Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Kinh nghiệm đi chùa Hương đầy đủ và chi tiết

(VTC News) -

Chùa Hương được mệnh danh là vùng đất thiêng với cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, đến đây bạn sẽ được trải nghiệm các hoạt động vui chơi, giải trí và lễ hội đặc sắc.

Chùa Hương nổi tiếng là một trong những danh lam thắng cảnh quốc gia hấp dẫn được nhiều du khách trong, và ngoài nước tại khu vực miền Bắc. Không chỉ có thiên nhiên trong lành, cảnh quan hấp dẫn mà Chùa Hương còn là điểm du lịch tâm linh hàng đầu tại Việt Nam. 

Nếu bạn đang lên kế hoạch cho một chuyến tham quan Chùa Hương, hãy tham khảo ngay bài viết siêu chi tiết dưới đây để có một chuyến đi thú vị nhất nhé!

Chùa Hương nổi tiếng là một trong những danh lam thắng cảnh quốc gia hấp dẫn được nhiều du khách trong, và ngoài nước tại khu vực miền Bắc. 

1. Giới thiệu về Chùa Hương

Chùa Hương hay còn được biết đến với cái tên Hương Sơn, thuộc huyện Mỹ Đức (Hà Nội). Nơi đây nổi tiếng là quần thể văn hóa, tôn giáo hàng đầu tại Việt Nam với nhiều đền chùa, đình đám thờ cúng tín ngưỡng. Chùa Hương Hà Nội bao gồm các quần thể đền, chùa như: Động Hương Tích, Chùa Thiên Trù, Đền Trình, Chùa Giải Oan,…

2. Nên đi du lịch chùa Hương khi nào?

Thời tiết ở chùa Hương quanh năm mát mẻ và ôn hòa nên bạn có thể đến đây vào bất kỳ thời điểm nào. Tuy nhiên, bạn có thể tham khảo một số thời điểm lý tưởng nhất để đi du lịch chùa Hương sau đây:

Mùa xuân: tháng 1 – 3 âm lịch

Mùa xuân là mùa của lễ hội nên khách du lịch đổ về chùa Hương lễ Phật rất đông. Nếu bạn có ý định tham gia lễ hội chùa Hương thì hãy đến đây vào mùng 6 tháng Giêng. Với hành trình du lịch chùa Hương 1 ngày vào mùa xuân, bạn sẽ được tham gia vào nhiều hoạt động truyền thống hấp dẫn như: bơi thuyền, hát chèo, hát văn… Bên cạnh đó, tháng 3 còn có mùa hoa gạo đỏ rực ở bên bờ suối Yến – chùa Hương vô cùng lãng mạn để bạn chụp hình. 

Mùa hoa: tháng 9 – 12

Nếu đi tham quan khu du lịch chùa Hương vào mùa này, bạn không những được cảm nhận tiết trời se se lạnh rất riêng của miền Bắc. Mà bạn còn có thể chiêm ngưỡng những đầm sen nở bung rực rỡ giữa vùng đất linh thiêng này.

Bậc lên xuống của chùa Thiên Trù đông kín người vào dâng hương. 

3. Phương tiện đi đến chùa Hương

Từ trung tâm TP Hà Nội, chỉ cần di chuyển khoảng 55km về phía ngoại thành là bạn sẽ đến được Chùa Hương. Hiện nay, hệ thống giao thông từ Hà Nội đến chùa Hương rất thuận tiện và có các phương tiện di chuyển đa dạng như sau:

Xe taxi

Nếu bạn đi du lịch chùa Hương cùng gia đình, đặc biệt là có người lớn và trẻ em, việc sử dụng dịch vụ taxi là một lựa chọn thuận tiện. Bạn xe được đón tận nơi và đưa đến đích một cách tiện lợi. Trên xe taxi, tiện ích như điều hòa mát lạnh và chỗ ngồi êm ái sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho chuyến đi của bạn, đặc biệt là nếu bạn không quen đường đi.

Xe ô tô

Phương tiện tiếp theo mà bạn có thể sử dụng là xe ô tô. Lộ trình di chuyển từ trung tâm thành phố Hà Nội đến chùa Hương lần lượt là cao tốc Pháp Vân – Cầu Rẽ – nút giao Đồng Văn – quốc lộ 38 – chợ Dầu – chùa Hương.

