Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Gừng tươi ngâm rượu trắng có tác dụng gì?

(VTC News) -

Sử dụng rượu kết hợp với gừng không chỉ giúp cải thiện các triệu chứng đau bụng, rối loạn tiêu hóa mà còn là bài thuốc hữu hiệu giúp chữa nhiều bệnh khác.

Gừng có vị cay, tính ấm, có tác dụng giúp giải cảm, điều trị các bệnh về đường hô hấp, tiêu hóa hoặc đau nhức xương khớp cực tốt. Còn rượu trong quan điểm của y học cổ truyền cũng là một vị thuốc tác dụng dẫn thuốc, làm tăng tác tác dụng của các vị thuốc khác, hành khí hoạt huyết, có tính sát trùng.

Đặc biệt với những người bị đau nhức xương khớp thường xuyên sử dụng gừng ngâm rượu để thoa vùng đau nhức sẽ giúp giảm đau hiệu quả. Ngoài ra, gừng tươi ngâm rượu còn có những công dụng dưới đây:

Lợi ích khi sử dụng gừng tươi ngâm rượu trắng

Trị cảm cúm, sốt, ho

Gừng trị cảm cúm, sốt và ho rất hiệu quả. Nếu bạn đang bị cảm cúm hoặc cảm thấy cổ họng đau rát. Hãy sử dụng rượu gừng hâm nóng sau đó thoa lên mũi, thái dương, cổ, sau dái tai,… Những ngày thời tiết thay đổi bạn cũng có thể sử dụng cách này để phòng ngừa bệnh cảm cúm.

Đối với sốt thương hàn có thể sử dụng gừng ngâm rượu đã nấu nóng lên rồi búi tóc, tẩm tóc với rượu gừng, rồi xoa khắp người sẽ cải thiện được tình trạng đau mỏi, mệt trong khi bị bệnh.

Gừng tươi ngâm rượu trắng có tác dụng gì?

Trị các bệnh về tiêu hóa

Gừng từ lâu được nhắc đến nhiều trong chữa đầy hơi, chướng bụng, rối loạn tiêu hóa. Bạn có thể ngâm và nuốt từ từ từ 15-20ml rượu gừng (tương đương với một ngụm nhỏ) để giảm đau bụng. Ngày uống 2-3 lần, kiên trì thực hiện trong vài ngày để thấy hiệu quả.

Ngoài sử dụng rượu gừng, người bệnh không nên uống nhiều rượu và các chất kích thích trong thời gian này vì có thể làm tăng nặng các cơn đau bụng.

Trong trường hợp khó tiêu, buồn nôn hoặc ói mửa bạn có thể sử dụng gừng ngâm rượu ngậm trong miệng và nuốt từ từ. Thực hiện 2-3 lần/ngày thì cơn buồn nôn sẽ thuyên giảm. Bình thường chỉ cần sử dụng trong 1 ngày, qua ngày thứ 2 bạn đã cảm thấy ăn thức ăn ngon miệng hơn.

Giảm đau nhức xương khớp

Một trong những công dụng không thể không kể đến của gừng ngâm rượu chính là giảm đau nhức xương khớp. Đối với những người bị đau lưng có thể sử dụng gừng để quấn quanh thắt lưng tại vị trí đau khoảng 1 tiếng mỗi ngày. Cơn đau nhức sẽ thuyên giảm khá nhiều. Tuy nhiên bạn vẫn cần phải đi gặp bác sĩ để có phương hướng điều trị chính xác nhất.

Đối với những người đau cơ, mỏi vai gáy nên sử dụng gừng ngâm rượu xoa bóp trực tiếp lên các vùng bị đau. Nên xoa vào buổi tối trước khi đi ngủ hoặc sáng sớm vừa mới thức dậy. Rượu gừng sẽ kích thích máu lưu thông, từ đó giúp khớp vận động linh hoạt hơn. Tình trạng đau mỏi sẽ được cải thiện nhanh chóng sau đó.

Ngoài ra có thể pha loãng rượu gừng với nước ấm để ngâm chân, cải thiện các cơn đau nhức xương khớp.

Giúp giữ ấm cơ thể

Do có tính ấm nên rượu gừng là một trong những cách giữ ấm cơ thể tuyệt vời vào mùa đông, giúp ngủ ngon hơn và phòng trừ các chứng cảm lạnh. Dù không có bệnh gì nhưng bạn hoàn toàn có thể xoa rượu gừng vào lòng bàn tay, bàn chân hoặc bụng để cải thiện giấc ngủ. Nếu không dị ứng với mùi rượu, tinh dầu gừng trong rượu cũng là cách trị liệu mùi hương để ngủ ngon hơn.

