Các nhà khoa học từng biết đến sự tồn tại của Mellivora benfieldi qua các hóa thạch được phát hiện cách đây 40 năm. Nhưng nhờ nghiên cứu của nhà cổ sinh vật học Alberto Valenciano Vaquero và Romala Goosystem trên các hóa thạch mới nhất, họ mới khẳng định Mellivora benfieldi từng sinh sống và "khủng bố" trên các thảo nguyên ở châu Phi.
Theo Vaquero, các hóa thạch mới chứng minh loài lửng mật Nam Phi khác với lửng mật sống ở cuối thế Trung Tân ở Trung Phi và Đông Phi cũng như loài lửng mật hiện nay.
"Ngay cả những loài ăn thịt lớn như báo hoa mai, linh cẩu và sư tử cũng phải tránh xa chúng", Valenciano Vaquero - tác giả chính của nghiên cứu cho hay.
Mellivora benfieldi hung dữ hơn rất nhiều so với người họ hàng của nó. (Ảnh: Scitech Daily)
Cách đây 5 triệu năm, những con Mellivora benfieldi đi lang thang khắp các vùng đồng bằng phía nam châu Phi cùng với những con sói khổng lồ và rái cá, gấu và mèo răng kiếm.
Trong khi đó, lửng mật ngày nay (Mellivora capensis) là thành viên thuộc họ chồn, chủ yếu sinh sống ở khu vực châu Phi cận Sahara và Đông Á.
Mặc dù có kích thước tương đối nhỏ (9-14kg), sinh vật này nổi tiếng là một trong những sinh vật hung dữ, hung hãn và bất khả chiến bại. Chúng có thể phục hồi sau vết cắn của loài rắn độc vốn có thể giết chết các động vật khác cùng thời.
Mellivora benfieldi nhỏ hơn loài lửng mật hiện đại, nhưng sở hữu hàm răng sắc nhọn, móng vuốt dài. Chúng đủ hung dữ để tồn tại xung quanh các đối thủ nguy hiểm ở vùng đồng bằng châu Phi.
Hóa thạch đầu tiên về Mellivora benfieldi được tìm thấy cách đây 40 năm.