Việt Nam và thế giới đã trải qua một năm 2021 với nhiều khó khăn, thách thức: Tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp với nhiều làn sóng dịch bùng phát mạnh mẽ ở cả phạm vi trong nước và quốc tế. Lần đầu tiên trong lịch sử nhiều năm trở lại đây, Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới được đặt dưới tình trạng báo động, cảnh giác cao nhất.
Kinh tế - xã hội do đó cũng gặp phải nhiều biến động tương ứng. Việc tắc nghẽn trong chuỗi giá trị toàn cầu làm tăng giá nguyên liệu sản xuất là thách thức không nhỏ cho hoạt động sản xuất - kinh doanh của các quốc gia. Đồng thời, giá nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu tăng mạnh tác động không nhỏ tới quyết định mua sắm của người tiêu dùng.
Dịch bệnh cùng sự leo thang của các mối nguy cơ tiềm tàng đã thúc đẩy cho sự phát triển của xu hướng kinh doanh - tiêu dùng mới, phù hợp hơn với bối cảnh bình thường mới. Thương mại điện tử phát triển và làm thay đổi phương thức mua sắm của người tiêu dùng, các hành vi tiêu dùng trực tuyến được sử dụng nhiều hơn bên cạnh các hành vi tiêu dùng truyền thống.
Mong muốn được an toàn khuyến khích người tiêu dùng quan tâm và dành sự ưu tiên nhiều hơn cho nhóm các hàng hóa hướng tới bảo vệ sức khỏe, thân thiện với môi trường hoặc do các đơn vị sản xuất, phân phối uy tín cung cấp.
Hơn lúc nào hết, xu hướng sản xuất - kinh doanh trách nhiệm, đảm bảo sự an toàn cho người tiêu dùng được các doanh nghiệp quan tâm. Việc ý thức rõ tầm quan trọng của việc tuân thủ các quy định pháp luật, thực hiện nghĩa vụ bảo vệ người tiêu dùng khiến các doanh nghiệp triển khai có hiệu quả việc sản xuất - kinh doanh các hàng hóa đảm bảo chất lượng và tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh trên thị trường.
Khó khăn, thử thách về kinh tế - xã hội của đất nước nói chung đặt ra cơ hội và thách thức mới cho công tác bảo vệ quyền lợi ngưởi tiêu dùng. Đứng trước bối cảnh đó, năm 2022, Bộ Công Thương đã lựa chọn chủ đề cho các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam là "Tiêu dùng an toàn trong thời kỳ bình thường mới".
Một trong những điểm nhấn của các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của Người tiêu dùng Việt Nam năm 2022 của Bộ Công Thương là việc Ban hành Bộ tài liệu “HƯỚNG DẪN TIÊU DÙNG AN TOÀN TRONG THỜI KỲ BÌNH THƯỜNG MỚI” với ý nghĩa nhằm góp phần lan tỏa thông điệp, hướng dẫn người tiêu dùng một số cách thức để có thể tiêu dùng an toàn trong thời kỳ bình thường mới.
Với 3 nội dung trọng tâm gồm An toàn lựa chọn, An toàn thanh toán và An toàn sử dụng (Thông điệp 3A), Bộ tài liệu Hướng dẫn sẽ là cuốn sổ tay hữu ích cho người tiêu dùng trong việc hướng tới tiêu dùng an toàn trong bối cảnh tình hình mới.
Phần 1: An toàn lựa chọn
I. Phạm vi và Đối tượng áp dụng
1. Phạm vi
An toàn lựa chọn được quy định trong hướng dẫn này là giai đoạn từ khi người tiêu dùng tiếp cận và tiếp nhận thông tin ban đầu đến giai đoạn cân nhắc lựa chọn hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng.
2. Đối tượng áp dụng
- Người tiêu dùng.
- Tổ chức, cá nhân kinh doanh (sau đây gọi chung là “doanh nghiệp” hoặc “bên bán”).
II. Nội dung thực hiện
1. Trách nhiệm của doanh nghiệp
- Cung cấp thông tin cho người tiêu dùng một cách đầy đủ, chính xác về doanh nghiệp, uy tín, khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp.
- Cung cấp thông tin một cách đầy đủ, chính xác về hàng hoá, dịch vụ cho người tiêu dùng, bao gồm:
+ Ghi nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật.
+ Niêm yết công khai giá hàng hoá, dịch vụ tại địa điểm kinh doanh, văn phòng dịch vụ.
+ Cảnh báo khả năng hàng hoá, dịch vụ có ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ, tính mạng, tài sản của người tiêu dùng và các biện pháp phòng ngừa.
+ Cung cấp thông tin về khả năng cung ứng linh kiện, phụ kiện thay thế của hàng hoá.