Trị hôi nách

Một trong những công dụng của rượu gừng là giúp giảm tình trạng hôi nách. Bạn có thể áp dụng bằng cách xoa đều rượu gừng ở vùng dưới nách trước khi đi ngủ. Hôm sau rửa lại với nước ấm. Tuần 2-3 lần. Nếu bị hôi nách nặng hơn có thể sử dụng đều đặn hàng ngày.

Tác dụng của rượu gừng với phụ nữ sau sinh

Đối với phụ nữ sau sinh, rượu gừng hoặc các loại rượu gừng nghệ hay rượu gừng nghệ hạt gấc có tác dụng rất tốt, không những giữ ấm cơ thể, tránh gió, phòng các bệnh hậu sản, nhức mỏi xương khớp mà còn có tác dụng thư giãn, cải thiện làn da. Nhiều chị em phụ nữ thường dùng gừng ngâm rượu để tăng cường sức khỏe và sức đề kháng.

Giúp giảm mỡ bụng

Gừng được coi là một thảo dược tự nhiên giúp giảm mỡ bụng. Do có tính nóng nên khi tiếp xúc với da sẽ sinh ra nhiệt lượng. Nhiệt lượng này sẽ giúp thúc đẩy quá trình phân hủy mỡ, tiêu hao mỡ nhanh chóng hơn. 

Bên cạnh chế độ luyện tập và ăn uống cho người giảm cân, bạn lấy rượu gừng massage nhẹ nhàng phần mỡ bụng khoảng 15 phút để đốt cháy mỡ thừa. Kiên trì sử dụng liên tục từ 1 tháng trở đi bạn sẽ cảm nhận được kết quả. Vòng eo thon gọn và không còn tình trạng bị rạn da.

Cách ngâm rượu gừng đem lại hiệu quả tốt nhất.

Cách ngâm rượu gừng

Để ngâm rượu gừng đạt hiệu quả tốt nhất bạn nên lựa chọn củ gừng chất lượng và rượu chuẩn. Gừng ngâm rượu nên chọn những củ già, vỏ bóng, màu nâu sậm. Bẻ củ gừng thấy có nhiều xơ, màu vàng tươi đặc trưng và đường vân tròn rõ nét. Gừng già sẽ có mùi thơm đậm sắc, cay nồng.

Rượu nên chọn rượu có nồng độ cồn từ 40-45 độ để các dược liệu tiết ra hết chất. Tuyệt đối không dùng rượu không rõ nguồn gốc để ngâm gừng.

Có nhiều cách để ngâm rượu gừng như đập nát củ gừng, thái thành lát mỏng hoặc ngâm nguyên củ gừng. Tùy từng mục đích sử dụng để lựa chọn các ngâm khác nhau. Thông thường, để rượu gừng phát huy được hết các loạt chất nên thái gừng thành lát mỏng để ngâm.

Các bước thực hiện như sau:

Đầu tiên sơ chế gừng bằng cách rửa sạch đất và xơ, rễ bám trên củ. Không nên cạo vỏ củ gừng Ngâm gừng trong nước muối loãng để loại bỏ vi khuẩn và đảm bảo an toàn trong quá trình ngâm sau đó để ráo.

Tiếp đến chế biến tùy ý bằng cách đập dập củ gừng, thái mỏng hoặc để nguyên cả củ rồi cho vào hũ thủy tinh, sau đó đổ rượu vào và đậy kín nắp (tỉ lệ 1kg gừng thì cho 2 lít rượu trắng). Lưu ý, phải để rượu ngập hết gừng, ủ rượu gừng khoảng một tháng trong bóng tối và để ở nơi thoáng mát. Nhiệt độ thích hợp để bảo quản là dưới 25 độ C, tránh để rượu gừng lên bọt hay chuyển màu.

Sau khoảng 1 tháng là có thể lấy ra sử dụng. 

Lưu ý khi sử dụng rượu gừng

Rượu gừng là rượu thuốc thường thấy trong mỗi gia đình, tuy nhiên khi sử dụng vẫn nên lưu ý một số những điều sau:

  • Nên rửa tay sạch sẽ sau khi dùng rượu gừng
  • Phụ nữ đang cho con bú không nên xoa rượu gừng vào bầu ngực
  • Không xoa rượu gừng vào mặt, vùng da dễ nhạy cảm, vết thương hở
  • Có thể dùng trong thời gian dài để thấy hiệu quả nhưng đối với người bị mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của rượu gừng nên hạn chế
  • Chỉ xoa với lượng vừa phải lên vùng da, bộ phận đang bị đau
  • Không dùng rượu gừng cho trẻ nhỏ
  • Chỉ nên uống một lượng nhỏ rượu gừng, nếu bị ngộ độc nên xử lý và cấp cứu kịp thời
  • Thận trọng trong trường hợp người bị tiểu đường, đang sử dụng thuốc làm loãng máu hoặc thuốc huyết áp, bị sỏi mật…
Mai Linh (Tổng hợp)

Tin mới