phân công, chắc chắn sẽ không ai theo. Tôi phải tham gia, phải chinh chiến cùng các bạn. Ngược lại, sự nhiệt tình, sự nghiêm túc và tấm lòng của các bạn đã giúp tôi cố gắng hơn để được đồng hành cùng các bạn.
- Câu chuyện nào đã để lại ấn tượng nhất cho chị?
Tình cảm, sự chăm sóc của tất cả mọi người dành cho đội ngũ tình nguyện viên, các y, bác sĩ là điều khiến tôi nhớ nhất.
Vì lịch trình của các bác sĩ cũng khá dày đặc, sáng phải đi tiêm vắc xin rồi tối về lấy mẫu nên không thể đến điểm kịp giờ. Cả đội phải ngồi chờ tận 5,6 tiếng đồng hồ để hỗ trợ lấy mẫu mà không ai dám bỏ về. Người dân thấy vậy thì mang cháo, chè, cho cả heo quay.
Có hôm thời tiết nóng, mọi người mặc những bộ đồ bảo độ kín mít, rất dễ đuối sức, các cô chú đi tìm nước lạnh cho uống. Các bạn trong đội bảo rằng chưa bao giờ được uống một chai nước suối mát mà ngon như thế.
Khi làm việc ở các bệnh viện dã chiến, nghe chuyện các anh dân quân phải leo 14 tầng lầu để vận chuyển 6.000 cái giường để tiếp nhận và điều trị bệnh nhân cũng thấy thương lắm.
Dù rất nhiều khó khăn, nhưng nữ MC vẫn giữ cho mình tinh thần lạc quan và cố gắng hết mình.
- Chị và đồng đội có bao giờ cảm thấy nản lòng không?
Có chuyện làm mình rất thương thì ngược lại, cũng sẽ có chuyện buồn. Có lẫn lần đi lấy mẫu, nhiều người chen lấn được nhắc nhở quay sang chửi để được vượt lên trên. Rồi có một ông cụ dắt đứa cháu đi lấy mẫu, đứa bé còn nhỏ nên thấy lấy mẫu thì khóc, ông nhào lên đòi đánh cả bác sĩ, chúng tôi phải can ngăn.
Hay những lúc đi siêu thị cho người dân, nhiều người cảm ơn nhưng cũng lần một bạn người mẫu không rành các loại rau nên mua nhầm một loại xà lách bị chị mua hàng nhắn tin chửi.
Gặp những chuyện như thế, chúng tôi chỉ buồn thoáng qua và học thêm về tính kiên nhẫn. Có những bạn bình thường khi đi diễn hay trễ giờ nhưng vào đội hình tình nguyện lại rất đúng giờ.
Đây là một hành trình rất ý nghĩa để nhận ra mình có ích, giúp đỡ được cho mọi người nên tôi cũng hay động viên mọi người hãy đi để thấy mình còn giá trị. Có thể, đóng góp của mình chưa là gì cả, nhưng sẽ giúp được một phần nào cho người khác.
- Sân khấu tại các bệnh viện dã chiến có phải là sân khấu đặc biệt nhất với chị?
Chắc chắn là như thế. Một sân khấu quá là đặc biệt và nhiều cảm xúc, không ánh đèn sân khấu rực rỡ, không âm thanh hoành tráng, không váy áo lụa là nhưng đủ đầy cảm xúc.
Nó giống như một cái sân vận động, bao quanh là các tòa nhà với hơn 10.000 bệnh nhân còn mình thì lọt thỏm ở giữa. Lúc đầu, cả đội cũng lo khi phải diễn ở một nơi có quá nhiều bệnh nhân như thế. Nhưng khi âm nhạc cất lên, bệnh nhân cũng như các y, bác sĩ hò reo, cổ vũ, chúng tôi chỉ biết hòa mình vào đêm diễn.
Giống như H'hen Niê ban đầu còn ngại ngùng khi phát biểu, đến khi nhận được sự cổ vũ nhiệt tình, lấy được sự tự tin rồi cuối cùng là vỡ òa cảm xúc. Tất cả những người có mặt ở đó rất đều xúc động. Không ai tưởng tượng có thể biểu diễn trước một số lượng khán giả đông đến vậy.
Trong thời điểm này, không ai muốn trở thành F0, đến và làm việc những nơi như bệnh viện dã chiến, ai cũng có thể trở thành F0 nhưng khi nghĩ về các bệnh nhân, có thể có cả người thân, tôi cảm thấy đồng cảm, mong muốn giúp họ giải tỏa được căng thẳng. Âm nhạc chính là liều thuốc hữu hiệu nhất những lúc thế này.
Sự kết hợp lần đầu tiên của MC Quỳnh Hoa, ca sĩ Quốc Đại và nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn.
- Ông xã và con gái phản ứng như thế nào khi biết chị tham gia tình nguyện lần này?
Giữa tháng 5, khi tôi vào giữa tâm dịch ở quận Gò Vấp, ông xã đang đi công tác. Anh về tôi mới nói chuyện mình đã vào tâm dịch. Anh nghe xong cũng đứng hình, không tưởng tượng được tôi dám làm chuyện này. Nhưng sau đó, anh cũng hiểu và đồng ý để tôi tiếp tục công việc này.
Con gái cũng trách tôi tại sao đi mà không nghĩ đến cho cha ở nhà. Con sợ tôi nhiễm bệnh và lây sang cho cả cha. Nhưng tôi trấn an rằng luôn đảm bảo các quy tắc an toàn để giảm thiểu nguy cơ nhiễm bệnh cho bản thân và cho gia đình.
Khi về nhà, tôi và các bạn luôn tuân thủ nguyên tắc tắm, gội và thay đồ ngay lập tức. Có những hôm, tôi đuối đến mức chỉ muốn ngả lưng, không còn sức để làm gì khác, nhưng cố gắng một chút để giữ an toàn cho bản thân và gia đình.