Tôi sửng sốt rồi vui mừng khi đọc tin Bệnh viện Bạch Mai sẽ giảm dần tiến tới xóa bỏ giường bệnh theo yêu cầu. Loại giường này ra đời tại các bệnh viện công bắt nguồn từ tình trạng nằm ghép, dẫn tới nhiều người có điều kiện mong muốn được trả tiền nhiều hơn để được nằm riêng và có chế độ phục vụ tốt hơn.
Giường yêu cầu đáp ứng nhu cầu được hưởng dịch vụ chất lượng cao của những người có điều kiện kinh tế, góp phần tăng nguồn thu cho các bệnh viện. Tuy nhiên, xét ở khía cạnh bệnh nhân nói chung, nó tước bỏ cơ hội được điều trị của những người khác trong trường hợp quá tải đến nỗi ngay cả nằm ghép cũng không còn chỗ.
Bệnh viện Bạch Mai. (Ảnh: VOV)
Những bệnh viện tuyến cuối như Bạch Mai, Việt Đức… là hy vọng cuối cùng của nhiều bệnh nhân nặng. Đối với họ, việc được điều trị ở đây mới là quan trọng, là chuyện sống còn, còn điều kiện giường bệnh sướng khổ thế nào chỉ là thứ yếu. Trong tình trạng thiếu chỗ nằm, một người nằm phòng theo yêu cầu có thể làm mất cơ hội của 3-4 người khác.
Với sự nở rộ của các cơ sở y tế ngoài công lập hiện nay, việc xóa bỏ giường yêu cầu ở bệnh viện công càng dễ thực hiện hơn. Những người có khả năng kinh tế hãy đến đó nếu muốn được phục vụ tốt, hưởng dịch vụ chất lượng cao, thậm chí như khách sạn. Còn ở bệnh viện công, không thể để tồn tại mãi tình trạng bất bình đẳng khi đa số bệnh nhân phải nằm ghép, thậm chí ghép đến 3-4 người, thì vẫn còn có những phòng dành riêng cho người giàu. Đã là bệnh viện công thì đừng để sự bất công diễn ra.
Vì thế, tôi rất tâm đắc với TS Dương Đức Hùng- Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai – khi ông nói: “Với việc lấy chất lượng làm cốt lõi thì khoảng cách giữa giường yêu cầu và giường bình thường sẽ được xóa nhòa”. Hy vọng rằng sau Bạch Mai, sẽ có hàng loạt bệnh viện tuyến cuối khác xóa bỏ giường yêu cầu, tiến tới bình đẳng hoàn toàn về dịch vụ y tế công trên khắp cả nước.
Bạn có đồng ý với quan điểm trên? Hãy chia sẻ ở box bình luận phía dưới.