Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Học sinh tự mở 'rạp chiếu phim' về bình đẳng giới ngay trên lớp học

(VTC News) -

Thay vì làm bài kiểm tra tiếng Anh trên giấy, học sinh lớp 10A1 trường THPT Phan Bội Châu (Khánh Hòa) thỏa sức sáng tạo qua phim ngắn về bình đẳng giới.

“Rạp chiếu phim” miễn phí vé 

Cuối tuần qua là ngày đặc biệt với tập thể lớp 10A1 trường THPT Phan Bội Châu (Cam Ranh, Khánh Hòa). Thay vì nghỉ ngơi ở nhà, các em vào “rạp chiếu phim” tại lớp để thưởng thức những phim ngắn bằng tiếng Anh. Nội dung phim là về bình đẳng giới do chính thành viên trong lớp thực hiện.

Bên ngoài hành lang “rạp chiếu phim 10A1”, mỗi học sinh trên tay tấm vé miễn phí xếp hàng đợi đến lượt “cắt vé”. Trên cánh cửa rạp chiếu phim dán 4 poster phim mang tên “Back”, “Why”, “Give me love like never before” và “Dear diary” được sản xuất bởi các “hãng phim” là 4 tổ của lớp.

Học sinh dựng "rạp chiếu phim" ngay tại lớp. (Ảnh: Ngọc Ánh)

Cửa soát vé nhộn nhịp "khách" vào xem phim miễn phí. (Ảnh: Ngọc Ánh)

Lê Thị Ngọc Ánh, thành viên tổ 2 cho biết phim ngắn “Why” của nhóm xoay quanh nội dung về bình đẳng giới trong gia đình gồm 4 thành viên. Trong đó, người em trai được bố mẹ cưng chiều, đòi gì được nấy nhưng chị ruột lại bị mẹ ngược đãi thậm tệ.

Nghĩ con gái lớn gả chồng là “mất con” nên người mẹ liên tục chà đạp lên cả thể xác và tinh thần người con. Đau khổ lên tới đỉnh điểm, cô gái bỏ nhà ra đi và làm mọi việc dù là nặng nhọc nhất. Nhờ tích cóp tiền trong suốt hai năm và sự giúp đỡ của mạnh thường quân, nữ chính chuyển giới thành nam, trở về nhà trong sự sững sờ, đau xót và hối hận của người mẹ.

Qua thước phim này, nhóm muốn gửi tới khán giả thông điệp: “Con nào cũng là con, tại sao lại quan niệm “trọng nam khinh nữ”. Con gái cũng rất yêu thương bố mẹ, chăm chỉ làm việc, phụ giúp bố mẹ chứ không hề vô dụng như trong suy nghĩ của một số người”.

Ngọc Ánh cho hay, ý tưởng học tiếng Anh bằng dựng phim ngắn là do thầy giáo Ngô Lê Nhật Hoàng - giáo viên tiếng Anh trường THPT Phan Bội Châu đưa ra. Từ đó tạo cho học sinh cơ hội được sáng tạo từ kịch bản đến dựng phim về chủ đề bình đẳng giới. 

Trong mỗi tổ các thành viên tự viết kịch bản, đóng vai, dựng, tạo nên một đoạn phim hoàn chỉnh, điều đặc biệt là thoại của các nhân vật đều phải bằng tiếng Anh.

Nữ sinh thừa nhận phần khó nhất và tốn thời gian nhất khi thực hiện là ở khâu chỉnh sửa, dựng clip sao cho thật bắt mắt và sinh động.

“Nhóm em có vài bạn từng tham gia lớp học ngoại khóa về dựng nên cũng kha khá kinh nghiệm về chỉnh sửa video và diễn xuất. Vì thế tiến trình thực hiện nhanh hơn nhóm khác”, Ánh chia sẻ.

Em bật mí, khi phim dựng xong và chỉ còn hai ngày trước khi công chiếu, cả nhóm táo bạo quyết định thay đổi kết phim nhằm tạo sự bất ngờ và dấu ấn riêng.

(Ảnh: Ngọc Ánh).

(Ảnh: Ngọc Ánh).

“Tụi em lên kịch bản cho phần kết chỉ trong một tiếng và có 2 ngày để quay và chỉnh sửa video. Em thấy rất tự hào về tất cả các thành viên trong nhóm, nhờ sự đoàn kết và hăng say, máu lửa nên dù có những thay đổi vào ngày áp chót nhưng cuối cùng video vẫn hoàn thiện”, Ngọc Ánh tâm sự.

