Từ ngày Ukraine xảy ra chiến sự, ông Trương Xuân San (SN 1950) hầu như không ngủ vì lo lắng cho các con.
Ngôi nhà nhỏ của ông San nằm trong một con phố nhỏ ở phường Thạch Linh, TP Hà Tĩnh. Năm nay ông đã 72 tuổi, sinh được 5 người con thì 3 người sang Ukraine làm ăn và xây dựng gia đình bên đó. Đến nay, tính cả con dâu và các cháu, ông có 7 người thân ở Ukraine.
Ngồi cạnh cậu con thứ 3, ông San kể lại hành trình các con ông đã tới nước bạn và gắn bó với nơi đó thế nào. Cậu con trai cả của ông, anh Trương Xuân Bình, rời quê hương từ năm 1999, khi anh chỉ mới là cậu trai 19 tuổi. Anh Bình mong mỏi chuyến ra đi của mình sẽ tìm thấy cơ hội làm ăn mới ở đất nước rộng lớn, nhiều tiềm năng như Ukraine. Theo chân anh trai, hai người em của anh Bình là anh Trương Xuân Minh (1983) và Trương Xuân Tuấn (1990) cũng lần lượt sang làm việc tại Ukraine. Khi tích luỹ được số vốn nhất định, anh Bình về nước định cư, các em anh vẫn ở lại, không chỉ thế, còn gắn bó và xem Ukraine là quê hương thứ 2 của mình.
Với ông San, từ ngày con cái định cư ở ngoại quốc, trái tim ông, đôi mắt ông luôn dõi theo mọi tin tức ở Ukraine. Dù chưa đặt chân tới đây, nhưng ông luôn thấy gần gũi và thân thiết.
Mọi thứ trở nên rối ren và đầy lo lắng kể từ ngày 24/2, khi Ukraine chìm vào chiến sự. Nhớ lại ngày 1/3, sau khi nhận được cuộc gọi vội của anh con út là Tuấn, nói cuộc chiến đang dần leo thang, ông San như ngồi trên đống lửa, không biết sự an toàn của gia đình các con sẽ ra sao.
Chiến sự làm cho nỗ lực liên lạc với các con của ông San nhiều lần gián đoạn. Dù tâm không yên, nhưng ông không ngừng động viên các con, cháu. “Khi xem tivi tôi mới biết bên đó có xảy ra chiến sự, lúc đó liền gọi cho các con, bảo chúng nó phải bình tĩnh, không nên hoảng loạn”, ông San kể.
Là người từng đi qua chiến tranh, ông San hiểu sự khốc liệt của bom đạn. Dù cố gắng để các con bình tĩnh, nhưng chính ông lại là người lo lắng hơn cả. “Các con bảo ở nơi chúng ở chưa xảy ra chiến sự. Nhưng súng đạn đã nổ rất gần đó và phải xuống tầng hầm để xe để trú ẩn. Thương con một thì thương mấy đứa cháu mười, nhất là con thằng Tuấn, đứa út mới hơn 2 tuổi”, ông San nói với PV.
Các con của ông San bắt đầu hành trình di tản từ ngày 1/3, đến 8/3 họ mới có thể kết thúc chuyến đi. Hành trình 8 ngày của 2 gia đình người con cũng là quãng thời gian ông San ngồi trên lửa đốt, tâm trạng không bao giờ ngừng lo lắng. Đến khi gia đình anh Minh và anh Tuấn rời khỏi vùng chiến sự và an toàn đến các nước khác lánh nạn, nỗi lo của ông San mới bớt đi phần nào.
“Qua mạng xã hội, tôi thấy những trận “mưa bom, đạn lạc”, cầu đường bị đánh sập tại Ukraine nên tôi càng thêm lo, nhất là những lúc gia đình Tuấn đi qua nơi không có sóng điện thoại. Khi đó cứ sợ mấy đứa cháu không có nơi để ngủ, ăn không đủ no”, ông San kể.
