Reuters dẫn nguồn tin riêng cho biết, hoạt động vận chuyển hàng hóa từ Nga tới vùng lãnh thổ Kaliningrad đi qua Litva có thể sẽ bình thường trở lại trong vài ngày tới. Động thái nới lỏng được thực hiện sau hơn 1 tuần gián đoạn sau khi Vilnius cấm quá cảnh đường sắt đối với một số loại hàng hóa.
Cũng theo nguồn tin của Reuters, Liên minh châu Âu (EU) đang hướng tới một thỏa thuận về vấn đề Kaliningrad nhằm giảm bớt căng thẳng với Nga, trong bối cảnh cuộc xung đột ở Ukraine ngày một phức tạp.
Phần lớn hàng hóa từ Nga chuyển đến Kaliningrad đều thông qua hệ thống đường sắt chạy qua Belarus và Litva. (Ảnh: West Observer)
Vùng lãnh thổ Kaliningrad không tiếp giáp với phần còn lại của nước Nga và có biên giới chung với các quốc gia EU, việc vận chuyển hàng hóa từ Nga đến Kaliningrad phần nhiều dựa vào hệ thống đường sắt chạy qua Belarus và Litva. Tuy nhiên kể từ ngày 17/6, Vilnius đã ra lệnh cấm quá cảnh đối với một số mặt hàng dựa trên các lệnh trừng phạt do EU đưa ra trước đó.
Reuters cho biết các quan chức châu Âu đang đàm phán về việc miễn trừ các lệnh trừng phạt đối với Kaliningrad liên quan đến một mặt hàng xây dựng như thép và xi măng. Thỏa thuận này có thể sẽ được các bên đưa ra thảo luận vào đầu tháng 7.
Cuộc tranh cãi về việc vùng lãnh thổ Nga bị phong tỏa đang thử thách quyết tâm của châu Âu trong việc thực thi các biện pháp trừng phạt được áp đặt sau khi Moskva thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Phản ứng sẵn sàng có hành động trả đũa từ Nga làm dấy lên lo ngại về sự leo thang mới ở vùng Baltic.
Trước đó, các cường quốc phương Tây đều cam kết ủng hộ Ukraine, đồng thời tái khẳng định quyết tâm của họ tại cả hai hội nghị thượng đỉnh G7 và NATO trong tuần này. Tuy nhiên không phải quốc gia châu Âu nào cũng có thể vượt qua được những ảnh hưởng đến từ các lệnh trừng phạt của EU đối với Nga, bản thân EU cũng muốn tránh leo thang căng thẳng với Moskva trong thời điểm hiện tại.
Đây là lý do tại sao các quan chức châu Âu, với sự hậu thuẫn của Đức đang tìm kiếm một thỏa hiệp để giải quyết một trong nhiều mâu thuẫn từ lệnh trừng phạt của khối này với Moscow.
Nếu hoạt động của tuyến đường sắt từ Nga đến Kaliningrad không được khôi phục, các quốc gia Baltic lo ngại Moskva có thể sử dụng giải pháp quân sự để tạo một hành lang trên bộ nối từ Belarus đến Kaliningrad, nguồn tin của Reuters nói.
Reuters cũng cho biết, Đức là một trong nhiều nước thành viên NATO đang triển khai lực lượng phản ứng nhanh ở Litva, Berlin có thể sẽ bị cuốn vào cuộc đối đầu với Nga cùng các đồng minh NATO khác nếu xung đột nổ ra.
Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu cũng phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu khí đốt của Nga và sẽ dễ bị tổn thương bởi bất kỳ sự cắt giảm nào nếu tranh chấp Kaliningrad leo thang.
Nguồn tin của Reuters chia sẻ, châu Âu “phải chấp nhận với thực tế” rằng phần lãnh thổ Kaliningrad là thứ bất khả xâm phạm đối với Moskva.
Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Litva cho biết họ sẽ tiếp tục tham khảo ý kiến của Ủy ban châu Âu về việc áp dụng các lệnh trừng phạt và bất kỳ sự thay đổi nào của khối sẽ không ảnh hưởng đến quốc gia Baltic này.
"Các biện pháp trừng phạt phải được thực thi và bất kỳ quyết định nào được đưa ra không được làm suy giảm uy tín và hiệu quả của lệnh trừng phạt", đại diện Bộ Ngoại giao Litva cho biết.
Người phát ngôn của Ủy ban châu Âu chỉ ra tuyên bố ngày 22/6 rằng Litva đang thực hiện các hạn chế của EU và việc cung cấp các mặt hàng thiết yếu cho Kaliningrad vẫn không bị cản trở.
Cho đến nay, các lệnh trừng phạt của EU đối với Nga đã ngăn cản việc vận chuyển sắt, thép và kim loại đến Kaliningrad nếu quá cảnh qua các quốc gia EU.
Danh sách hàng hóa bị cấm sẽ mở rộng đối với xi măng và rượu từ ngày 10/7, than đá trong tháng 8 và các sản phẩm dầu như nhiên liệu trong tháng 12. Trong giai đoạn cuối khoảng một nửa số hàng hóa thường được chuyển từ Nga đến Kaliningrad từ Nga sẽ bị cấm.
Vùng lãnh thổ Kaliningrad nằm lọt thỏm giữa các nước EU. (Ảnh: Daily Mail)
Vùng lãnh thổ Kaliningrad với dân số gần một triệu người bị chia cắt khỏi Nga khi Litva tuyên bố độc lập sau sự tan rã của Liên Xô. Mọi hoạt động vận tải bằng đường bộ từ Kaliningrad đến Nga đều phải đi qua Litva.
Ông Dmitry Medvedev - Phó Chủ tịch Hội đồng Bảo an Nga, tuần này cho biết việc hạn chế vận chuyển hàng hóa đến Kaliningrad là một phần của cuộc chiến ủy nhiệm của phương Tây và Nga có nhiều cách để trả đũa.
"Nga đương nhiên sẽ thực hiện các biện pháp đáp trả và chúng sẽ rất khắc nghiệt. Tôi sẽ không nói đó là những biện pháp nào. Có rất nhiều khả năng và một phần trong số đó là những biện pháp kinh tế có thể 'cắt oxy' của các nước láng giềng Baltic có hành động thù địch", ông Medvedev nhấn mạnh.
Ông nói với một tờ báo Nga: “Có rất nhiều cơ hội, một phần đáng kể trong số đó có tính chất kinh tế và có khả năng cắt đứt nguồn dưỡng khí đối với các nước láng giềng Baltic của chúng tôi, những người đã thực hiện các hành động thù địch”.
Ông Medvedev cũng nhận định, Nga có thể thực hiện các biện pháp đáp trả bất đối xứng, điều sẽ đẩy cuộc xung đột leo thang nghiêm trọng.