Ngày 11 tháng 3 năm 2022, Bộ Công Thương và Ủy ban nhân dân (UBND) Thành phố Hà Nội phối hợp với UBND các tỉnh Thái Bình, Nghệ An và Bình Dương tổ chức Lễ phát động Ngày Quyền của Người tiêu dùng Việt Nam – 15 tháng 3 năm 2022, với chủ đề “Tiêu dùng an toàn trong thời kỳ bình thường mới".
Lễ phát động được ghi hình trực tiếp tại Quảng trường KĐT Royal City, Hà Nội và phát trực tuyến trên các nền tảng như: Báo điện tử VTC News, Youtube VTC News, Fanpage Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, Fanpage VTC News, cũng như trên nhiều kênh truyền thông khác.
Chương trình nhận được sự đồng hành và hỗ trợ của các doanh nghiệp như Masan (Nhà tài trợ vàng); Tập đoàn TH, Shopee, Mastertran (Nhà tài trợ bạc) và Aeon Việt Nam, Vinaphone, Lazada, Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Nhà tài trợ đồng).
Phát biểu tại sự kiện, ông Nguyễn Sinh Nhật Tân, Thứ trưởng Bộ Công Thương đã chào mừng sự có mặt của các quý vị đại biểu đại diện các Bộ Công Thương (Cục Cạnh tranh & Bảo vệ người tiêu dùng, Cục Xúc tiến thương mại, Vụ Thị trường trong nước, Tổng cục Quản lý thị trường......) các Cục, Vụ, ban, ngành, cơ quan ở Trung ương; Lãnh đạo Sở Công Thương thành phố Hà Nội và Sở Công Thương, các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã tại Thành phố Hà Nội và các tỉnh: Thái Bình, Nghệ An, Bình Dương); đại diện Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, các tổ chức xã hội, hiệp hội trong và ngoài nước; cộng đồng người tiêu dùng, doanh nghiệp và sự có mặt của các phóng viên một số cơ quan báo chí, đài truyền thanh, truyền hình đến dự và đưa tin cho buổi lễ.
Ông Nguyễn Sinh Nhật Tân - Thứ trưởng Bộ Công thương phát biểu tại sự kiện.
Ông Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, ngày 10 tháng 7 năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1035/QĐ-TTg về việc lấy ngày 15 tháng 3 là Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương và UBND Thành phố Hà Nội đồng chủ trì và phối hợp với UBND các tỉnh Thái Bình, Nghệ An và Bình Dương tổ chức Lễ phát động Ngày Quyền của Người tiêu dùng Việt Nam năm 2022.
Do những tác động nghiêm trọng, phức tạp và kéo dài của đại dịch Covid-19, năm 2021 tiếp tục là một năm có nhiều khó khăn, thách thức đối với kinh tế xã hội của đất nước nói chung, cũng như đối với các các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng nói riêng.
Song, với sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất, xuyên suốt, quyết liệt của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước; sự vào cuộc kịp thời, hiệu quả của cả hệ thống chính trị; sự đoàn kết, nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và người tiêu dùng và sự hỗ trợ hiệu quả của cộng đồng quốc tế, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của Việt Nam trong năm 2021 đã từng bước vượt qua khó khăn, thách thức, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người tiêu dùng, đồng thời, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo động lực phát triển cho các doanh nghiệp kinh doanh chân chính. Một số kết quả quan trọng, tích cực, nổi bật trong năm 2021 là:
Thứ nhất, bộ máy quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng từ Trung ương tới địa phương không ngừng được hoàn thiện, đồng thời, có sự hỗ trợ nhằm phát triển mạnh mẽ mạng lưới các Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên cả nước.
Thứ hai, hệ thống Tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng 1800.6838 tại Bộ Công Thương đã được kết nối với trên 50% số tỉnh, thành phố để tiếp nhận, tư vấn, hỗ trợ giải quyết cho hàng nghìn phản ánh, khiếu nại, yêu cầu của người tiêu dùng trên cả nước.
Thứ ba, hàng trăm ngàn người tiêu dùng có liên quan đã được bảo đảm quyền lợi thông qua việc kiểm soát chặt chẽ các hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung, giám sát các vụ việc thu hồi sản phẩm có khuyết tật và các giao dịch trên môi trường thương mại điện tử.
Thứ tư, hàng triệu người tiêu dùng đã được tiếp nhận các thông tin, kiến thức, kỹ năng về tiêu dùng trong thời kỳ bình thường mới thông qua các phương thức tuyên truyền hiện đại và phù hợp.
