Nhiều khoa, phòng ở bệnh viện tuyến trung ương hiện còn quá tải, phải nằm ghép giường, nằm ngoài hành lang như các chuyên khoa tim mạch, ung thư, xương… nhưng bệnh viện vẫn dành ra cơ số giường để làm giường dịch vụ, gây sự bất công, phân biệt giàu nghèo.
Mới đây chủ trương xóa bỏ giường dịch vụ của Bệnh viện Bạch Mai, dành ưu tiên tuyệt đối cho công tác nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, nhận nhiều ủng hộ của chuyên gia.
Nói về điều này, PGS.TS Nguyễn Hoài Nam - giảng viên Đại học Y Dược, TP.HCM cho biết việc “xoá bỏ” giường dịch vụ trong các bệnh viện công lập lẽ ra phải thực hiện từ lâu. Hiện Bệnh viên Bạch Mai đi đầu nhưng cần thực hiện và gỡ nút thắt này hợp lý.
Việc xây dựng mô hình công tư trong cùng bệnh viện công lập có cả ưu điểm và nhược điểm. Ưu điểm là giúp người bệnh hưởng mô hình y tế tốt hơn, song thực tế nó lại làm cho nền kinh tế y tế phát triển “thiên vị” cho các bệnh viện công, còn bệnh viện tư thì chật vật.
PGS.TS Nguyễn Hoài Nam cho rằng hệ thống y tế công làm giàu bằng nguồn đầu tư của nhà nước và điều đó không sòng phẳng với y tế tư nhân. Để xây dựng một bệnh viện tư nhân, nhà đầu tư bỏ chi phí rất nhiều, trong khi vệnh viện công lập thì "sẵn nong, sẵn né".
Khám chữa bệnh dịch vụ trong bệnh viện công, sử dụng bác sĩ để khám chữa bệnh, lấy thương hiệu của bệnh viện thì đây là sử dụng tài sản công làm dịch vụ.
Ông Nam cho rằng không ở đâu xây dựng giá giường dịch vụ y tế trong bệnh viện công như một phòng khách sạn lên tới 4 triệu đồng như ở Việt Nam đưa ra dự thảo. Về vấn đề các bệnh viện đua nhau mở dịch vụ theo yêu cầu, giường theo yêu cầu, PGS Nam cho biết điều này tạo điều kiện bệnh viện phát triển, thu nhập của bác sĩ tăng lên, nhưng không phải vì thu nhập của bác sĩ mà tràn lan mở dịch vụ theo yêu cầu.
Theo PGS Nam, để xoá sổ dịch vụ giường yêu cầu hướng tới không có phân biệt giàu nghèo, các bệnh viện cần tháo nút gỡ này một cách từ từ. Bệnh viện đều tự chủ và nếu giảm tỷ lệ theo yêu cầu chắc chắn sẽ có nhiều bệnh viện rơi vào tình trạng khó khăn và phải cân đối tính toán để hợp lý, cùng phát triển.
(Ảnh minh hoạ)
Ưu tiên chất lượng chăm sóc bệnh nhân
Theo PGS. TS Dương Đức Hùng - Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, đơn vị thực hiện tự chủ hoàn toàn cùng với 4 bệnh viện là Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện K, bệnh viện Chợ Rẫy.
Để hướng tới xóa sổ giường dịch vụ, bệnh viện Bạch Mai sẽ xây dựng lại bộ tiêu chuẩn rõ ràng về giường theo yêu cầu, không chỉ dừng lại ở phòng có điều hòa. Với việc lấy chất lượng làm cốt lõi, khoảng cách giữa giường yêu cầu và giường bình thường sẽ được xóa nhòa.
"Khi không còn giường bệnh theo yêu cầu nữa, chúng tôi sẽ đưa ra các tiêu chuẩn, các gói dịch vụ để chăm sóc cho bệnh nhân. Mục tiêu là các bệnh nhân đều được chăm sóc tốt nhất. Quyền lợi của người bệnh là quan trọng, chất lượng chăm sóc là ưu tiên hàng đầu."- TS. Hùng nói.
Trước đây, số giường theo yêu cầu chiếm 50-60%. Nhưng tại thời điểm này, giường yêu cầu chỉ dưới 30% và cho phép tối đa là 30%. Bệnh viện đang đặt ra chỉ có 20-25% giường yêu cầu và tiến tới không còn loại giường này.
Vì vậy, bệnh nhân thực sự cần nằm viện mới được nhập viện. Bệnh viện sẽ tổ chức hội chẩn các ca bệnh bởi hội đồng chuyên môn để đánh giá sự cần thiết này.
Bên cạnh đó, được sự cho phép của Bộ Y tế, bệnh viện có thể mở rộng mô hình điều trị trong ngày để giải quyết nhu cầu của người bệnh. Với người dân, bị ốm đi viện, đặc biệt là bệnh nặng, chi phí khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe y tế là gánh nặng, thậm chí đối với nhiều gia đình là sự khánh kiệt.