Ngày 11 tháng 3 năm 2022, Bộ Công Thương và Ủy ban nhân dân (UBND) Thành phố Hà Nội phối hợp với UBND các tỉnh Thái Bình, Nghệ An và Bình Dương tổ chức Lễ phát động Ngày Quyền của Người tiêu dùng Việt Nam – 15 tháng 3 năm 2022, với chủ đề “Tiêu dùng an toàn trong thời kỳ bình thường mới".
Lễ phát động được ghi hình trực tiếp tại Quảng trường KĐT Royal City, Hà Nội và phát trực tuyến trên các nền tảng như: Báo điện tử VTC News, Youtube VTC News, Fanpage Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, Fanpage VTC News, cũng như trên nhiều kênh truyền thông khác từ 9:00 – 11:00, Thứ sáu, ngày 11 tháng 3 năm 2022.
Chương trình nhận được sự đồng hành và hỗ trợ của các doanh nghiệp như Masan (Nhà tài trợ vàng); Tập đoàn TH, Shopee, Mastertran (Nhà tài trợ bạc) và Aeon Việt Nam, Vinaphone, Lazada, Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Nhà tài trợ đồng).
Kính mời quý vị theo dõi chương trình.
Những hình ảnh trực tiếp từ sự kiện đang diễn ra tại Hà Nội.
Chủ đề “Tiêu dùng an toàn trong thời kỳ bình thường mới, các gian hàng mẫu.
MC Chương trình: Lê Anh, Huyền Chi giới thiệu khai mạc sự kiện.
Với mục đích khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng; Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Góp phần xây dựng một môi trường tiêu dùng lành mạnh; Nâng cao trách nhiệm và sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức xã hội, cộng đồng doanh nghiệp và người tiêu dùng,
Đồng thời ghi nhận và hưởng ứng sự kiện Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2022, Bộ Công Thương, UBND Thành phố Hà Nội phối hợp với UBND các tỉnh Thái Bình, Nghệ An và Bình Dương tổ chức Lễ phát động Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam - ngày 15 tháng 3 năm 2022.
Lễ phát động Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam là hoạt động có ý nghĩa quan trọng đối với người tiêu dùng, là thông điệp khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng với sự phát triển ổn định, bền vững của xã hội và đất nước.
Thay mặt Ban tổ chức, xin trân trọng giới thiệu các vị đại biểu, các vị khách quý đến tham dự Chương trình:
Ông Nguyễn Sinh Nhật Tân, Thứ trưởng Bộ Công Thương
Ông Hà Minh Hải, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội
Ông Lê Hồng Vinh, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nghệ An
Cùng nhiều đại diện khách mời và doanh nghiệp tham gia chương trình.
Chào mừng sự có mặt của các quý vị đại biểu đại diện các Bộ Công Thương (Cục Cạnh tranh & Bảo vệ người tiêu dùng, Cục Xúc tiến thương mại, Vụ Thị trường trong nước, Tổng cục Quản lý thị trường......) các Cục, Vụ, ban, ngành, cơ quan ở Trung ương; Lãnh đạo Sở Công Thương thành phố Hà Nội và Sở Công Thương, các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã tại Thành phố Hà Nội và các tỉnh: Thái Bình, Nghệ An, Bình Dương); đại diện Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, các tổ chức xã hội, hiệp hội trong và ngoài nước; cộng đồng người tiêu dùng, doanh nghiệp và sự có mặt của các phóng viên một số cơ quan báo chí, đài truyền thanh, truyền hình đến dự và đưa tin cho buổi lễ.
Chương trình Văn nghệ chào mừng sự kiện.
Đồng chí Nguyễn Sinh Nhật Tân - Thứ trưởng Bộ Công thương phát biểu khai mạc sự kiện.
Phát biểu của ông Nguyễn Sinh Nhật Tân - Thứ trưởng Bộ Công thương tại sự kiện:
..."Trước hết, cho phép tôi thay mặt Bộ Công Thương nhiệt liệt chào mừng và gửi lời cảm ơn sâu sắc tới các đồng chí Lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội và các đồng chí Lãnh đạo UBND các tỉnh Thái Bình, Nghệ An, Bình Dương; đại diện các cơ quan, ban ngành Trung ương và địa phương; đại diện cộng đồng doanh nghiệp, người tiêu dùng, các cơ quan truyền thông, báo chí và toàn thể quý vị đại biểu đến tham dự cũng như khán giả đang theo dõi trực tuyến buổi Lễ phát động Ngày Quyền của Người tiêu dùng Việt Nam năm 2022.
