Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Hóa đơn điện tăng bất thường: EVN buông lỏng, sơ suất?

(VTC News) -

Theo PGS.TS Ngô Trí Long, những trường hợp ghi sai số điện liên tiếp bị phát hiện gần đây do EVN buông lỏng quản lý, dẫn đến sai sót đáng tiếc.

Đến hẹn lại lên, năm nào vào mùa nắng nóng, hóa đơn tiền điện cũng tăng đột biến khiến nhiều người dân thấy khó hiểu. Trong khi đó, giải thích về hiện tượng này, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vẫn chỉ viện lý do duy nhất là nắng nóng. Tuy vậy, hàng loạt trường hợp sai sót, ghi nhầm bị phát hiện gần đây khiến người dân bức xúc và hoài nghi liệu có gian lận?

EVN phải làm gì để dân khỏi bức xúc?

Theo PGS.TS Bùi Xuân Hồi (Đại học Bách Khoa Hà Nội), đã thành chu kỳ, năm nào đến mùa nóng là hóa đơn tiền điện lại tăng đột biến. Dù nhiều người dân dù có chưa thỏa mãn với các giải thích của EVN, song phải thừa nhận thời tiết có ảnh hưởng vô cùng lớn đến sản lượng tiêu dùng điện.

Nhiều khách hàng sử dụng điện gần đây liên tục phản ảnh tình trạng tiền điện tăng đột biến mà không hiểu vì sao. (Ảnh: EVN)

Tuy nhiên, để có được sự đồng tình của khách hàng, đơn vị chịu trách nhiệm về đo đếm của EVN cần cải thiện chất lượng và minh bạch hơn. Từ đó người tiêu dùng mới có thể chấp nhận thực tế hóa đơn tiền điện tăng là do sản lượng tiêu dùng tăng.

“Mùa nóng ở miền Bắc, miền Trung khiến sản lượng tiêu thụ điện tăng gấp đôi là chắc chắn. Nhưng EVN phải cải thiện, tổ chức lại công tác sản xuất kinh doanh của mình để minh bạch hơn, tường minh hơn, để khi người dân có ý kiến, có thể trả lời một cách thỏa đáng”, ông Hồi nói.

Theo PGS.TS Ngô Trí Long, những trường hợp ghi sai số điện liên tiếp bị phát hiện gần đây do EVN buông lỏng quản lý, dẫn đến sai sót đáng tiếc. Ông Long cho rằng, để chấm dứt tình trạng người dân bức xúc việc hóa đơn tăng bất thường mùa nóng, EVN cần công bố chuẩn công tơ điện của từng hộ khách hàng ngay từ đầu mùa. Cùng đó, thông báo cho khách hàng thời điểm chốt công tơ để cùng đo đếm.

Đặc biệt, khi phát hiện sai sót  hoặc thấy nghi ngờ phải kiểm tra. “Không lý gì khi các tháng trước đó chỉ vài trăm nghìn, đột nhiên tháng sau lên vài chục triệu mà vẫn phát hóa đơn cho khách hàng”, chuyên gia nhấn mạnh.

“Thủ phạm” biểu giá bậc thang

Các chuyên gia cho rằng biểu giá điện bậc thang cũng là một trong những nguyên nhân khiến hoá đơn “nhảy cóc” nhiều lần. Theo đó, biểu giá lẻ điện sinh hoạt hiện được thiết kế theo bậc thang với 6 bậc, trên cơ sở mức giá bình quân 1.864,44 đồng một kWh.

Với cách tính giá điện hiện hành, tiêu thụ từ 0 -50 kWh chỉ phải trả 1.678 đồng một kWh, nhưng tiêu thụ từ 400 kWh trở lên sẽ bị tính đơn giá tối đa 2.927 đồng một kWh (chưa VAT). Do đó chỉ cần sản lượng điện tiêu dùng tăng lên 1 bậc, số tiền khách hàng phải trả sẽ tăng nhanh hơn so với tốc độ dùng điện.

Tuy vậy, cả hai chuyên gia đều cho rằng áp dụng biểu giá điện bậc thang phù hợp với điều kiện Việt Nam lúc này. PGS.TS Bùi Xuân Hồi cho biết, khi xây dựng biểu giá điện, ngành điện hướng đến có tối thiểu ba mục tiêu: một là phản ánh chi phí, hai là sử dụng hiệu quả và tiết kiệm điện năng, ba là tính đến các yếu tố an sinh xã hội.

“Nguyên lý tính giá chia bậc thang rõ ràng người sử dụng ít đang có lợi rất nhiều. Tức là càng dùng nhiều sẽ càng chịu giá cao. Như vậy, mục tiêu an sinh xã hội được đảm bảo”, ông Hồi nói.

Theo chuyên gia, sự gia tăng phụ tải sinh hoạt thường rơi vào thời kỳ cao điểm của hệ thống điện. Tức là cao điểm của sinh hoạt là cao điểm của hệ thống điện. Để cung cấp điện vào thời kỳ cao điểm, phải huy động các nhà máy có chi phí lớn vào cung cấp phụ tải. Như vậy, người dân càng tiêu dùng vào thời kỳ cao điểm thì chi phí cung cấp điện càng lớn.

Trong khi nguyên tắc là tiêu dùng nhiều sẽ phải trả chi phí cao. Đó là lý do vì sao trong điều kiện như hiện nay giá điện một thành phần áp dụng cho hộ tiêu dùng sinh hoạt, giá điện bậc thang là phù hợp. “Nếu lấy giá bình quân, đương nhiên người nghèo sẽ trả giá cao hơn, liệu chính sách an sinh xã hội còn đảm bảo nữa hay không?”, PGS.TS Bùi Xuân Hồi đặt câu hỏi.

Cần biểu giá điện mới

Phó chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam Trần Đình Long cho biết việc tính giá điện bậc thang hiện không chỉ áp dụng ở Việt Nam mà nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, ông Long cho rằng cần phải sớm điều chỉnh biểu giá bán lẻ điện bậc thang. Bởi biểu giá 6 bậc đang bộc lộ nhiều bất cập. Bên cạnh đó mức tính tiền điện lũy tiến của EVN như hiện hành cũng không tương ứng với hiện trạng sử dụng điện khi bước nhảy giá giữa các bậc chưa hợp lý.

Được biết, năm 2018, Bộ Công Thương đề xuất Chính phủ sửa đổi biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt theo hướng rút gọn từ 6 bậc về 5 bậc. Tuy nhiên do ảnh hưởng COVID-19 nên việc trình phương án lên cấp có thẩm quyền được hoãn lại. Hiện phương án cuối cùng vẫn chưa được trình cấp có thẩm quyền.

Theo PGS.TS. Bùi Xuân Hồi, biểu giá điện mới sẽ phản ánh sát hơn thực tế sử dụng điện của các nhóm khách hàng. Tuy nhiên ông Hồi nhắn mạnh khó có biểu giá nào thoả mãn tất cả các điều kiện. Nhưng với phương án 5 bậc thang, hộ tiêu dùng bậc 101-200 kWh một tháng chịu tác động ít nhất và việc chia các bậc thang dùng nhiều điện chi tiết hơn cũng phù hợp với đặc điểm tiêu dùng hiện nay.

“Thực tế có rất nhiều biểu giá, quan trong là khi áp dụng vào thực tế có phù hợp hay không? Hệ thống hạ tầng điện lực có đáp ứng được không lại là câu chuyện phải bàn”, ông Hồi nhấn mạnh.

Hoà Bình

Tin mới