Những ngày này, tình hình dịch COVID-19 tại TP.HCM và các tỉnh thành phía Nam đang diễn biến phức tạp. Khắp các trang mạng xã hội, hashtag cổ vũ, khích lệ tinh thần người dân chiến thắng dịch bệnh được phủ khắp. Chưa bao giờ, hàng chục triệu trái tim người Việt lại đồng lòng hướng về TP.HCM như lúc này.
Xung phong vào rốn dịch
Trong một lần tác nghiệp tại con hẻm đang bị phong toả ở quận 7 (TP.HCM), PV VTC News có dịp gặp anh L.Q.T. (33 tuổi, ngụ quận 10, TP.HCM). Lúc đó, anh T. đang hối hả chuyển rau củ trên chiếc xe bán tải xuống cho người dân trong hẻm.
Để ý hồi lâu, 1 chuyến, 2 chuyến, rồi 5 chuyến, tất cả đều được thực hiện với thao tác chuyên nghiệp, song lại không có dấu hiệu của giao thương.
Khoảng sân của Nhà Thiếu nhi quận 10 được mượn làm điểm tập kết.
Sau khi được chúng tôi hỏi chuyện và biết được thắc mắc của người đối diện, anh T. cười lớn: “Chúng tôi có 15 anh em, thiện nguyện hết cô ơi. Dịch bệnh thế này, đỡ được ai thì ráng đỡ cho lòng nó vui”. Sự khảng khái từ cách trò chuyện của anh T. làm chúng tôi ấn tượng mãi.
Đầu tháng 7, khi tình hình dịch bệnh tại TP.HCM diễn biến phức tạp, thành phố bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, anh T. “thủ thỉ” với một vài anh em thân thiết cùng lên phương án hỗ trợ người dân.
Nhận thấy vấn đề lương thực, thực phẩm là cấp thiết, vì vậy bằng tất cả khả năng, nhóm của anh T. lập tức liên hệ các nông trại gần xa hỗ trợ. May mắn hơn khi các anh mượn được khoảng sân của Nhà Thiếu nhi quận 10 (139 Bắc Hải, phường 14, quận 10) làm điểm tập kết.
“Ban đầu thì cũng chỉ vài anh em, nhưng sau khi thấy việc làm ý nghĩa nên nhiều anh em khác chủ động xin tham gia. Hiện tại nhóm chúng tôi có 15 người, lấy tên là SOS 247. Chúng tôi công khai số điện thoại trên các trang mạng xã hội, ai thiếu thức ăn, cần hỗ trợ thì nhắn tin, chúng tôi sẽ mang tới.
Về nguồn thực phẩm, chúng tôi cố gắng liên hệ, xin hỗ trợ từ các nông trại, nhà vườn có rau củ. Bất kể gần hay xa, từ Lâm Đồng cho đến An Giang anh em đều không ngại chạy đến lấy. Có chỗ thì cho luôn, có chỗ lại để cho giá rẻ. Sau khi có rau củ, chúng tôi tập kết lại và chia nhỏ ra, ai cho xe gì dùng xe đó, ai không có xe thì đi mượn”, anh T. cho biết.
Xe lớn đi tỉnh lấy hàng, xe nhỏ ở lại thành phố giao hàng.
Từ khi công khai thông tin, điện thoại anh T. liên tục nhận được tin nhắn xin được hỗ trợ. Càng nhiều người cần trợ giúp, nhóm của anh T. lại càng làm việc hăng hái hơn.
Ngoài việc tự đi tìm nguồn lương thực, SOS 247 còn làm “chân rết” cho các chuyến xe từ thiện từ mọi miền tổ quốc đổ về TP.HCM. Theo đó, khi đến TP.HCM các xe container, xe tải lớn mang rau củ từ thiện không thể đi từng ngõ ngách phân phát đồ, lúc này SOS 247 có mặt trợ giúp.
“Nhiều lúc thấy anh em đi theo mình cực quá. Xe lớn thì cả ngày đi tỉnh lấy hàng, nghe tỉnh nào có rau củ là mừng lắm, móc mũi đi liền. Còn xe nhỏ (xe 7 chỗ, xe 4 chỗ, xe bán tải) thì ở lại thành phố, giao hàng cả ngày đêm. Khi xe hàng về phải thức dậy, bốc hàng bất kể 2 - 3h sáng. Như hôm nay 2 xe 13 tấn, cả nhóm thức thâu đêm để chuyển và phân loại.