Kính thưa Quý vị đại biểu,
Ngày 10 tháng 7 năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1035/QĐ-TTg về việc lấy ngày 15 tháng 3 là Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày hôm nay, Bộ Công Thương và UBND Thành phố Hà Nội đồng chủ trì và phối hợp với UBND các tỉnh Thái Bình, Nghệ An và Bình Dương tổ chức Lễ phát động Ngày Quyền của Người tiêu dùng Việt Nam năm 2022.
Kính thưa quý vị,
Do những tác động nghiêm trọng, phức tạp và kéo dài của đại dịch Covid-19, năm 2021 tiếp tục là một năm có nhiều khó khăn, thách thức đối với kinh tế xã hội của đất nước nói chung, cũng như đối với các các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng nói riêng.
Song, với sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất, xuyên suốt, quyết liệt của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước; sự vào cuộc kịp thời, hiệu quả của cả hệ thống chính trị; sự đoàn kết, nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và người tiêu dùng và sự hỗ trợ hiệu quả của cộng đồng quốc tế, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của Việt Nam trong năm 2021 đã từng bước vượt qua khó khăn, thách thức, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người tiêu dùng, đồng thời, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo động lực phát triển cho các doanh nghiệp kinh doanh chân chính. Một số kết quả quan trọng, tích cực, nổi bật trong năm 2021 là:
Thứ nhất, bộ máy quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng từ Trung ương tới địa phương không ngừng được hoàn thiện, đồng thời, có sự hỗ trợ nhằm phát triển mạnh mẽ mạng lưới các Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên cả nước.
Thứ hai, hệ thống Tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng 1800.6838 tại Bộ Công Thương đã được kết nối với trên 50% số tỉnh, thành phố để tiếp nhận, tư vấn, hỗ trợ giải quyết cho hàng nghìn phản ánh, khiếu nại, yêu cầu của người tiêu dùng trên cả nước.
Thứ ba, hàng trăm ngàn người tiêu dùng có liên quan đã được bảo đảm quyền lợi thông qua việc kiểm soát chặt chẽ các hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung, giám sát các vụ việc thu hồi sản phẩm có khuyết tật và các giao dịch trên môi trường thương mại điện tử.
Thứ tư, hàng triệu người tiêu dùng đã được tiếp nhận các thông tin, kiến thức, kỹ năng về tiêu dùng trong thời kỳ bình thường mới thông qua các phương thức tuyên truyền hiện đại và phù hợp.
Đặc biệt, sau hơn 10 năm thực thi, Bộ Công Thương được Chính phủ giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các bộ ngành và UBND các tỉnh, thành phố thực hiện dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Dự án Luật dự kiến sẽ được đưa ra trình Quốc hội xem xét thảo luận tại Phiên họp tháng 10 năm 2022.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn không ít tồn tại, hạn chế và vấn đề đặt ra cần được xem xét, giải quyết với tinh thần thẳng thắn, cầu thị, đổi mới, sáng tạo để công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có được sự chuyển biến thực chất, mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.
Trong đó, đáng lưu ý là các vấn đề liên quan đến tăng cường nguồn lực, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động cho cơ quan, tổ chức, cơ chế thực thi, phát huy sự chủ động của người tiêu dùng, khuyến khích, thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp cũng như hội nhập quốc tế.
Thưa các vị đại biểu, các vị khách quý!
Phát huy những thành quả đã đạt được trong năm 2021 và trước bối cảnh kinh tế - xã hội hiện tại của đất nước, khu vực và thế giới, Bộ Công Thương đã lựa chọn chủ đề cho các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2022 là "Tiêu dùng an toàn trong thời kỳ bình thường mới".
Chủ đề này là sự khẳng định ý nghĩa, tầm quan trọng của việc đảm bảo quyền an toàn cho người tiêu dùng trong các giao dịch trên thị trường.
Đồng thời, đây còn là sự kêu gọi các cấp, các ngành, các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức xã hội, cộng đồng doanh nghiệp trong việc chung tay thực hiện trách nhiệm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, góp phần xây dựng một xã hội văn minh, một chính phủ kiến tạo, một môi trường kinh doanh – tiêu dùng an toàn, lành mạnh và bền vững trong thời kỳ bình thường mới.
Để thực hiện thành công Lễ phát động ngày hôm nay, một lần nữa, thay mặt Bộ Công Thương, tôi xin cảm ơn UBND thành phố Hà Nội đã đồng chủ trì; cảm ơn UBND các tỉnh Thái Bình, Nghệ An, Bình Dương đã phối hợp; cảm ơn các doanh nghiệp đã đồng hành và cảm ơn các cơ quan truyền thông, báo chí đã theo dõi, đưa tin về sự kiện.
