Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Học sinh lớp 11 chế tạo giá chấm thi trắc nghiệm

Một nhóm học sinh trường THPT Lê Quý Đôn (Hà Tĩnh) sáng chế "Giá chấm trắc nghiệm bán tự động" giúp thầy cô giảm thiểu những vất vả trong quá trình chấm thi.

Thấy thầy cô trường THPT Lê Qúy Đôn (huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) vất vả trong quá trình chấm bài thi trắc nghiệm, 4 em học sinh lớp 11A gồm: Nguyễn Mậu Đức, Lê Huy Hoàng, Dương Việt Hoàng, Nguyễn Văn Dũng cùng lên ý tưởng, sáng tạo ra "Giá chấm trắc nghiệm bán tự động".

Sản phẩm ra đời sau gần một tuần, được các giáo viên trong trường đánh giá cao và góp phần giảm thiểu áp lực, vất vả trong quá trình chấm thi trắc nghiệm.

Nhóm học sinh cùng sáng chế giá chấm thi trắc nghiệm bán tự động.

Chia sẻ về ý tưởng làm giá chấm thi trắc nghiệm, em Mậu Đức cho hay, khi thấy giáo viên mất thời gian cho quá trình chấm thi, nam sinh lên ý tưởng, tham khảo ý kiến thầy giáo, sau đó gọi thêm 3 bạn trong lớp cùng hỗ trợ. Tận dụng thời gian rảnh rỗi sau giờ học, những ngày nghỉ cuối tuần, cả nhóm lại cùng nhau bàn bạc để thiết kế hoàn thành sản phẩm đúng như kỳ vọng.

Đức chia sẻ: “Nguyên lý hoạt động của giá chấm này khá đơn giản, chỉ cần đặt bài kiểm tra trắc nghiệm phía dưới khay đựng, sau đó tính toán, căn chỉnh sao cho camera của điện thoại chụp được trọn vẹn, cân đối bài thi để chấm điểm theo phần mềm đã cài đặt sẵn trong máy. Hiện tại nhóm em mới hoàn thành được giá chấm thi, thời gian tới sẽ lên ý tưởng lắp ráp thêm thiết bị để tự động điều chỉnh chuyển các bài thi mà không cần dùng đến sức người”.

Mậu Đức cùng Huy Hoàng thực hiện chấm thi trắc nghiệm trên sáng chế mà nhóm thực hiện.

Cậu học sinh lớp 11 chia sẻ thêm, giá chấm thi phần gồm có thân bảo vệ, khay đựng điện thoại và phần đựng tài liệu. Mỗi vị trí đều có chức năng riêng. Toàn bộ sản phẩn nhìn thiết kế rất đơn giản. Trong quá trình thực hiện hóa ý tưởng, cũng không ít lần bị lỗi, hư hỏng nhưng nhóm vẫn đoàn kết để cố gắng hoàn thiện sản phẩm được tốt hơn.

Nam sinh cho biết: “Nhóm đưa ra mục tiêu sử dụng nguyên liệu đơn giản nhất có thể. Qúa trình làm mất khoảng gần 1 tuần. Thời gian ban đầu làm, mỗi bạn mỗi ý kiến riêng, nhưng sau đó tổng hợp lại các ý kiến, thì giá chấm thi được hoàn thành trong niềm mong chờ của các thành viên”.

Giá chấm thi trắc nghiệm chủ yếu sử dụng nguyên liệu từ gỗ và ống nhựa để làm. Nó có thể điều chỉnh độ cao tùy vào độ rộng bao quát hình ảnh của camera nhiều loại điện thoại. Đặc biệt, các khớp từ ống nhựa nước được nhóm học sinh gắn rất chắc chắn, nhưng cũng có phần nhẹ nhàng để dễ điều chuyển, căn chỉnh điện thoại.

“Thật sự khi hoàn thành sản phẩm, được các thầy cô trong trường đồng tình ủng hộ cao. Đây là sản phẩm đầu tay của nhóm nên khi được giáo viên đón nhận rất vui mừng. Vì mục tiêu đặt ra là để giúp các thầy cô đỡ vất vả hơn trong chấm thi trắc nghiệm”, em Lê Huy Hoàng chia sẻ.

Giá được làm từ ống nhựa và gỗ, với các thao tác đơn giản đã giúp giảm thiểu thời gian, tạo độ chính xác cao.

Nhóm nam sinh tiết lộ, chi phí làm giá chấm thi không cao, giao động khoảng 100 ngàn cho một sản phẩm hoàn thiện. Hiện tại nhóm hoàn thành và một số giáo viên trong trường đã mua sản phẩm để về hỗ trợ trong việc chấm thi.

Thầy Lê Quang Tuấn – Hiệu trưởng trường THPT Lê Qúy Đôn cho biết, trên điện thoại đã có những ứng dụng chấm bài thi trắc nghiệm và giáo viên trường vẫn thường xuyên sử dụng. Tuy nhiên, trước khi chấm, giáo viên vừa phải cầm điện thoại vừa chụp tất cả số bài thi/kiểm tra. Việc này vừa mất công, mất nhiều thời gian và độ chính xác cũng không cao do chất lượng ảnh chụp bị rung, lắc của tay.

Giá chấm thi trắc nghiệm được làm rất đơn giản, chi phí chỉ khoảng 100-150 ngàn đồng.

Thầy Tuấn đánh giá, sáng chế của nhóm học sinh rất đơn giản, chi phí làm cũng rẻ, giao động từ 100-150 ngàn đồng, nhưng chất lượng đảm bảo, độ chính xác cao và tiết kiệm thời gian.

“Nhà trường cũng hướng cho các em rèn luyện những kỹ năng cơ bản để sáng chế những sản phẩm tương tự. Dù giá chấm thi trắc nghiệm, không phải là phát minh tầm vĩ mô nhưng đây là kết quả của sự nỗ lực, cần cù, thông minh, sáng tạo và đoàn kết. Đặc biệt, đó còn là sự cổ vũ, nguồn động viên không nhỏ từ học sinh đến với thầy cô”, thầy Tuấn cho hay.

Nguồn: Tiền Phong

Tin mới