Theo Slate, trong 30 năm qua, các thành phố của Trung Quốc đã đón dòng người di cư chưa từng có. Các "khu rừng chung cư" là biểu hiện dễ thấy nhất của trào lưu đó. Hàng loạt công ty phát triển bất động sản cũng mọc lên như nấm để đáp ứng nhu cầu xây dựng ồ ạt.
Tuy nhiên, ở Trung Quốc, không nhiều tập đoàn bất động sản có quy mô lớn như China Evergrande của tỷ phú Hứa Gia Ấn. Trong nhiều năm, tập đoàn giữ vững vị thế là nhà xây dựng lớn thứ hai Trung Quốc và là một trong những công ty địa ốc lớn nhất thế giới.
Goldman Sachs ước tính tài sản của Evergrande tương đương 2% GDP Trung Quốc. Theo ước tính của Financial Times, tập đoàn bất động sản của ông Hứa Gia Ấn sở hữu đủ diện tích đất để chứa toàn bộ đất nước Bồ Đào Nha.
Tập đoàn Evergrande của tỷ phú Hứa Gia Ấn là nhà xây dựng lớn thứ 2 Trung Quốc và là một trong những công ty địa ốc lớn nhất thế giới. (Ảnh: Reuters).
Ông Hứa Gia Ấn thành lập Evergrande vào năm 1996. Ông sử dụng khoản lời từ những năm bùng nổ của tập đoàn để đầu tư vào vô số các lĩnh vực kinh doanh khác nhau, bao gồm một đội bóng đá ở Quảng Châu và một startup ôtô điện.
Việc bán căn hộ - hoạt động kinh doanh cốt lõi của công ty - phụ thuộc vào các khoản vay với kỳ vọng rằng doanh thu sẽ theo kịp. Tuy nhiên, điều đó đã không xảy ra.
Evergrande hiện nợ hơn 300 tỷ USD. Tất cả đối tác từng làm ăn với công ty, bao gồm các nhà máy thép, công ty nội thất, ngân hàng, khách hàng và trái chủ, đều rơi vào tình thế khó khăn.
Câu hỏi đặt ra là đây có phải "khoảnh khắc Lehman Brothers" của Trung Quốc - so sánh với vụ đổ vỡ của ngân hàng đầu tư Lehman Brothers của Mỹ do khủng hoảng nợ dưới chuẩn, châm ngòi cho cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, hay nỗi sợ đã bị thổi phồng quá mức.
Trung Quốc là một trong những quốc gia có tỷ lệ sở hữu nhà cao nhất thế giới. Bất động sản vừa là nơi ở, vừa là nguồn tạo ra của cải của các hộ gia đình. Văn hóa đó đã thúc đẩy mô hình bán hàng của Evergrande. Người mua nhà trả khoản tiền tiết kiệm cả đời mình cho công ty địa ốc rất lâu trước khi căn hộ được hoàn thành.
Các khách hàng và nhà đầu tư tập trung bên ngoài văn phòng của Evergrande. (Ảnh: AFP).
Evergrande hiện có đến 1,6 triệu ngôi nhà chưa hoàn thiện. Trong nhiều tháng qua, những người mua đã biểu tình bên ngoài văn phòng của công ty ở khắp các thành phố.
Evergrande cũng nợ tiền các nhà cung cấp. Điều đó dẫn đến việc trì hoãn thi công. Những đối tác của tập đoàn bất động sản thậm chí không được trả tiền mặt. Thay vào đó, họ nhận được các tài sản có giá trị thấp như chỗ đỗ xe.
Nhân viên của Evergrande cũng không được hoàn trả các sản phẩm quản lý tài sản (WMP) quá hạn. Họ đã bị tạo áp lực phải đầu tư vào WMP để công ty duy trì hoạt động. Evergrande cũng nợ các ngân hàng và trái chủ, bao gồm hơn 100 triệu USD tiền lãi đến hạn vào cuối tuần này.
Việc Evergrande không thanh toán sẽ dẫn đến hàng loạt phản ứng dây chuyền nguy hiểm. Các nhà cung cấp phá sản, giá hàng hóa và nhà ở sụp đổ, ngân hàng thu hồi nợ, những nhà phát triển bất động sản khác của Trung Quốc cũng chao đảo.