Cuối cùng, xin cảm ơn và kính chúc sức khỏe quý vị đại biểu, quý khán giả đang theo dõi và tham dự Chương trình.
Chúc buổi Lễ phát động của chúng ta thành công tốt đẹp"...
Tại nhiều quốc gia trên thế giới, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã và đang trở thành một lĩnh vực độc lập, có vai trò quan trọng không chỉ trong hệ thống pháp luật, hệ thống cơ quan nhà nước mà còn có tác động đáng kể tới nhiều lĩnh vực của nền kinh tế.
Với vai trò như vậy, nhiều nước, nhiều tổ chức trên thế giới đã và đang cùng nhau vận động, kêu gọi thành lập Ngày Quyền của người tiêu dùng thế giới.
Công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã có lịch sử hình thành và phát triển nhiều năm trên thế giới. Tại Việt Nam, trong những năm qua, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng đã được quan tâm, tạo điều kiện để phát triển mạnh mẽ. Đã có nhiều kết quả, nhiều dấu ấn nổi bật được các cơ quan, tổ chức nỗ lực xây dựng và thực hiện.
Trong số đó, không thể không kể đến sự tham gia chủ động, tích cực và hiệu quả của các địa phương trong cả nước, đặc biệt là Thành phố Hà Nội, địa phương luôn dẫn đầu cả nước về triển khai thực hiện nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
Ông Hà Minh Hải, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội phát biểu tại sự kiện.
Ông Hà Minh Hải cho biết, "Trong những năm qua, UBND Thành phố Hà Nội đã kịp thời ban hành các kế hoạch chương trình hành động vì quyền lợi của người tiêu dùng và triển khai trên địa bàn thành phố, đồng thời cũng đưa công tác tuyên truyền, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vào nhiệm vụ thường xuyên hàng năm của Hội đồng phổ biến pháp luật của Thành phố.
Hàng năm, Sở Công thương đều phối hợp với Cục Quản lý Cạnh tranh và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (Bộ Công thương) cũng như các Sở Công thương các tỉnh, thành phố tổ chức ngày hội của người tiêu dùng Việt Nam một cách thiết thực, tiết kiệm và hiệu quả.
Phương thức thực hiện luôn được đổi mới, sáng tạo, nhằm phát huy sức mạnh, khuyến khích động viên sự tham gia đông đảo, tích cực của các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức xã hội, doanh nghiệp và người tiêu dùng tham gia, góp phần xây dựng môi trường kinh doanh tiêu dùng lành mạnh, kích thích tiêu dùng và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.
Riêng công tác tuyên truyền đã được thực hiện đầy đủ, đa dạng với hơn 100 tin bài trên 20 đầu báo, treo hơn 1000 banner ở các tuyến phố, quảng cáo trên xe buýt, ban hành rất nhiều tờ rơi và clip tuyên truyền khác.
Sở Công thương đã chủ trì cùng các cơ quan đơn vị tăng cường công tác thực thi pháp luật trên địa bàn, nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng của người tiêu dùng thông qua các công tác thanh tra kiểm tra với 61 cuộc, xác định các hợp đồng mẫu mua bán, các dịch vụ cung ứng theo quy định của pháp luật.
Xác định bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng là bảo vệ người sản xuất, ý thức chủ động bảo vệ bản thân người tiêu dùng khi tham gia các giao dịch mua bán hàng hóa, dịch vụ và vận động các doanh nghiệp đưa ra nhiều chương trình khuyến mại để tri ân người tiêu dùng với 40.000 chương trình khuyến mại với giá trị trên 20.000 tỉ đồng.
Tổ chức hội chợ hàng hóa với quy mô 120 gian hàng thu hút gần 100 doanh nghiệp tham gia.
Các tổ chức chính trị xã hội, hội liên hiệp phụ nữ, đoàn thanh niên, đặc biệt là Hội bảo vệ người tiêu dùng đã vào cuộc mạnh mẽ để bảo vệ các hoạt động giao dịch và mua sắm của người tiêu dùng..."
Có thể thấy, các địa phương đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nên thành công của công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Việt Nam. Đặc biệt, trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 vừa qua, vai trò của các địa phương càng trở lên quan trọng, trở thành yếu tố trực tiếp tham gia vào thành công của công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Việt Nam.
