Cụ thể, bệnh nhân ở huyện Đông Anh (BN2911), là F1 của BN2899 ở Hà Nam nhiễm biến chủng B.1.1.7 từ Anh.
Bệnh nhân người Ấn Độ, cách ly ở Hải Phòng, sau đó về cách ly tại Times City (quận Hai Bà Trưng) nhiễm biến chủng B.1.617.2 từ Ấn Độ.
Nhân viên y tế tại Việt Nam xét nghiệm SARS-CoV-2.
Theo Bộ Y tế, đợt dịch này, dịch COVID-19 hết sức phức tạp, xuất hiện nhiều chùm ca bệnh trong cộng đồng tại nhiều địa phương, đặc biệt xuất hiện các biến chủng virus mới lây nhiễm nhanh hơn, mạnh hơn và có khả năng làm tình trạng bệnh nặng lên.
Bộ trưởng Bộ Y tế đã chỉ đạo các Viện đầu ngành lấy các mẫu của bệnh nhân mắc COVID-19 để giải trình tự gen nhằm đánh giá nguy cơ, có các biện pháp ngăn ngừa và phòng chống dịch phù hợp cũng như lên phương án điều trị hiệu quả.
Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã lấy mẫu ở những bệnh nhân mắc COVID-19 ở một số địa phương để xác định nguồn gốc.
Ngoài 2 bệnh nhân trên tại Hà Nội, Bộ Y tế cũng cho giải trình tự gen một số mẫu tại Hải Dương. Kết quả, bệnh nhân người Ấn Độ, đi chuyến bay từ Đà Nẵng ra Hà Nội cùng chuyến bay nhóm người Trung Quốc nhiễm biến chủng B.1.617.2 từ Ấn Độ.
Trường hợp bệnh nhân nhập cảnh từ Nhật về, lấy mẫu ở khu cách ly tại Hải Dương nhiễm biến chủng B.1.1.7 từ Anh.
Như vậy, trong đợt dịch lần này, Việt Nam ghi nhận các bệnh nhân nhiễm cả biến chủng từ Ấn Độ và Anh. Hiện tổng số nhiễm biến chủng Ấn Độ tại Việt Nam là 10 người. Biến chủng B.1.617 từ Ấn Độ đang được các chuyên gia thế giới rất quan tâm. Bởi chủng B.1.617.2 nguy hiểm hơn các chủng khác. Đặc biệt, B.1.617 có đột biến kép ở đoạn protein S nên có khả năng lây lan nhanh hơn, thậm chí nhanh hơn là biến chủng B.1.1.7 được ghi nhận tại Anh. Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn chưa có số liệu thống kê cụ thể về tốc độ lây lan của chủng virus này.