Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Lá mướp có tác dụng gì?

(VTC News) -

Mướp là thực phẩm quen thuộc trong bữa ăn của người Việt, ngoài quả mướp thì lá mướp cũng được dùng làm thuốc, vậy lá mướp có tác dụng gì?

Tổng quan về cây mướp

Thông tin trên website Bệnh viện Nguyễn Tri Phương cho biết, ngoài giá trị lấy quả làm thực phẩm hàng ngày, như dùng ngọn, hoa, quả nấu canh ăn để giải nhiệt mùa hè, giúp lợi tiểu, lợi đại tiện. Quả mướp nấu với móng giò lợn có tác dụng lợi sữa.

Ngoài ra, lá mướp và xơ mướp có tác dụng kéo dài thời gian đông máu ở trên động vật thí nghiệm (thỏ), tác dụng này ở lá, mạnh hơn ở xơ. Lá mướp có tác dụng hạ huyết áp (thỏ).

Lá và xơ mướp đều có tác dụng trừ đờm, chống ho rõ rệt trên động vật thí nghiệm (chuột nhắt); ngoài ra còn có tác dụng chống viêm. Theo Y học cổ truyền, mướp được nhân dân ta sử dụng làm thuốc từ lâu đời. Các bộ phận của cây mướp, như lá mướp (ty qua diệp), dây mướp (ty qua đằng), xơ mướp (ty qua lạc), đều là những vị thuốc có thể sử dụng để trị nhiều bệnh khác nhau.

Lá mướp có tác dụng gì là băn khoăn của nhiều người

Lá mướp có tác dụng gì?

Bài viết của BS Nguyễn Ngọc Lan trên Báo Sức khỏe & Đời sống chỉ ra, lá mướp tươi giã nát, đắp chữa mụn nhọt, sưng tấy, phát ban ở trẻ em. Dịch ép từ lá mướp có tác dụng điều kinh. Quả mướp đốt thành tro, pha nước uống chữa đau lưng, viêm vú. Quả mướp non nấu ăn là thuốc thanh nhiệt, giải độc, lợi sữa.

Sau đây là một số bài thuốc thường dùng để bạn đọc tham khảo:

Lá mướp: Để tươi hoặc phơi khô. Dược liệu có vị đắng, chua, tính hơi lạnh, có tác dụng thanh nhiệt, chống viêm, giảm ho, giải độc, tiêu thũng.

Chữa viêm họng: Lá mướp hương rửa sạch, giã nhỏ với ít muối, thêm nước, gạn uống làm 1 lần.

Chữa ho kéo dài: Lá mướp hương 20g nấu nước uống.

Chữa phù thũng: Lá mướp hương 15g, cây cứt lợn 10g. Tất cả thái nhỏ, phơi khô, sắc với 200ml nước còn 50ml, uống làm 1 lần trong ngày. Dùng 5 - 7 ngày.

Thuốc dùng ngoài: Lá mướp để tươi, giã nát, lọc lấy nước bôi chữa lở đầu, mẩn ngứa.

Lá mướp nướng, vò nát, xát lại chữa nước ăn chân.

Lá mướp phơi khô, đốt tồn tính, tán bột mịn, hoà với dầu vừng, bôi chữa nứt nẻ đầu vú, chảy máu chân răng.

Vân Anh (Tổng hợp)

Tin mới