Đặc biệt, sau hơn 10 năm thực thi, Bộ Công Thương được Chính phủ giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các bộ ngành và UBND các tỉnh, thành phố thực hiện dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Dự án Luật dự kiến sẽ được đưa ra trình Quốc hội xem xét thảo luận tại Phiên họp tháng 10 năm 2022.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn không ít tồn tại, hạn chế và vấn đề đặt ra cần được xem xét, giải quyết với tinh thần thẳng thắn, cầu thị, đổi mới, sáng tạo để công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có được sự chuyển biến thực chất, mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.
Trong đó, đáng lưu ý là các vấn đề liên quan đến tăng cường nguồn lực, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động cho cơ quan, tổ chức, cơ chế thực thi, phát huy sự chủ động của người tiêu dùng, khuyến khích, thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp cũng như hội nhập quốc tế.
Phát huy những thành quả đã đạt được trong năm 2021 và trước bối cảnh kinh tế - xã hội hiện tại của đất nước, khu vực và thế giới, Bộ Công Thương đã lựa chọn chủ đề cho các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2022 là "Tiêu dùng an toàn trong thời kỳ bình thường mới".
Chủ đề này là sự khẳng định ý nghĩa, tầm quan trọng của việc đảm bảo quyền an toàn cho người tiêu dùng trong các giao dịch trên thị trường.
Đồng thời, đây còn là sự kêu gọi các cấp, các ngành, các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức xã hội, cộng đồng doanh nghiệp trong việc chung tay thực hiện trách nhiệm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, góp phần xây dựng một xã hội văn minh, một chính phủ kiến tạo, một môi trường kinh doanh – tiêu dùng an toàn, lành mạnh và bền vững trong thời kỳ bình thường mới.
Ông Phạm Văn Hóa - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Nghệ An phát biểu tại sự kiện.
Ông Nguyễn Văn Bán - Chủ tịch Hội bảo vệ Người tiêu dùng tỉnh Bình Dương trả lời phỏng vấn.
Lễ ký cam kết
Cộng đồng doanh nghiệp là chủ thể quan trọng trong việc đảm bảo hiệu quả của công tác bảo vệ người tiêu dùng. Để thể hiện mong muốn cũng như khẳng định cam kết của mình trong việc thực thi các chính sách, hoạt động vì người tiêu dùng. Sự kiện cũng đã thực hiện Lễ ký cam kết “Tiêu dùng an toàn trong thời kỳ bình thường mới” giữa đại diện một số doanh nghiệp với Bộ Công Thương.
Trong khuôn khổ Lễ ký cam kết, về phía các Doanh nghiệp cam kết:
* Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của người đứng đầu Công ty đối với việc nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty.
* Tập trung xây dựng và triển khai các giải pháp cụ thể nhằm thực thi các quy định pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, hướng tới sản xuất, nhập khẩu, phân phối, kinh doanh các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ an toàn, đảm bảo chất lượng, phù hợp với tình hình thực tế của Công ty và thời kỳ bình thường mới.
* Tăng cường hiệu quả giải quyết các phản ánh, kiến nghị, khiếu nại của người tiêu dùng cũng như thực hiện có hiệu quả hoạt động tri ân, chăm sóc người tiêu dùng trong bối cảnh tình hình mới.
* Chủ động phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thời kỳ bình thường mới và các hoạt động hợp tác khác có liên quan, phù hợp với tình hình thực tế của Công ty.
Về phía Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương cam kết:
* Góp phần đảm bảo duy trì môi trường kinh doanh lành mạnh, trách nhiệm, an toàn trong thời kỳ bình thường mới.
* Hướng dẫn, hỗ trợ Công ty nâng cao trách nhiệm và hiệu quả thực thi pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đặc biệt trong thời kỳ bình thường mới, giúp nâng cao lợi thế cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ và năng lực cạnh tranh của Công ty.
* Đồng hành, hướng dẫn và tạo điều kiện để Công ty tham gia có hiệu quả các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thời kỳ bình thường mới do Công ty đề xuất hoặc Cục CT&BVNTD, Bộ Công Thương chủ động tổ chức, phát động.
Nghi thức trang trọng và ý nghĩa của sự kiện: Phát động Ngày Quyền của Người tiêu dùng Việt Nam
Để phát động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2022, với sự chứng kiến của các địa phương, các doanh nghiệp và quý vị đại biểu, khán giả.
Buổi lễ phát động Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam 2022 đã kết thúc thành công tốt đẹp.