Định giá startup xe điện của tập đoàn lao dốc 90% từ mức 87 tỷ USD hồi tháng 4.
Theo CNBC, hố nợ 300 tỷ USD của Evergrande cũng làm rung chuyển thị trường toàn cầu. Các nhà đầu tư lo ngại rằng Bắc Kinh sẽ để cho công ty sụp đổ, gây tổn thương cho cổ đông và trái chủ.
"Tất cả đều trông chờ vào giải pháp của Bắc Kinh, bởi China Evergrande là một công ty quan trọng về mặt hệ thống", ông Jimmy Chang - Giám đốc đầu tư tại Rockefeller Global Family Office - bình luận.
"Khoản nợ của công ty lên tới 300 tỷ USD. Khủng hoảng sẽ lây lan nếu vấn đề không được xử lý. Tôi cho rằng một số doanh nghiệp quốc doanh vốn dồi dào tiếp quản", ông nói thêm.
Các chuyên gia cho rằng sự cố của Evergrande khó dẫn đến một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu tương tự như cuộc khủng hoảng năm 2008. Tuy nhiên, nó có thể gây ra nhiều biến động khó đoán trên thị trường.
"Cái khó ở Trung Quốc là một hệ thống mập mờ. Đôi khi, các vị sẽ không có câu trả lời cho đến khi nhận được câu trả lời", ông Rick Rieder - Giám đốc đầu tư Thu nhập cố định toàn cầu tai BlackRock - bình luận.
"Hệ thống ngân hàng có xu hướng được kiểm soát bởi chính phủ. Có lẽ sẽ có sự can thiệp từ phía Bắc Kinh", ông dự đoán. Theo ông Chang, chính phủ Trung Quốc cần phải hành động nhanh chóng. Ngành bất động sản rất quan trọng với nền kinh tế Trung Quốc và tài chính của nhiều hộ gia đình Trung Quốc.
"Nhiều người mua nhà như một khoản đầu tư. Nếu hố nợ không được kiểm soát, nó có thể trở thành một sự kiện 'thiên nga đen' thực sự", ông Chang cảnh báo.
Theo ông Mark Williamsm nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á tại Capital Economics, hàng triệu khách hàng đã đặt cọc và chờ Evergrande giao nhà. "Chúng tôi không biết họ có thể xây nhà hay không, nhưng điều đó có vẻ khó xảy ra", ông nhận định.
"Tôi cho rằng cuối cùng, các nhà chức trách Trung Quốc sẽ vào cuộc để ngăn hệ thống tài chính rơi vào khủng hoảng", ông Williams bình luận. Theo ông, Bắc Kinh sẽ sẵn sàng để các tập đoàn bất động sản chịu thiệt hại đáng kể. Tuy nhiên, họ vẫn tìm cách đảm bảo sự ổn định của hệ thống ngân hàng.
Rủi ro là nếu các công ty bất động sản khác cũng gặp rắc rối, giá trị tài sản sẽ bị ảnh hưởng và gây xáo trộn trên thị trường nhà ở. Điều này làm tổn hại đến thị trường tiêu dùng, vốn là một yếu tố lớn của kinh tế Trung Quốc.
Nếu nhu cầu trên thị trường nhập khẩu Trung Quốc và nhu cầu đối với nguyên liệu thô suy yếu, ảnh hưởng cũng tràn sang các thị trường khu vực và toàn cầu khác.
Nền kinh tế Trung Quốc còn có thể ảnh hưởng đến phần còn lại của thế giới. "Nếu Trung Quốc gặp phải vấn đề kinh tế nghiêm trọng vì Evergrande, phần còn lại của nền kinh tế toàn cầu cũng sẽ bị ảnh hưởng", ông Chang tại Rockefeller nhận xét.
Kết thúc phiên giao dịch hôm 20/9, chỉ số Dow Jones mất hơn 600 điểm. Thị trường chứng khoán ở châu Âu, Hong Kong và các khu vực khác của châu Á cũng sụt giảm mạnh.