Từ phương Đông đến phương Tây, từ thuở xa xưa đều tồn tại những điều kiêng kỵ trong dân gian. Ở Việt Nam, tháng 7 Âm lịch được gọi là tháng cô hồn với quan niệm vong hồn, ma quỷ tự do đi lại trên dương gian trong nửa tháng, có thể quấy phá, gây nhiều phiền nhiễu, rủi ro cho cuộc sống con người. Vì thế, đây là khoảng thời gian người ta hay áp dụng những điều kiêng kỵ nhằm tránh rủi cầu may.
Có rất nhiều điều kiêng kỵ trong tháng 7 Âm lịch được lưu truyền từ xưa. Nay, biết kiến thức khoa học của mọi người khác xa so với trước nên phần lớn những kiêng kỵ ấy không gây nhiều sợ hãi, nhiều điều hầu như không còn được áp dụng; mọi người nghe, đọc về chúng chỉ để "biết cho vui". Một số điều vẫn được nhiều người lưu ý với tinh thần "có kiêng có lành" nhưng không quá lưu tâm.
Dưới đây là một số tục kiêng trong tháng 7 Âm lịch và lý giải về chúng.
Dân gian tin rằng vào tháng 7 Âm lịch, Diêm vương mở cửa Quỷ môn quan để cho ma quỷ, cô hồn được trở lại cõi trần, đến tối ngày rằm chúng phải quay về vì cửa ngục sẽ đóng lại. Vì thế trong nửa đầu tháng 7, nhiều người tránh đi chơi đêm - khoảng thời gian được cho là âm khí nặng nhất - để không bị ma quỷ trêu ghẹo, quấy nhiễu.
Thậm chí vào ban ngày, nhiều gia đình còn không cho trẻ con ra đường chơi một mình vì sợ ma quỷ sẽ lừa dẫn đi những nơi nguy hiểm. Người già cũng hay dặn con cháu tránh xa ao, hồ, sông nước trong những ngày này.
Đây là một trong những điều kiêng kỵ trong tháng 7 Âm lịch mà các cụ già hay nhắc nhở con cháu. Khi làm các lễ cúng trong tháng cô hồn, nhiều người rải tiền lẻ để mua chuộc quỷ đầu trâu mặt ngựa, hoặc để bố thí cho các vong hồn. Nhiều người sợ rằng nếu nhặt tiền rơi trong khoảng thời gian này, rất có thể họ sẽ nhặt phải những đồng tiền cúng đó và phải thay người rải tiền hứng chịu những rủi ro, tai họa, hoặc bị ma quỷ quấy nhiễu vì "giành phần" của chúng.
Tháng 7 Âm lịch là khoảng thời gian người ta tiêu thụ lượng vàng mã lớn nhất. Tuy vậy nhiều người vẫn nhắc nhau cẩn thận khi đốt, không được đốt tùy tiện vì có thể khiến ma quỷ đang lang thang khắp nơi vây lấy bạn để kiếm chác, khiến cuộc sống không được bình an.
Không đốt vàng mã tùy tiện là một trong những điều kiêng kỵ trong tháng 7 Âm lịch.
Trên thực tế, việc đốt vàng mã vừa gây tốn kém, ô nhiễm môi trường vừa tiềm ẩn nguy cơ hỏa hoạn, vì vậy đây là hoạt động được khuyến cáo không nên thực hiện.
Trẻ con ăn vụng đồ cúng là chuyện vẫn hay xảy ra, nhưng riêng mâm cỗ cúng cô hồn thường được người lớn canh chừng đặc biệt cẩn thận, không để trẻ sờ cho đến khi hương cháy hết, mọi nghi thức hoàn tất. Điều này cũng xuất phát từ quan niệm cô hồn dã quỷ xuất hiện khắp nơi trong tháng 7 Âm lịch, trong đó có nhiều quỷ đói. Mâm cỗ cúng chúng sinh là dành cho những đối tượng này, nếu sờ vào sẽ chọc giận ma quỷ, khiến chúng nổi giận và gây rối.
Đây là một trong những điều kiêng kỵ trong tháng 7 Âm lịch được rất nhiều người làm nghề buôn bán tuân thủ. Không ít người, đặc biệt là người kinh doanh, thường kiêng xuất tiền, trả nợ trong ngày mùng 1 Âm lịch nói chung vì sợ hao tài tán lộc. Với tháng cô cồn, sự kiêng cữ này thường kéo dài quá rằm, thậm chí hết tháng. Đương nhiên, hiếm ai sống cả tháng mà không phải chi tiền, người ta chỉ hạn chế xuất những món tiền lớn, hạn chế chi tiền trả nợ.
Các chuyên gia về khoa học xã hội đều khẳng định, từ trước đến nay chưa hề có nghiên cứu, thống kê nào khẳng định những điều rủi ro trong tháng 7 Âm lịch xuất hiện nhiều hơn các tháng khác. Chuyện tháng cô hồn xui xẻo hoàn toàn là lo lắng của dân gian xuất phát từ quan niệm về mở cửa âm phủ và xá tội vong nhân (Diêm vương ra lệnh mở Quỷ môn quan để các vong linh được trở lại dương gian thăm người thân). Người ta lo lắng rằng trong số những vong linh đó có cả những cô hồn dã quỷ không được thờ tự, sẽ đi lang thang và có thể quấy rối, trêu chọc, phá phách người sống.
Từ đó, nhiều người kiêng cữ cẩn thận hơn trong tháng này, tránh làm những việc đại sự vì sợ kết quả không được như ý.
Nghi thức cúng cô hồn vào tháng 7 âm lịch.
Một số nhà nghiên cứu cho rằng, do tháng 7 âm lịch là mùa mưa ngâu, cũng là thời điểm chuyển giao giữa mùa hạ và mùa thu nên thời tiết không thuận lợi, mưa nắng thất thường. Vì thế mà người thì dễ ốm, nhà xây lúc này nếu dính nước mưa thì gỗ dễ mục, nếu xây bằng gạch và vôi thì không chắc chắn, chất lượng công trình giảm.
Do đó từ thời xưa, người Việt Nam có xu hướng tránh làm nhà (công việc thuộc hàng đại sự bậc nhất) vào tháng này. Đây có thể là một phần nguyên nhân thực tế của tục kiêng làm việc lớn trong tháng cô hồn và quan niệm tháng cô hồn làm gì cũng hỏng.
Nhà nghiên cứu dân gian Nguyễn Hùng Vĩ cho rằng, tháng nào cũng như nhau, ngày tốt ngày xấu là trong quan niệm, việc kiêng kỵ làm việc lớn trong tháng 7 chỉ là chuyện tín ngưỡng, không tính đến đúng sai và không ai có thể kiểm chứng đúng sai. Con người có niềm tín ngưỡng là để yên tâm về mặt tâm lý, nhưng không nên biến nó thành mê tín tiêu cực, vì thành công hay thất bại chính là phụ thuộc vào chúng ta.
Theo quan điểm Phật giáo, không có ngày tháng nào là ngày tháng xấu, đen đủi, cần kiêng kỵ hay né tránh cả. Chỉ cần mỗi người sống lương thiện, làm nhiều việc tốt, không phạm phải những điều xấu thì tự nhiên vận may sẽ đến.
(*) Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo, chiêm nghiệm!