Những hình ảnh đại biểu và khách mời tham gia sự kiện:
Có thể thấy, dịch bệnh Covid-19 đã tạo ra nhiều khó khăn chưa từng có tiền lệ trong lịch sử xã hội. Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo sát sao, cụ thể của các cấp lãnh đạo, nhờ sự nỗ lực, quyết tâm và trên hết là tinh thần sáng tạo, kịp thời điều chỉnh các hoạt động của các cơ quan, tổ chức để thích ứng với bối cảnh mới, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2021 vẫn tiếp tục đạt được nhiều kết quả với các dấu ấn và phương thức mới.
Bước sang năm 2022, mặc dù diễn biến dịch bệnh và nhiều khó khăn tiếp tục kéo dài, tuy nhiên, nhìn vào sự chuẩn bị từ xa, từ sớm của các kế hoạch và nội dung thực hiện các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, chúng ta tin tưởng rằng công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sẽ tiếp tục đạt được nhiều cột mốc mới, góp phần nâng cao giá trị đời sống cho người dân và tạo động lực phát triển cho nền kinh tế.
Ông Phạm Văn Hóa - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Nghệ An phát biểu tại sự kiện.
Ông Phạm Văn Hóa chia sẻ, "Nghệ An là tỉnh nằm ở phía Bắc Trung bộ, địa điểm giao thương thuận lợi trong hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như hoạt động thương mại và tiêu dùng. Chính vì vậy, việc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng được coi là nhiệm vụ thương xuyên.
Lãnh đạo tỉnh thường xuyên quan tâm chỉ đạo để sát sao hơn với hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Năm 2021 là năm dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, trên thị trường đã xuất hiện nhiều đối tượng lợi dụng dịch bệnh để thực hiện các hành vi gian lận thương mại như bán hàng đa cấp trên nền tảng thương mại điện tử đã làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng.
Trước tình hình đó, tỉnh Nghệ An đã triển khai đồng bộ các hoạt động như tăng cường công tác tuyên truyền, đưa tin, bài, phóng sự trên các phương tiện thông tin đại chúng, treo băng rôn ở nơi tập trung đông người, công sở, cơ quan hành chính và doanh nghiệp.
Tổ chức lồng ghép các buổi tọa đàm, hội họp tại cơ sở để nhân dân nắm được thông tin về các chỉ đạo của các cấp, ngành cũng như tình hình thị trường, đặc biệt là các hoạt động phòng chống gian lận thương mại, kinh doanh hàng lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.
Tăng cường công tác quản lý nhà nước liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng như phát triển thương mại điện tử, quản lý chặt chẽ các doanh nghiệp hoạt động bán hàng đa cấp đã đăng ký trên địa bàn, kịp thời nhận diện các trường hợp bán hàng đa cấp biến tướng. Quản lý an toàn thực phẩm cũng như phòng chống các hành vi gian lận thương mại, cũng như buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng.
Thanh tra, kiểm tra để sớm phát hiện các trường hợp kinh doanh hành kém chất lượng. Từng bước thiết lập kỷ cương trong kinh doanh, tạo ra nét văn hóa trong kinh doanh để người dân được hưởng đủ quyền lợi của người tiêu dùng."
Ông Nguyễn Văn Bán - Chủ tịch Hội bảo vệ Người tiêu dùng tỉnh Bình Dương trả lời phỏng vấn.
Theo ông Nguyễn Văn Bán, "...Bình Dương là một tỉnh công nghiệp phát triển mạnh. Hiện nay với 23 khu công nghiệp và cụm công nghiệp và đang chuẩn bị hình thành 29 khu công nghiệp/cụm công nghiệp với số lượng lao động là công nhân có khoảng tới 2 triệu người. Vì vậy, việc bảo vệ quyền lợi cho tầng lớp công nhân là rất thiết thực. Cách đây 7 năm thì chúng tôi đã có kế hoạch triển khai hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dành cho các công nhân.
Hiện nay Bình Dương đã có Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng từ cấp tỉnh cho đến cấp thành phố, huyện, xã, khu chợ, trong đó đặc biệt có 2 tổ bảo vệ người tiêu dùng cho khu công nhân. Đây là những tổ chức rất thiết thực và hoạt động hiệu quả"...
Chương trình tiếp tục trao đổi chuyên môn, phỏng vấn giao lưu với khách mời, doanh nghiệp tham gia sự kiện. Ông Trần Minh Thao – Tổng giám đốc doanh nghiệp Mastertran trả lời phỏng vấn.
Lễ ký cam kết
Cộng đồng doanh nghiệp là chủ thể quan trọng trong việc đảm bảo hiệu quả của công tác bảo vệ người tiêu dùng. Để thể hiện mong muốn cũng như khẳng định cam kết của mình trong việc thực thi các chính sách, hoạt động vì người tiêu dùng, sau đây, xin kính mời các vị khách quý và toàn thể quý vị cùng chứng kiến Lễ ký cam kết “Tiêu dùng an toàn trong thời kỳ bình thường mới” giữa đại diện một số doanh nghiệp với Bộ Công Thương.