Nhân đây, bà con nào thấy đội xe SOS 247 có chạy ngang thì cho anh em chai nước hay hộp cơm ăn đỡ đói nha. Mấy anh em đi cả ngày ngoài đường không ai bán cơm, không ai bán nước hoặc bán bất cứ gì để ăn hết. Lúc xin cơm từ thiện, lúc thì xin cơm chốt trực cách ly để ăn, lúc lại phải nhịn đói tới chiều tối giao hàng xong rồi đói xanh mặt luôn. Nhiều lúc nói không phải để bà con thương mà sự thật là không ai bán gì cho mấy anh ăn hết”, anh T. nói.
Bất kể gần hay xa, từ Lâm Đồng cho đến An Giang anh em nhóm SOS 247 đều không ngại chạy đến lấy.
Theo anh T., tất cả chi phí để nhóm thực hiện là tiền túi của tự mỗi người. Riêng tiền xăng dầu, tiền xét nghiệm COVID-19 3 ngày/lần, mỗi ngày nhóm tiêu tốn gần 5 triệu đồng. Dạo gần đây, một số người xin được góp sức, nhóm đã đồng ý và công khai mọi đóng góp, chi tiêu trên Facebook.
Những giọt nước mắt đằng sau vô lăng
Anh Đ.D. (32 tuổi; ngụ TP Thủ Đức, TP.HCM), một thành viên của SOS 247 cho biết, tuy tham gia chưa lâu nhưng thời gian góp mình trong công tác tình nguyện là một trải nghiệm đầy cảm xúc mà anh chưa từng có.
“4 ngày khóc 3 lần, khóc vì nhớ con, nhưng mà lòng vẫn vui lắm”, anh D. thật thà chia sẻ.
Đây không phải là trường hợp duy nhất trong nhóm SOS 247, hầu hết mọi người đều ở trong tình trạng tương tự.
Rau củ được chuyển lên xe nhỏ để đi phân phát cho các điểm phong toả, cách ly.
“Tham gia công việc này thì phải sẵn sàng tâm thế mình là F0 bất cứ lúc nào, phải xác định xa vợ con và tiêu tốn tiền của. Ai thấy vậy mà vẫn vui thì tham gia. Riêng mình thì ngoại trừ quá nhớ con, khóc tu tu mỗi khi gọi cho con thì tất cả đều ổn.
Đi sớm, về khuya, dậy tờ mờ sáng để vận chuyển rau củ… đến hôm nay thì cũng dần quen việc rồi. Nói không mệt là nói dối, nhưng mệt mà mệt vui, lòng vui lắm. Mỗi lần chở rau củ đến cho khu bị phong toả, thấy ánh mắt vui mừng và biết ơn của người dân mà tan biến hết mỏi mệt”, anh D. cho hay.
Ban đầu, khi thông báo với gia đình về việc tham gia SOS 247, cả vợ và người thân anh D. đều can ngăn vì nguy hiểm. Tuy nhiên, khi thấy có quá nhiều người đang cần sự giúp đỡ thì gia đình anh D. lại khích lệ, động viên anh giữ sức khoẻ để chia sẻ khó khăn với mọi người.
“Cứ lạc quan, vui tươi lên thì đời mới vui được. Có bữa mình đi chở rau, lúc ra về thì bác chủ vườn chạy tới dúi vội cho bó sả vào tay, nói về xông với nấu uống cho khoẻ, tăng sức đề kháng. Đấy, chỉ vậy thôi mà thấy vui cả ngày, vui vì những hành động tình cảm, dễ thương”, anh D. cười.
Người dân ở khu phong toả nhận rau củ từ nhóm SOS 247.
Tương tự, anh K., cũng là một thành viên của nhóm SOS 247 cho biết, tuy mỗi người làm một ngành nghề khác nhau nhưng kể từ khi cùng tham gia hỗ trợ người dân, tất cả đều trở nên “đồng lòng, đồng chí”.
“Tôi vẫn còn công việc nên chỉ hỗ trợ anh em khi rảnh, vẫn phải về nhà sau mỗi lần chạy giao rau củ cho người dân. Nhà có con nhỏ, nên mỗi lần về nhà đều phải la thật lớn để vợ bế con tránh đi, sau đó vào thẳng nhà vệ sinh tắm sửa, sát trùng mới dám ra chơi với con. Để đảm bảo an toàn, chúng tôi đều thường xuyên xét nghiệm để không ảnh hưởng tới ai”, anh K. kể.
Theo ah L.Q.T, mặc dù hiện nhóm đang rất cần thêm nhân lực, nhưng để thực hiện Chỉ thị 16 nên nhóm phải hạn chế tối đa người có thể. Có khá nhiều người đề nghị được tham gia nhưng vì lý do giãn cách, giấy tờ thông hành cho các xe không dễ xin, vì vậy nhóm buộc phải duy trì 15 thành viên với khối lượng công việc cấp số nhân mỗi ngày.