Nữ sinh chia sẻ, trong quá trình thực hiện bài tập đặc biệt trên, nhiều tranh luận, ý kiến bất đồng vì lời thoại không hợp ngữ cảnh, có những cảnh phải quay đi quay lại nhiều lần, trễ hẹn nhưng cả nhóm đều vượt qua khó khăn nhất thời để hướng đến mục tiêu chung.  

“Vì là phim ngắn đầu tay nên vẫn còn non nớt, diễn chưa đạt, tiếng Anh cũng chưa thật sự trôi chảy và tự nhiên. Nhưng tụi em rất tự hào về thành quả là sự cố gắng hết mình của cả nhóm”, đại diện ê-kíp phim “Why” hào hứng cho biết.

Ngọc Ánh cho biết trước đây lớp có vài lần tham gia tiết học sáng tạo và đều ở môn tiếng Anh. “Thầy lên ý tưởng để chúng em thỏa sức sáng tạo. Chúng em thấy may mắn khi được học với người thầy trẻ năng động, nhiệt huyết, sáng tạo như vậy”, nữ sinh chia sẻ.

Sức sáng tạo của học sinh là vô tận

Tác giả của ý tưởng sáng tạo dạy và học tiếng Anh qua phim ngắn – thầy giáo trẻ Ngô Lê Nhật Hoàng cho rằng, ở chương trình tiếng Anh mới với lớp 10 của Bộ GD&ĐT có nhiều chủ điểm hay, trong đó có thể kể đến bài 6 với nội dung "Gender Equality" (Bình đẳng giới).

“Qua các tiết học trên lớp, tôi thấy các em có rất nhiều suy nghĩ tiến bộ, ý tưởng độc đáo về vấn đề này nên tổ chức dự án làm phim ngắn. Các em vừa áp dụng từ vựng trong chủ đề, vừa có cơ hội rèn luyện kỹ năng mềm khác”, giáo viên này chia sẻ.

Thầy giáo Ngô Lê Nhật Hoàng cùng tập thể lớp 10A1. (Ảnh: Ngọc Ánh).

Đánh giá về những thước phim ngắn của học trò lớp 10A1 thực hiện, anh Hoàng thừa nhận bản thân đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác.

“Với độ dài khoảng 10 – 12 phút nhưng các em sáng tạo khéo léo lồng ghép khiến phim vừa hài hước, vừa cảm động lại có ý nghĩa sâu sắc.

Các sản phẩm đều đạt được yêu cầu như có ý nghĩa truyền tải, có chất sáng tạo học sinh. Những câu chuyện về phân biệt đối xử theo giới tính mà ai cũng gặp phải được nghệ thuật hóa bằng con mắt của tuổi mới lớn”, thầy giáo Hoàng nhận xét.

Bên cạnh tổ chức sản xuất phim, các nhóm còn đảm bảo yêu cầu phụ khác là tự thiết kế poster phim, các em được rèn luyện kỹ năng cô đọng nội dung phim thông qua ngôn ngữ hình ảnh.

Bắt đầu thực hiện ý tưởng để học sinh tự làm phim ngắn học tiếng Anh từ năm 2019, những thành công từ dự án đầu tiên đã tiếp thêm tự tin cho nam giáo viên tiếp tục áp dụng phương pháp dạy này trong năm học này.

Anh tâm sự: “Nhìn thấy sự hào hứng khi chuẩn bị bài tập là phim ngắn, tôi càng tin chắc những ý tưởng này phù hợp với sự sáng tạo của học trò. Các em có thể đưa bài học trong sách vở vào giao tiếp thực tế, vừa trải nghiệm các kỹ năng mềm như diễn xuất, quay và dựng phim, làm việc nhóm, quản lý thời gian…

Đây sẽ là hành trang mà trường phổ thông trang bị cho các em tự tin hơn khi bước vào môi trường đại học”.

Theo thầy giáo Hoàng, bài tập phim ngắn sẽ được dùng làm điểm bài kiểm tra 15 phút. “Học trò chia sẻ dù phải bỏ nhiều công sức và thời gian để thực hiện dự án, nhưng đây là chặng đường quý giá và những kỉ niệm thì sẽ còn mãi. So ra thì cột điểm 15 phút này ý nghĩa hơn khi làm một bài kiểm tra trên giấy”, giáo viên Ngô Lê Nhật Hoàng bày tỏ.

Huyền Trần

Tin mới