Theo nhà kinh tế trưởng của IMF Gita Gopinath, bất động sản là một lĩnh vực lớn của kinh tế Trung Quốc và nếu Evergrande sụp đổ, hoạt động kinh tế cũng như sự ổn định tài chính của quốc gia này sẽ bị ảnh hưởng.
Dù vậy, bà Gopinath tin rằng Bắc Kinh có công cụ để ngăn kịch bản này trở thành một cuộc khủng hoảng hệ thống.
"Chúng tôi đang theo sát những diễn biến ở Trung Quốc. Chúng tôi vẫn tin Trung Quốc có công cụ và không gian chính sách để ngăn khủng hoảng Evergrande trở thành khủng hoảng hệ thống", bà Gopinath nói với Reuters.
Một dự án phức hợp chưa hoàn thiện của Evergrande ở TP Lạc Dương - Trung Quốc ngày 16/9. (Ảnh: Reuters)
Tương tự, chuyên gia kinh tế Brian Levitt của Công ty Invesco (Mỹ) khẳng định với Yahoo Finance rằng nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới sẽ không để Evergrande vỡ nợ bởi rủi ro là quá lớn.
"Tác động của kịch bản Evergrande sụp đổ đối với hệ thống ngân hàng và các nhà cung cấp Trung Quốc là tương đối lớn. Do đó, chúng tôi tin giới chức Trung Quốc sẽ ra tay và giải quyết vấn đề thông qua nỗ lực tái cấu trúc để vượt qua thời điểm này mà không để xảy ra một sự cố nghiêm trọng hơn", ông Levitt nhận xét.
Là tập đoàn phát triển bất động sản hàng đầu Trung Quốc, Evergrande là một phần quan trọng trong cỗ máy kinh tế của nước này. Với việc Evergrande có hơn 120.000 nhân viên chính thức và vô số đối tác cung cấp, theo ông Levitt, rủi ro là quá lớn nếu giới chức Trung Quốc để tập đoàn này sụp đổ.
"Bắc Kinh sẽ không để Evergrande sụp đổ mà không có bất kỳ hình thức hỗ trợ nào cho các chủ nợ hoặc hệ thống tài chính" – ông Levitt nói.
Trong khi đó, nhà phân tích Giles Coghlan của sàn giao dịch HYCM khẳng định Evergrande sẽ được giới chức Trung Quốc "giải cứu" hoặc ít nhất là để sụp đổ "theo một cách có cấu trúc".