+ Cung cấp hướng dẫn sử dụng; điều kiện, thời hạn, địa điểm, thủ tục bảo hành trong trường hợp hàng hoá, dịch vụ có bảo hành.
+ Thông báo chính xác, đầy đủ cho người tiêu dùng về hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung trước khi giao dịch.
- Không giả mạo các đánh giá về hàng hóa, dịch vụ hoặc xóa phản hồi tiêu cực của khách hàng (đối với hình thức thương mại trực tuyến).
- Soạn thảo và áp dụng các điều khoản và điều kiện mua hàng hóa, dịch vụ rõ ràng, công bằng, đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và quy định của pháp luật khác có liên quan.
- Dành thời gian hợp lý (được người tiêu dùng chấp thuận) để người tiêu dùng tìm hiểu, lựa chọn hàng hóa, dịch vụ phù hợp và nghiên cứu các điều kiện, chính sách, tài liệu có liên quan trước khi quyết định giao dịch.
- Xây dựng, ban hành và công khai các cơ chế giải quyết tranh chấp, chính sách bồi thường thiệt hại để người tiêu dùng tìm hiểu trước khi quyết định giao dịch.
2. Nghĩa vụ của người tiêu dùng
(i) Tìm hiểu các quyền lợi tương ứng của người tiêu dùng theo quy định pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cụ thể:
- Quyền được thông tin: Được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; nội dung giao dịch hàng hóa, dịch vụ; nguồn gốc, xuất xứ hàng hoá; được cung cấp hoá đơn, chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch và thông tin cần thiết khác về hàng hóa, dịch vụ mà người tiêu dùng đã mua, sử dụng.
- Quyền được lựa chọn: Lựa chọn hàng hoá, dịch vụ, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ theo nhu cầu, điều kiện thực tế của mình; quyết định tham gia hoặc không tham gia giao dịch và các nội dung thoả thuận khi tham gia giao dịch với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.
- Quyền được tư vấn: Được tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn kiến thức về tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ.
(ii) Kiểm tra, tìm hiểu các thông tin có liên quan đến doanh nghiệp và hàng hóa, dịch vụ muốn mua và lựa chọn cẩn thận, kỹ lưỡng hàng hóa, dịch vụ, cụ thể:
- Lựa chọn các hàng hóa, dịch vụ đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép lưu hành theo quy định pháp luật.
- Lựa chọn hàng hóa rõ ràng về nguồn gốc, xuất xứ và mua tại các đơn vị cung cấp, cửa hàng có uy tín.
- Lựa chọn hàng hóa, dịch vụ không làm tổn hại đến môi trường, trái với thuần phong mỹ tục và đạo đức xã hội.
- Kiểm tra các đánh giá về hàng hóa, cẩn trọng với những hàng hóa rẻ hơn giá trị thật của nó quá nhiều.
- Tìm hiểu và lựa chọn hàng hóa, dịch vụ phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế của mình.
- Kiểm tra nhãn mác, hạn sử dụng của hàng hóa.
- Không vội vàng đặt mua khi chưa tìm hiểu kỹ về hàng hóa, đặc biệt cả khi doanh nghiệp đưa ra giới hạn về thời gian khuyến mại.
- Đối với các hàng hóa chăm sóc và bảo vệ sức khỏe:
+ Tránh mua hàng hóa bảo vệ sức khỏe không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không qua kiểm soát (như hàng xách tay).
+ Cẩn trọng với những quảng cáo trên các trang website, mạng xã hội hoặc tư vấn qua điện thoại, sử dụng hình ảnh bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế để quảng cáo về tác dụng chữa được bệnh, điều trị bệnh hay được quảng cáo dưới các hình thức thư cảm ơn của người bệnh, người nổi tiếng về hàng hóa chữa được bệnh, khỏi bệnh hoặc các hình thức tương tự.
+ Kiểm tra, tìm hiểu cẩn thận thông tin về hàng hóa (ví dụ về thành phần, công dụng, đối tượng sử dụng, các cảnh báo sức khỏe) để chắc chắn lựa chọn được hàng hóa phù hợp với nhu cầu và tình trạng sức khỏe của bản thân hoặc gia đình.
+ Kiểm tra, tìm hiểu thông tin về tình trạng lưu hành của hàng hóa (ví dụ: thông tin về các hàng hóa được cấp phép đăng ký lưu hành; các hàng hóa bị thu hồi, xử lý vi phạm…).
- Tìm hiểu kỹ các chính sách mua bán như đổi trả, bảo hành hàng hóa của doanh nghiệp.
- Lưu ý tuân thủ nguyên tắc 5K mà Bộ Y tế đưa ra để bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng trong quá trình giao dịch.
*Kính mời quý độc giả theo dõi phần sau ở bài tiếp theo.