Trung tâm Phân tích Chứng khoán SSI - SSI Research mới có báo cáo thị trường tiền tệ tuần 15/3-19/3. Thị trường mở tiếp tục không phát sinh giao dịch, lãi suất trên liên ngân tăng 2-3 điểm cơ bản, chốt tuần ở 0,36%/năm với kỳ hạn qua đêm và 0,5%/năm với kỳ hạn 1 tuần.
Từ đầu tháng 3, nhiều ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi với khách hàng cá nhân 10-40 điểm cơ bản nhưng vẫn giữ nguyên lãi suất tiền gửi với khách hàng tổ chức. SSI Research cho rằng lãi suất tiền gửi và cho vay sẽ vẫn ổn định trong quý I, đầu quý II và có thể nhích tăng từ cuối quý sau khi các hoạt động kinh tế sôi động hơn giúp tăng cầu tín dụng.
Lãi suất tiết kiệm có thể tăng dần từ cuối quý II/2021. (Ảnh minh họa)
Tuy nhiên, SSI Research cho rằng lãi suất tiền gửi và cho vay có thể nhích tăng từ cuối quý II sau khi các hoạt động kinh tế sôi động hơn giúp tăng cầu tín dụng.
Công ty chứng khoán Bảo Việt cũng nhận định, lãi suất huy động có thể tăng trong bối cảnh dịch bệnh có dấu hiệu được kiểm soát, việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 chuẩn bị được triển khai và lạm phát có dấu hiệu tăng trở lại.
Công ty Chứng khoán Vietcombank – VCBS thì đưa ra dự đoán lãi suất huy động sẽ duy trì ở mặt bằng thấp. Theo VCBS, nếu có áp lực tăng với lãi suấi huy động thì nhiều khả năng chỉ mang tính chất cục bộ ngắn hạn và ở các kỳ hạn ngắn.
Từ đầu năm 2021, mặt bằng lãi suất tiết kiệm (kỳ hạn 3 tháng, 6 tháng, 12 tháng và 24 tháng) tại một số ngân hàng thương mại (NHTM) trên thị trường tiếp tục duy trì ở mức thấp và có điều chỉnh giảm nhẹ tại nhiều kỳ hạn so với cùng kỳ tháng 1/2021.
Ở nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước, Vietcombank điều chỉnh giảm nhẹ ở các kỳ hạn 3 tháng, 6 tháng, 12 tháng, 24 tháng, với mức giảm 0,1%/năm so với cùng kỳ tháng 1/2021. Qua đó, lãi suất neo lần lượt ở mức: 3,2%năm, 3,8%/năm, 5,5%/năm, 5,3%/năm.
Còn các ngân hàng khác như VietinBank, BIDV, tiếp tục duy trì mức lãi suất tiết kiệm ở mức thấp và giữ nguyên như cùng kỳ tháng trước.
Ở nhóm ngân hàng thương mại cổ phần, lãi suất gần như đi ngang ở các kỳ hạn ngắn và có sự điều chỉnh giảm mạnh ở các kỳ hạn 12 tháng trở lên. VPBank điều chỉnh giảm 0,8%/năm ở kỳ hạn 12 tháng và 0,7%/năm ở kỳ hạn 24 tháng. Theo đó, lãi suất tiết kiệm lần lượt ở mức 4,9%/năm và 5,0%/năm
Hay VIB cũng điều chỉnh giảm 0,3%/năm ở kỳ hạn 24 tháng xuống còn 6,1%/năm…
Tuy nhiên, đến tháng 3, nhiều ngân hàng tăng lãi suất huy động trong bối cảnh lạm phát tháng 2 tăng với tốc độ cao nhất 8 năm qua. Nhiều ý kiến cho rằng, do lạm phát tăng nên các ngân hàng phải điều chỉnh lãi suất. Nếu giữ lãi suất thấp sẽ khó thu hút được tiền gửi dân cư để đáp ứng nhu cầu vốn khi nền kinh tế phục hồi.
Dù các ngân hàng đang bước vào đợt tăng lãi suất, song so với trước đây, mặt bằng lãi suất huy động vẫn ở mức thấp. Mức lãi suất huy động mà các ngân hàng áp dụng toàn thị trường hiện cao nhất chỉ khoảng 6,9%/năm kỳ hạn 12 tháng ở một số ngân hàng quy mô nhỏ. Còn một số ngân hàng lại vừa giảm lãi suất huy động.