Thời gian di chuyển bằng xe ô tô cá nhân từ Hà Nội đến chùa Hương là khoảng 1 giờ, tùy thuộc vào tình hình giao thông. Trước khi xuất phát, hãy đảm bảo đổ đầy nhiên liệu và kiểm tra hệ thống máy móc để đảm bảo an toàn. Hãy tuân thủ đúng luật an toàn giao thông để đảm bảo một hành trình trơn tru và an toàn nhé! 

Xe bus

Nếu bạn có nhiều thời gian và muốn tiết kiệm chi phí trong chuyến du lịch chùa Hương, lựa chọn đi bằng xe bus là một phương án tốt. Có ba tuyến xe bus từ TP Hà Nội đến chùa Hương mà bạn có thể tham khảo:

Tuyến bus 211: Xuất phát từ bến xe Yên Nghĩa đến Tế Tiêu

Tuyến bus 78: Xuất phát từ bến xe Mỹ Đình đến Tế Tiêu

Tuyến bus 75: Xuất phát từ bến xe Yên Nghĩa đến Tế Tiêu

Lưu ý: Khi sử dụng xe bus, bạn sẽ mất thời gian chờ đợi, điều này có thể ảnh hưởng đến lịch trình chuyến tham quan chùa Hương trong một ngày. Hơn nữa, do xe bus là phương tiện công cộng, việc chen chúc và rủi ro mất cắp có thể xảy ra, vì vậy hãy cẩn trọng khi di chuyển.

Xe máy

Phương tiện di chuyển cuối cùng mà bạn có thể xem xét là xe máy. Sử dụng xe máy, bạn có thể tự do quản lý thời gian và lịch trình di chuyển của mình. Ngoài ra, bạn cũng sẽ có cơ hội tận hưởng gió mát từ thiên nhiên và thưởng thức cảnh đẹp hai bên đường. Bạn có thể đi đến chùa Hương theo cung đường sau: Nguyễn Trãi – Thanh Xuân – Hà Đông – ngã ba Ba La – Vân Đình. 

Không chỉ có thiên nhiên trong lành, cảnh quan hấp dẫn mà chùa Hương còn là điểm du lịch tâm linh hàng đầu tại Việt Nam. 

4. Chi phí đi Chùa Hương là bao nhiêu?

- Vé tham quan thắng cảnh trong khu vực Chùa Hương (21 điểm tham quan): 80.000 đồng/người

- Vé đò tham quan:

Chuyến đò từ Đền Trình - Chùa Thiên Trù - động Hương Tích: 50.000 đồng/người/2 chiều.

Chuyến đò từ Tuyết Sơn - Long Vân: 35.000 đồng/người/2 chiều.

- Vé cáp treo:

Người lớn: 120.000 đồng/vé 1 chiều; 180.000 đồng/vé khứ hồi.

Trẻ em: 90.000 đồng/vé 1 chiều; 120.000 đồng/vé khứ hồi.

5. Gợi ý lịch trình khám phá khu du lịch chùa Hương 1 ngày

Bến Đục – đền Trình – chùa Thiên Trù – động Hương Tích – chùa Giải Oan

Với lịch trình này, bạn sẽ tham quan được hết những ngôi chùa chính nổi tiếng nhất ở khu du lịch chùa Hương (Hương Sơn). 

Bến Đục (suối Yến): là địa điểm điểm đầu tiên mà bạn dừng chân khi đến với khu di tích chùa Hương. 

Đền Trình: là ngôi đền mà bạn sẽ đến tham quan sau khi xuống đò. Khi đến chùa Hương lễ Phật, bạn sẽ phải làm lễ tại đền Trình. Nghi thức làm lễ tại đền Trình được xem là cách để bạn trình diện các vị thần linh ở chùa Hương.

Chùa Thiên Trù: được mệnh danh là ngôi chùa đẹp và rộng nhất ở khu di tích Hương Sơn. Sau khi dừng chân tại bến đò, bạn sẽ được trải nghiệm cung đường 40 phút đi bộ để đến với chùa Thiên Trù.

Hầu hết người dân hành hương về Khu di tích thắng cảnh Hương Sơn đều đến với động Hương Tích để dâng lễ.

