Bài viết trên website Bệnh viện Vinmec chỉ ra, mướp đắng là loại quả non, mềm, ăn được thuộc chi Momordica của loài dây leo. Mặc dù vị đắng của nó có thể khiến một số người cảm thấy khó chịu, nhưng nó thực sự có thể cải thiện sức khỏe của chúng ta nhờ các hợp chất phytochemical ngăn ngừa bệnh tật và tăng cường sức khỏe. Về mặt thực vật, mướp đắng thuộc họ Bầu bí, trong chi Momordica và là thành viên cùng họ với bí, dưa hấu, dưa đỏ, dưa chuột.
Tên khoa học của mướp đắng là Momordica charantia. Một số giống liên quan là lê balsam, cundeamor, la-kwa,.... Mướp đắng là một trong những loại rau củ ăn được truyền thống ở nhiều nước châu Á. Nó được trồng rộng rãi như một loại cây trồng ngoài đồng cũng như rau sau vườn và trên thực tế, là một trong những loại rau có vị đắng nhất trong tất cả các loại rau ẩm thực.
Mướp đắng là loại cây ôn đới/nhiệt đới có lẽ có nguồn gốc từ Đông Nam Á. Giống như các thành viên khác của họ Bầu bí, nó cũng là một loại cây leo mọc nhanh, mọc theo lối hoặc leo với thân mỏng và tua cuốn đòi hỏi phải có giàn để hỗ trợ dây leo của chúng.
Vỏ mướp đắng vị đắng đặc trưng bởi các đường gờ mềm dọc theo chiều dài và bề mặt xù xì như những viên đá cuội. Tùy thuộc vào loại cây trồng, vỏ chưa trưởng thành của nó có thể có màu xanh lục nhạt đến xanh đậm và có hình thuôn hoặc hình bầu dục với đầu nhọn ở cuối hoa. Bên trong, thịt quả có màu trắng với các hạt nhám, bề ngoài hơi giống với hạt bầu có rãnh. Khi quả bắt đầu trưởng thành, chúng dần trở nên cứng, chuyển sang màu vàng hoặc nâu.
Mướp đắng chứa nhiều chất dinh dưỡng quan trọng với cơ thể, đặc biệt là các loại vitamin và khoáng chất.
Bài viết trên website Bệnh viện Đa khoa Medlatec có sự tham vấn y khóa của BSCKI. Dương Ngọc Vân cho biết, trong thành phần của loại thực phẩm này có chứa nhiều chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe như các loại vitamin (C, B1, B12,...), canxi, kali, sắt, kẽm, chất xơ, protein, chất béo, beta-caroten,...
Ăn mướp đắng có tốt không là băn khoăn của nhiều người.
Có thể kể đến các tác dụng cho sức khỏe của người sử dụng đến từ loại thực phẩm này như sau:
Đây là loại thực phẩm làm giảm lượng đường trong máu qua việc làm tăng quá trình chuyển hóa glucose. Loại thực phẩm này có tác dụng hỗ trợ điều trị cho người bệnh mắc tiểu đường type 2.
Tuy nhiên, nếu đang sử dụng bất cứ loại thuốc nào ảnh hưởng tới lượng đường trong máu, bạn nên thận trọng về việc muốn sử dụng khổ qua. Điều này là để tránh trường hợp làm giảm lượng đường trong máu quá mức.
Sử dụng khổ qua cũng có tác dụng trong việc giúp làm giảm cholesterol trong máu. Từ đó, hỗ trợ tăng cường sức khỏe tim mạch, hạn chế một cách đáng kể nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch, nhồi máu cơ tim, đột quỵ.
Tiêu thụ khổ qua sẽ giúp bạn tăng cường hệ miễn dịch để phòng ngừa bệnh tật và nhiễm khuẩn. Từ đó, giúp phòng ngừa cảm lạnh, hạn chế khả năng bị dị ứng thực phẩm. Cùng với đó, giảm thiểu nguy cơ mắc chứng khó tiêu hay chứng trào ngược dạ dày thực quản.
Đi kèm với đó, khổ qua cũng là một loại thực phẩm bạn có thể lựa chọn thêm vào thực đơn ăn kiêng của mình. Bởi nó chứa hàm lượng calo thấp, tạo cảm giác no lâu hơn, hỗ trợ cho quá trình giảm cân của bạn đạt được hiệu quả như mong muốn để kiểm soát và duy trì ở mức cân nặng hợp lý.
Việc thường xuyên sử dụng khổ qua giúp làm sáng da, dưỡng ẩm cho da, hỗ trợ trong cải thiện tình trạng mụn trứng cá, bệnh chàm hay bệnh vẩy nến. Điều này sẽ tạo điều kiện để bạn có thể sở hữu một làn da đẹp, mịn màng và hấp dẫn hơn.
Trong thành phần của khổ qua có chứa chất xơ giúp kích thích nhuận tràng. Do vậy, việc tiêu thụ loại thực phẩm này có thể giúp cơ thể dễ dàng đi đại tiện hơn, giảm thiểu tình trạng táo bón.
Bên cạnh những tác dụng đã được kể đến, khổ qua còn là một loại thực phẩm có tác dụng tốt cho người bị viêm gan, xơ gan; giúp tăng cường chức năng của hệ tiêu hóa; làm giảm các triệu chứng của hội chứng ruột kích thích; góp phần cải thiện thị lực; giúp thanh nhiệt, giải độc.
Đi kèm với đó, để đảm bảo cho hiệu quả nhận được và tránh phải đối diện với các tác dụng phụ không mong muốn, bạn có thể ghi nhớ một vài lưu ý như sau:
Tiêu thụ với một lượng vừa phải, không nên lạm dụng.
Không kết hợp sử dụng khổ qua với tôm hoặc ăn cùng lúc với sườn heo chiên hay măng cụt.
Tránh uống trà xanh sau khi ăn khổ qua vì có thể gây ảnh hưởng đến dạ dày. Thay vào đó, nên đợi một vài tiếng sau khi ăn xong rồi mới uống.
Không nên ăn khổ qua khi bụng đói.
Thông qua bài viết trên đây, bạn đọc đã có câu trả lời cho vấn đề "Ăn mướp đắng có tốt không?". Mướp đắng tốt cho sức khỏe tuy nhiên bạn cần lưu ý ăn mướp đắng với lượng vừa phải, không nên lạm dụng vì có thể gây hại cho sức khỏe.