Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Giá nhà nội đô Hà Nội, TP.HCM cao ngất, người trẻ đổ về vùng ven tìm chốn an cư

(VTC News) -

Giá nhà tại Hà Nội và TP.HCM tăng cao khiến nhiều người trẻ chưa có thu nhập ổn định phải chấp nhận mua nhà vùng ven để có chốn an cư.

Nhận xét về giá nhà tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM hiện nay, các chuyên gia đều cho rằng, mức giá đã vượt qua khả năng chi trả của nhiều người, đặc biệt là với những gia đình trẻ.

Tại Hà Nội, theo Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân của lao động làm công hưởng lương tính đến quý I/2023 là 9,7 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, giá bán thứ cấp trung bình bất động sản nhà ở gắn liền với đất đến quý II/2023 là 154 triệu đồng mỗi m2, còn chung cư là 33 triệu đồng mỗi m2. 

Tức là nếu chỉ dựa vào thu nhập để mua nhà, một người lao động tại Hà Nội sẽ phải dành gần 15 năm thu nhập bình quân để có thể mua một căn hộ diện tích 50 m2 và gần 100 năm thu nhập bình quân để mua một căn nhà liền thổ 75 m2.

Trong khi đó, tại TP.HCM, TS Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam cho hay, giá căn hộ ở đây hầu hết rơi vào ngưỡng giá 4 - 6 tỉ đồng/căn, đây là một áp lực lớn với người mua, nhất là người trẻ. Hiện rất ít gia đình trẻ có đủ số tiền này để chi phí cho việc mua nhà. Nếu có vay ngân hàng thì áp lực trả lãi hàng tháng cũng không nhỏ.

Chuyên gia Savills cho rằng, thu nhập trung bình của một hộ gia đình ở TP.HCM chỉ khoảng 15 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, giá căn hộ trung bình ở một dự án mới hiện nay là 5,5 - 6 tỷ đồng. Nếu có khả năng tiết kiệm 40- 50%/tháng thì vài chục năm mới có thể mua được nhà trong trường hợp không sử dụng tín dụng hoặc không có nguồn trợ giúp nào từ người thân.

"Như vậy, rất khó để một giá đình trẻ dựa trên thu nhập thuần tuý (bằng lương) và mua được nhà tại TP.HCM vào thời điểm này", ông Khương nhấn mạnh.

Không thể mua được nhà với mức thu nhập hiện tại, nhiều người trẻ phải chấp nhận di chuyển xa hơn để chọn một căn nhà ở các khu ven đô, nhưng giá cả thấp hơn và sinh hoạt phí rẻ hơn.

Nhiều người trẻ phải chấp nhận di chuyển xa hơn để chọn một căn nhà ở các khu ven đô. (Ảnh minh họa)

Anh Trương Ngọc Tùng (quê Hưng Yên) chia sẻ, hai vợ chồng anh tích lũy được khoảng 700 triệu đồng, cùng sự trợ giúp của hai bên gia đình khoảng 500 triệu đồng. Với số tiền 1,2 tỷ đồng, anh gần như không tìm mua được căn nhà nào mà không phải vay ngân hàng.

Sau nhiều ngày tính toán, vợ chồng anh Tùng quyết định đi tìm nhà đất tại khu vực Yên Nghĩa (quận Hà Đông, Hà Nội). Dù xa trung tâm nhưng giá đất tại đây khá "mềm": một căn nhà 30m2 hai tầng giá chỉ 1,1 tỷ đồng. 

Từ nhà đến nơi làm việc của hai vợ chồng tôi khoảng 14 km. Tuy đi lại hơi xa nhưng so với việc đi thuê nhà trọ, nay đây mai đó, thì có một căn nhà để an cư vẫn tốt hơn”, anh Tùng nói.

Theo các chuyên gia bất động sản, lựa chọn nhà ven đô, chấp nhận đi lại xa đang thành xu hướng của nhiều người trẻ muốn có chốn an cư.

GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho rằng, khi quỹ đất khu vực trung tâm ngày càng cạn kiệt, không gian xanh hạn hẹp, giá đất không ngừng tăng thì xu hướng đầu tư dịch chuyển về vùng ven là tất yếu.

Nếu như 10 năm trước các dự án có xu hướng dịch chuyển về hướng Tây - Tây Nam Thủ đô, thì ngày nay nhiều người trẻ và các nhà đầu tư đang đón đầu xu hướng dịch chuyển về hướng Đông Bắc để lấp đầy vùng Thủ đô, khiến bất động sản ở những khu vực này, đặc biệt là các quận Long Biên, Gia Lâm, Đông Anh (Hà Nội) hoặc các địa phương lân cận như Từ Sơn (Bắc Ninh) liên tục thiết lập mặt bằng giá mới.

Đồng quan điểm, ông Trần Quang Trung - Giám đốc Kinh doanh OneHousing chia sẻ, nhà trung tâm đang bị đẩy giá lên cực cao khiến người mua có xu hướng dịch chuyển lựa chọn ra những quận mới.

Nếu mức lương 25-30 triệu đồng/tháng, người trẻ khó sở hữu nhà tại Hà Nội, TP.HCM. (Ảnh minh họa)

Hai khu vực có xu hướng dịch chuyển nhiều nhất hiện nay là khu vực Tây và Đông Hà Nội. Phía Đông đang được phát triển cả về giao thông và hạ tầng, phía Tây cũng đã sớm phát triển cộng đồng đại đô thị với dân cư vô cùng phát triển. Cả hai khu vực trên đều đang chứng kiến sự dịch chuyển mãnh liệt với nhiều dự án mới.

Về bài toán tài chính, ông Trung chia sẻ, tối thiểu có trong tay 50% giá trị căn nhà thì mới nên quyết định mua căn nhà đó.

Trên lý thuyết, ngân sách tự có 30% đã có thể được hỗ trợ gói vay từ ngân hàng, tuy nhiên khi hết khoảng thời gian hỗ trợ lãi suất mà nếu không có phần nào để thanh toán dự phòng vào phần vốn vay, người mua sẽ rơi vào tình trạng chịu nhiều lãi phát sinh, gây áp lực tài chính cho chính người mua, trở thành bài toán không tối ưu”, ông Trung khuyến cáo.

Còn theo TS Sử Ngọc Khương, khi giá nhà TP.HCM liên tục lập mặt bằng mới thì khu lân cận (với khoảng cách di chuyển 30-45 phút di chuyển tính từ trung tâm TP.HCM) như Bình Dương, Đồng Nai là một lựa chọn với người trẻ. 

Trong đó, khu vực Bình Dương với nguồn cung căn hộ giá dao động trên dưới 2,8 tỉ đồng/căn tại Dĩ An - giáp ranh TP. Thủ Đức (TP.HCM) là khoảng cách không quá xa.

Nếu mức lương 25-30 triệu đồng/tháng, với tích luỹ ban đầu 500-600 triệu đồng khó sở hữu nhà tại TP.HCM thì con số này hoàn toàn mua nhà tại Bình Dương ở thời điểm này, đi kèm sự hỗ trợ tài chính từ chủ đầu tư”, ông Khương tư vấn.

Châu Anh

Tin mới