Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

‘Không đưa người nhà, người thân quen vào danh sách tiêm vaccine COVID-19’

(VTC News) -

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) nhấn mạnh điều trên và yêu cầu các đơn vị y tế nghiêm túc thực hiện.

“Chúng tôi quán triệt là tuyệt đối không được đưa người nhà, người thân quen vào danh sách được tiêm vaccine COVID-19 lần này tại các tỉnh. Người được tiêm chỉ gồm có nhân viên y tế điều trị bệnh nhân COVID-19, cán bộ lấy mẫu xét nghiệm, nhân viên tại các cơ sở cách ly tập trung, thành viên tổ truy vết, nhân viên tham gia điều tra dịch tễ và cán bộ trực tiếp tiêm chủng vaccine COVID-19…”, ông Khuê nói.

Theo ông Khuê, đợt tiêm chủng đầu tiên sẽ gồm 21 bệnh viện đang thực hiện nhiệm vụ chống dịch trên cả nước sẽ được tiêm vaccine COVID-19, bao gồm Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, Bệnh viện Dã chiến tại Hải Dương, Quảng Ninh, Củ Chi, Gia Lai…

Quá trình tiêm chủng, theo khuyến cáo của Bộ Y tế, mỗi người sẽ được tiêm đủ 2 liều vaccine COVID-19, mỗi mũi cách nhau 28 ngày, nên tiêm cùng 1 loại vaccine. Sau mũi đầu tiên, nếu không có phản ứng quá nghiêm trọng mỗi người sẽ được tiêm liều tiếp theo. Trong trường hợp gặp phản ứng trầm trọng, sẽ tính toán tới phương án hoãn tiêm.

Ngoài ra, những đối tượng thuộc nhóm tiêm vaccine sẽ được khám sàng lọc về sức khoẻ. Nếu có triệu chứng ho, sốt, khó thở sẽ không tiêm. Ngoài ra, người tiêm cũng phải có trách nhiệm thông báo với cán bộ y tế nếu bản thân có mắc các bệnh lý nền kèm theo hoặc có tiền sử dị ứng, sốc phản vệ. Người đang mắc COVID-19 sẽ phải điều trị khỏi bệnh và tiêm sau đó 6 tháng vì đã có miễn dịch nhất định.

(Ảnh minh hoạ)

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Dương Thị Hồng, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Phó trưởng Ban Điều hành Dự án Tiêm chủng mở rộng, số liệu thống kê trên thế giới cho thấy, có khoảng 10% sẽ có phản ứng sau tiêm. Những phản ứng này thông thường rất nhẹ như ớn lạnh, rét run, mệt mỏi, ngứa, bồn chồn, sốt cao trên 38 độ C hay nóng, sưng đỏ tại vị trí tiêm.

Tuy nhiên, bà Hồng cũng cho biết, các triệu chứng cũng giống như lúc tiêm các vaccine khác chứ không riêng gì vaccine COVID-19. Khi vào cơ thể, có thể xảy ra một số những phản ứng muộn sau tiêm. Thậm chí có thể một số trường hợp sẽ xảy ra tình trạng phản ứng trầm trọng như sốc phản vệ.

“Tuy nhiên, hiện chưa có bằng chứng nào liên quan tới phản ứng trầm trọng sau khi tiêm vaccine COVID-19. Đến nay, chúng tôi cũng chưa ghi nhận số liệu từ WHO một cách đầy đủ về những phản ứng nặng này vì đây cũng là vaccine mới”, bà Hồng nói.

Theo bà Hồng, hiện AstraZeneca – loại vaccine COVID-19 Việt Nam đang chuẩn bị tiêm được chỉ định sử dụng cho những người trên 18 tuổi.

Đối với phụ nữ mang thai, lợi ích của vaccine vượt trội so với nguy cơ của bà mẹ và thai nhi. Nhóm có bệnh nền và người trên 65 tuổi được khuyến cáo tiêm vaccine vì có nguy cơ mắc bệnh. Phụ nữ cho con bú tiêm vaccine cũng không cần ngưng cho con bú. Ngoài ra, người bị HIV hay người từng mắc COVID-19 cũng được tiêm.

Phạm Quý

Tin mới