Tháng cô hồn là khái niệm quen thuộc trong dân gian Việt Nam, nói về một khoảng thời gian có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tâm linh, phong tục tập quán của người Việt Nam.
Tháng 7 âm lịch được nhiều người gọi là "tháng cô hồn". Khái niệm này lưu truyền qua rất nhiều thế hệ và có nhiều giả thuyết xoay quanh nó. Vậy tháng cô hồn là gì? Nguồn gốc tháng cô hồn thế nào?
Nhiều ý kiến cho rằng khái niệm tháng cô hồn bắt nguồn từ Đạo giáo với quan niệm, từ ngày 2/7 âm lịch, Diêm vương bắt đầu mở quỷ môn quan cho quỷ đói được trở về dương gian.Theo tín ngưỡng này của người Trung Quốc, quỷ môn quan sẽ đóng lại vào nửa đêm 14/7. Trong thời gian gần nửa tháng đó, mọi người dương thường cúng cháo, gạo… để quỷ đói không quấy phá, gia đình được bình an, việc làm ăn không gặp rắc rối.
Ở Việt Nam, việc cúng cô hồn là tín ngưỡng tâm linh truyền thống xuất phát từ niềm tin rằng con người có phần xác và phần hồn. Sau khi qua đời, có người được đầu thai chuyển kiếp, có người vì tâm tình còn nhiều khúc mắc nên chưa siêu thoát, cứ vất vưởng bơ vơ, cũng có người bị đày vào địa ngục làm quỷ đói, nếu được thả ra có thể nhũng nhiễu dương gian.
Tác giả Bùi Xuân Mỹ viết trong cuốn Tục thờ cúng của người Việt: "Theo tín ngưỡng truyền thống thì vào ngày Rằm tháng 7, các tội nhân ở cõi âm được tha tội một ngày, bởi vậy các gia đình ở dương gian làm cỗ bàn cúng gia tiên, đốt vàng mã và cầu cúng tụng kinh độ trì cho họ".
Trong cuốn Phong tục thờ cúng của người Việt do NXB Văn hóa Thông tin phát hành có đoạn: "Tết Trung nguyên là tết tổ chức vào ngày rằm tháng bảy, dân gian còn gọi là ngày Xá tội vong nhân. Nhiều người bày lễ cúng chúng sinh ngoài sân, trước thềm nhà, rìa đường phố, cúng cô hồn, ma đói, dùng lễ vật sơ sài như bánh đa, bánh bỏng, ngô bắp, khoai lang, trứng luộc".
Vào tháng cô hồn, người ta quan niệm rằng, ma quỷ sẽ đi lang thang khắp nơi để quấy phá, mang lại tai ương cho con người. Vì vậy, ngoài các cỗ cúng, lễ cúng ở các gia tự, người ta còn bày cỗ cúng cho các cô hồn tại cầu, quán, đình, chùa và gọi là cúng cháo.
"Lễ vật để cúng cháo có cháo hoa nấu bằng gạo, cơm nắm vắt thành nắm nhỏ, hoa quả, bánh, bỏng, trầu cau, xôi chè và đồ vàng mã. Khi cúng xong, các cô hồn, những người nghèo, trẻ em giành và chia nhau các thứ đó", tác giả Bùi Xuân Mỹ liệt kê.
Dù vậy, nhiều chuyên gia khẳng định, nguồn gốc của tháng cô hồn không hẳn là bắt nguồn từ Trung Quốc. Các nền văn hóa ở khác như Ấn Độ, Campuchia hay Nhật Bản đều có chung niềm tin về tháng 7 âm lịch, và những truyền thống này có thể xuất hiện trước cả đạo Phật. Một truyền thuyết dân gian kể rằng, vua Yama (người cai trị địa ngục) mở cổng địa ngục và cho phép một số hồn ma đến hưởng lễ cúng tế ở trần thế.
Tháng cô hồn mang nhiều mang ý nghĩa tâm linh trong văn hoá.
Tờ YahooLife giải nghĩa, tháng cô hồn là sự kết hợp văn hóa từ Đạo giáo và Phật giáo. Ở các nơi với tín ngưỡng khác nhau, người dân cũng có những tập tục, cách thờ cúng khác biệt.
Trong khi quan điểm của Đạo giáo tập trung vào việc xoa dịu các linh hồn lang thang thì với văn hóa Phật giáo, người dân nghiêng về bày tỏ lòng hiếu thảo và tưởng nhớ tổ tiên.
Vì vậy, nên ở Việt Nam, người dân thường tổ chức ngày lễ Vu lan báo hiếu đồng thời với lễ Xá tội vong nhân hay còn gọi là lễ thí thực cho chúng sinh (cúng chúng sinh) vào ngày rằm tháng 7 âm lịch. Tuy nhiên, người miền Bắc thường trọng lễ Xá tội vong nhân, còn miền Trung và miền Nam lại đề cao lễ Vu lan báo hiếu bậc sinh thành.
Có nhiều cách lý giải về tập tục trong tháng 7 âm lịch. Dù vậy, các nhà nghiên cứu đều cho rằng, những quan niệm ấy đều chứa đựng ý nghĩa nhân văn cao cả, đề cao tấm lòng báo hiếu và làm phúc, sống thiện lương.
Ở VIệt Nam, cúng cô hồn được coi là một tín ngưỡng tâm linh truyền thống. Từ xa xưa, người Việt đã quan niệm con người có hai phần là phần hồn và phần xác. Tùy theo những hành động lúc còn sống mà khi mất đi, phần hồn được đầu thai thành kiếp khác hay xuống địa ngục, thậm chí lang thang quấy rối người thường. Tục cúng cô hồn xuất hiện từ quan niệm này.
Dân gian cho rằng trong tháng 7 âm lịch, dương gian xuất hiện rất nhiều quỷ đói, những vong hồn bị bỏ rơi lang thang khắp nơi. Chính vì vậy, các gia đình chuẩn bị gạo, cháo, muối để bố thí và cũng là hối lộ cho những vong linh này để họ không quấy phá cuộc sống hằng ngày của mình, cũng như để các vong linh có một ngày được ăn uống no nê, đỡ tủi phận.
Những việc làm này thể hiện tính nhân văn, nhất là với quan niệm về ngày xá tội: Con người dù gây ra tội ác thì sẽ bị trừng phạt, nhận quả báo nhưng cũng có một ngày được xá tội để đỡ khổ cực, đau đớn…
Tháng 7 âm lịch hay còn gọi là tháng cô hồn.
Ở Trung Quốc, việc cúng cô hồn được thực hiện vào ngày 14 tháng 7 Âm lịch. Còn ở Việt Nam, thời gian này kéo dài hơn chục ngày, không nhất thiết phải là ngày rằm. Ngày cúng cô hồn có thể tùy thuộc vào từng gia đình, từng vùng miền khác nhau.
Tháng cô hồn cũng trùng với thời gian tiến hành lễ Vu lan báo hiếu trong Phật giáo, do đó ngoài việc cúng người đã khuất thì người Việt Nam còn có văn hoá dâng trà cho người còn sống như bố mẹ, ông bà để tỏ lòng kính trọng, ghi nhớ công ơn sinh thành.
Vào thời điểm này trong năm, tại các trung tâm Phật giáo lớn trên cả nước thường tổ chức những buổi cầu siêu, cúng cho người đã khuất và làm lễ dâng trà cho cha mẹ. Những buổi lễ này ngày càng thu hút được nhiều Phật tử, trong đó giới trẻ tham gia rất đông.