Động Hương Tích: hay còn được biết đến với “danh hiệu” Nam Thiên Đệ Nhất Động. Để đến được động Hương Tích, bạn sẽ có hai sự lựa chọn đó là: đi bộ/ trekking hoặc di chuyển bằng cáp treo. Tùy theo tình trạng sức khỏe cũng như mong muốn mà bạn có thể chọn hình thức di chuyển cho phù hợp. Khi đứng ở độ cao 390m tại động Hương Tích, bạn sẽ có thể chiêm ngưỡng cảnh quan núi non hùng vĩ bên dưới.

Chùa Giải Oan: tọa lạc trên ngọn núi Long Tuyền và nằm cách động Hương Tích khoảng 2.5km. Với hành trình tham quan chùa Giải Oan, bạn sẽ được chiêm bái bức tượng Bồ Tát Quan Thế Âm nổi tiếng linh thiêng. Ngoài ra, tại khuôn viên chùa Giải Oan còn có một giếng cổ gắn liền với nhiều câu chuyện truyền thuyết kỳ bí.

Ngoài những địa điểm kể trên, nếu còn thời gian, bạn có thể viếng thăm các di tích như: chùa Hinh Bồng, động Đại Binh, chùa Tiên Sơn, đền Trấn Song…

Để đến được động Hương Tích, bạn sẽ có hai sự lựa chọn đó là đi bộ/trekking hoặc di chuyển bằng cáp treo. (Ảnh: Ngô Nhung)

Bến Đục – đền Trình – chùa Long Vân – động Long Vân – hang Sũng Sàm

Với lộ trình này, bạn sẽ đi đến các địa điểm Bến Đục và đền Trình dựa theo cung đường trên. Sau đó, bạn ngồi lên đò và di chuyển theo hướng tay trái để đến chùa Long Vân. Cảnh quan ở chùa Long Vân chắc chắn sẽ hấp dẫn ánh nhìn của bạn với hình ảnh dòng suối uốn lượn quanh những cánh đồng bát ngát.

Qua eo núi chùa Long Vân, bạn sẽ còn bắt gặp động Long Vân sâu hun hút với một bàn thờ Phật lấp lánh dưới ánh nắng vàng.

Điểm đến cuối cùng trong lịch trình tour du lịch chùa Hương đó là hang Sũng Sàm. Đến với hang Sũng Sàm. Bạn sẽ được tận mắt nhìn thấy những khối đá với nhiều hình thù vô cùng độc đáo.

6. Ăn gì ngon khi đi chùa Hương?

Dọc hai bên đường đi lên chùa Hương có rất nhiều hàng quán bán các món đặc sản hấp dẫn. Bạn có thể ghé vào một trong những quán đó nghỉ ngơi và thưởng thức món rau sắng, mơ rừng, chè củ mài, bánh củ mài, chè lam, hạt dẻ, củ mã thầy…

Bạn nên hỏi giá trước để không bị "chặt chém". Còn nếu muốn tiết kiệm chi phí, bạn có thể tự chuẩn bị đồ ăn mang theo để dùng khi đói. 

7. Những lưu ý khi đi chùa Hương

- Hãy chuẩn bị đầy đủ giấy tờ cần thiết như: CCCD, giấy phép lái xe…

- Mặc trang phục kín đáo và lịch sự khi đi chùa Hương.

- Hãy giữ vệ sinh khi tham quan chùa Hương, không ngắt cây, bẻ cảnh….

- Nếu đi chùa Hương vào mùa mưa, nên mang theo ô và áo mưa.

- Bảo quản tốt tư trang cá nhân để tránh bị móc túi. Đặc biệt là vào dịp lễ hội chùa Hương.

- Đi giày thể thao vừa chân để thuận tiện cho việc di chuyển đến các địa điểm tại khu du lịch chùa Hương.

Tùy theo mục đích đi du lịch chùa Hương của bạn để mua đồ lễ cho phù hợp. (Ảnh: Minh Đức)

- Khi mua đặc sản về làm quà, nên thương lượng giá với người bán và đừng quên kiểm tra hạn sử dụng của các món đặc sản ở chùa Hương.

- Tùy theo mục đích đi du lịch chùa Hương của bạn để mua đồ lễ cho phù hợp và nên chuẩn bị đồ lễ ở nhà để tránh bị ép giá khi mua tại cửa chùa.

THẢO NGUYÊN (Tổng hợp)

Tin mới