Trong khuôn khổ Lễ ký cam kết, về phía các Doanh nghiệp cam kết:
* Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của người đứng đầu Công ty đối với việc nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty.
* Tập trung xây dựng và triển khai các giải pháp cụ thể nhằm thực thi các quy định pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, hướng tới sản xuất, nhập khẩu, phân phối, kinh doanh các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ an toàn, đảm bảo chất lượng, phù hợp với tình hình thực tế của Công ty và thời kỳ bình thường mới.
* Tăng cường hiệu quả giải quyết các phản ánh, kiến nghị, khiếu nại của người tiêu dùng cũng như thực hiện có hiệu quả hoạt động tri ân, chăm sóc người tiêu dùng trong bối cảnh tình hình mới.
* Chủ động phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thời kỳ bình thường mới và các hoạt động hợp tác khác có liên quan, phù hợp với tình hình thực tế của Công ty.
Về phía Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương cam kết:
* Đảm bảo duy trì môi trường kinh doanh lành mạnh, trách nhiệm, an toàn trong thời kỳ bình thường mới.
* Hướng dẫn, hỗ trợ Công ty nâng cao trách nhiệm và hiệu quả thực thi pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đặc biệt trong thời kỳ bình thường mới, giúp nâng cao lợi thế cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ và năng lực cạnh tranh của Công ty.
* Đồng hành, hướng dẫn và tạo điều kiện để Công ty tham gia có hiệu quả các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thời kỳ bình thường mới do Công ty đề xuất hoặc Cục CT&BVNTD, Bộ Công Thương chủ động tổ chức, phát động.
.jpg
Các Doanh nghiệp tham gia Lễ ký cam kết: “Tiêu dùng an toàn trong thời kỳ bình thường mới”
1. Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan ( Bà Nguyễn Vân Hiền – Giám đôc đối ngoại Tập đoàn Massan, công ty sở hữu chuỗi siêu thị bán lẻ Winmart )
2. Tập đoàn TH (Ông Nguyễn Văn Thành – Giám đốc Đối ngoại Tập đoàn)
3. Công ty TNHH Shopee (Bà Lê Thúy Anh – Trưởng phòng Đối ngoại)
4. Công ty Cổ phần Mastertran (Ông Trần Minh Thao – Tổng Giám đốc)
5. Công ty TNHH Long Thuận (Bình Dương) (Ông Nguyễn Văn Hiểu – Giám đốc)
6. Công ty Cổ phần quốc tế Bảo Hưng (Thái Bình) (Ông Đào Đức Hưng – Tổng Giám đốc)
7. Tổng Công ty CP Vật tư Nông nghiệp Nghệ An (Nghệ An) (Ông Trương Văn Hùng – Phó Tổng Giám đốc)
Các đồng chí Lãnh đạo chứng kiến Lễ ký cam kết:
- Ông Nguyễn Sinh Nhật Tân, Thứ trưởng Bộ Công Thương
- Ông Hà Minh Hải, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội
- Ông Lê Hồng Vinh, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nghệ An
- Ông Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng
- Bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương TP. Hà Nội
Nghi thức trang trọng và ý nghĩa của sự kiện: Phát động Ngày Quyền của Người tiêu dùng Việt Nam
Để phát động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2022, với sự chứng kiến của các địa phương, các doanh nghiệp và quý vị đại biểu, khán giả, Ban tổ chức xin kính mời các vị khách quý cùng thực hiện Nghi Thức Phát Động Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2022.
Các vị đại biểu lên vị trí thực hiện nghi thức:
1. Ông Nguyễn Sinh Nhật Tân, Thứ trưởng Bộ Công Thương
2. Ông Hà Minh Hải, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội
3. Ông Lê Hồng Vinh, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nghệ An
4. Bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương TP. Hà Nội
5. Bà Nguyễn Quỳnh Anh, Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng
6. Ông Phạm Văn Hóa, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Nghệ An
7. Bà Tô Thị Hương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Thái Bình
8. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam
9. Ông Nguyễn Văn Bán, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh Bình Dương
MC đếm ngược 3-2-1- bắt đầu, mời quý vị cùng đặt tay lên quả cầu trước mặt đánh dấu thời khắc chúng ta chính thức phát động Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2022.
Buổi lễ phát động Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam 2022 đã kết thúc thành công tốt đẹp.