Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Kinh doanh lành mạnh, tiêu dùng an toàn trong thời kỳ bình thường mới

(VTC News) -

Theo chuyên gia, ý thức của doanh nghiệp và người tiêu dùng thông thái là điều quan trọng để hướng đến thị trường kinh doanh lành mạnh, tiêu dùng an toàn.

Chia sẻ tại tọa đàm "Kinh doanh lành mạnh, tiêu dùng an toàn trong thời kỳ bình thường mới" do Tạp chí Công Thương tổ chức ngày 18/3, bà Nguyễn Quỳnh Anh - Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ Người tiêu dùng (Bộ Công Thương) - cho biết, những năm qua công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được Đảng và nhà nước hết sức quan tâm.

Bà Quỳnh Anh dẫn chứng các văn bản được ban hành như Chỉ thị 30/2019 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Nghị quyết số 82 của Chính phủ ban hành chương trình hành động để thực hiện Chỉ thị 30; Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010...

Các vị khách mời tham gia toạ đàm.

Bên cạnh đó, mỗi bộ, ban, ngành và các địa phương đều ban hành những chương trình hành động của mình trong công tác bảo vệ người tiêu dùng.

Theo bà Quỳnh Anh, chúng ta có bộ công cụ hết sức đa dạng để thực thi công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Xương sống của tất cả các hoạt động đấy là Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (hiện nay đang trong quá trình sửa đổi). Công cụ thứ hai là tổng đài tư vấn miễn phí 1800.838 do Bộ Công Thương quản lý.

Hiện nay Bộ Công Thương đang một cùng một lúc vừa triển khai tổng đài ở tại trung ương để tiếp nhận các cuộc gọi nhưng đồng thời cũng hỗ trợ các địa phương để họ có thể được hiểu được cách vận hành và vận dụng những quy định trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Chỉ riêng năm 2021, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ Người tiêu dùng đã nhận được 13.000 cuộc gọi và gần như tất cả những cuộc gọi đều được tư vấn một cách nhiệt tình, cụ thể và có giải pháp cho người tiêu dùng.

Thứ ba, người tiêu dùng cần được hưởng quyền tiếp nhận thông tin và quyền tiếp nhận thông tin thông qua bộ tài liệu các thông tin cần thiết. Người tiêu dùng có thể sử dụng bộ tài liệu này tại website của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng hay website của các Sở Công Thương hoặc hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng các địa phương.

Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho biết, mới đây, Cục đã có bộ tài liệu hướng dẫn tiêu dùng an toàn, trong đó nhấn mạnh thông điệp “An toàn trong lựa chọn an toàn trong thanh toán và an toàn trong sử dụng”.

Đại dịch COVID-19 đã gây ảnh hưởng rất lớn đến tình hình kinh tế xã hội mà đặc biệt là đối với thói quen tiêu dùng. Rõ ràng trong bối cảnh mà mọi người người tiêu dùng gần như ở nhà nhiều hơn thì những thói quen tiêu dùng trước đây như giao dịch trực tiếp thì bây giờ đã chuyển thành những giao dịch qua mạng. “Do đó công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của chúng tôi cũng phải có những hình thức thích ứng với xu hướng này", bà Nguyễn Quỳnh Anh nhấn mạnh.

Thông tin thêm về vấn đề tiêu dùng trong bối cảnh dịch COVID-19, ông Nguyễn Quang Huy - Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp - Kế hoạch - Tài chính, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) - cho biết, quá trình kiểm tra kiểm soát trên thị trường vừa qua cho thấy xu hướng kinh doanh trên môi trường thương mại điện tử đã phát triển và mang lại những lợi ích thiết thực.

Tuy nhiên, bên cạnh đó những vi phạm vẫn xảy ra đối với lại việc kinh doanh hàng lậu, hàng kém chất lượng và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng, thậm chí làm ảnh hưởng đến các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh chân chính rất là lớn, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh.

Về việc này, ông Huy thông tin, thực hiện sự chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ, lực lượng quản lý thị trường đã có những kế hoạch cụ thể và phương án rõ ràng để tập trung kiểm tra xử lý vi phạm. Theo đó, riêng trong năm 2021, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra trên 25.000 vụ, xử lý trên 23.000 vụ việc liên quan đến lĩnh vực này và đã xử phạt vi phạm hành chính trên 18 tỷ đồng.

Bàn về vai trò của doanh nghiệp trong vấn đề bảo vệ người tiêu dùng, TS Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thương hiệu và cạnh tranh - cho rằng, sức ép của doanh nghiệp hiện nay là rất lớn. Đó là sức ép từ chính thị trường, người tiêu dùng. Nếu người tiêu dùng phản đối thì coi như doanh nghiệp “chết”, người tiêu dùng không tiêu xài sản phẩm, không công nhận thương hiệu của doanh nghiệp thì doanh nghiệp “chết”.

Vận hành theo thị trường gắn với cam kết (trong rất nhiều các hiệp định thương mại, đặc biệt là các hiệp định FTA chất lượng cao như CPTPP, EVFTA), doanh nghiệp phải đáp ứng những tiêu chuẩn về môi trường, lao động… thì mới bán được hàng và xuất khẩu được.

"Chúng ta đang cố gắng hoàn thiện pháp luật nhưng bản thân cuộc sống vẫn phát triển không ngừng thay đổi, công nghệ cũng thay đổi rất nhiều, Luật đều có các định hướng nhưng không bao giờ có thể bắt nhịp tốt và đầy đủ nhất với thực tiễn cuộc sống, vì vậy, bên cạnh sự phát triển doanh nghiệp thì ý thức của chính doanh nghiệp và người tiêu dùng thông thái mới là điều quan trọng nhất", ông Thành nhấn mạnh.

Anh Nhật

Tin mới