Cuối cùng, ngày 8/3, vợ chồng anh Tuấn và 2 con nhỏ được đón về nước trên chuyến bay mang số hiệu VN88. Cả đêm đó ông San không ngủ được vì mong ngóng được gặp con, cháu.
Ông Trương Xuân San. (Ảnh: Trọng Tùng)
“Tôi thực sự rất biết ơn các cơ quan, ban, ngành, Bộ Ngoại giao cũng như Đại sứ quán Việt Nam tại Romania đã tạo điều kiện giúp đỡ để các cháu có thể an toàn về quê hương”, ông San chia sẻ.
Tối 9/3, sau khi hoàn thành các thủ tục phòng chống COVID-19, ông San đón gia đình anh Tuấn về nhà. Gia đình ông San có bữa cơm tối đầu tiên sau 5 năm xa cách, ấm áp và bình yên. Gia đình anh Minh, con thứ ông San, vẫn còn ở Romania chờ được lên chuyến bay tới để đoàn tụ với gia đình ở quê nhà.
Gần 15 năm lập nghiệp tại Ukraine, ngay cả trong mơ vợ chồng anh Tuấn chị Hương cũng không nghĩ có ngày phải bỏ lại tất cả tài sản, cuộc sống yên bình để “giữ mạng”. 15 năm công sức của anh chị coi như “đổ sông, đổ bể” khi chiến tranh ập đến.
“Người dân Ukraine khu vực tôi sống họ rất hòa đồng, hay giúp đỡ người khác, tôi còn chơi rất thân với mấy anh bạn hàng xóm, sau khi chiến sự nổ ra, họ cũng thường xuyên gọi điện hỏi thăm gia đình tôi.
Thật sự nếu không có chiến tranh thì gia đình tôi cũng xác định sẽ định cư lâu dài ở bên đó”, anh Tuấn tâm sự.
Nhớ lại rạng sáng 1/3, lúc đó khoảng 3h, khi tất cả đang chìm trong giấc ngủ thì những tiếng nổ lớn ở ngoại ô thành phố Odessa (Ukraine) khiến trời đất rung chuyển khiến ai nấy cũng giật mình.
Những ngày tiếp theo, số lần bom nổ và máy bay trên bầu trời xuất hiện rất nhiều, đường phố bắt đầu náo loạn, anh Tuấn quyết định đưa vợ con xuống tầng hầm để xe ẩn trú. Mỗi khi có tiếng nổ lớn rung trời, anh Tuấn và vợ chỉ biết cắn chặt môi ôm những đứa con đang run sợ vào lòng.
Không thể để vợ con tiếp tục chịu đựng cảnh sống chui lủi dưới tầng hầm, anh Tuấn quyết định theo đoàn rời khỏi vùng chiến sự.
“Dọc đường đi sợ nhất là những tiếng nổ bên tai, mỗi khi có tiếng nổ lớn là các cháu nhỏ lại giật mình. Để xếp hàng qua cửa khẩu chúng tôi phải mất 1 ngày, rất may có các đoàn tình nguyện, họ cung cấp miễn phí nơi ăn chỗ ở cho gia đình tôi”, anh Tuấn kể.
Những nỗi lo sợ, hoang mang dần biến mất khi gia đình anh Tuấn đến được Romania. Tại đây, gia đình anh Tuấn cũng như tất cả bà con lao động Việt tại Ukraine đều rất hạnh phúc khi nhận được sự hỗ trợ rất nhiệt tình từ Đại sứ quán.
Sau khi kết thúc hành trình dài khoảng 1000km, từ Odessa đến cửa khẩu biên giới Moldova và sau đó sang Romania. Ngày 8/3, gia đình anh Tuấn có tên trong danh sách được đưa về nước trên chuyến máy bay mang số hiệu VN88.
Cho đến khi cập bến quê hương, anh Tuấn vẫn chưa tin rằng một thành phố cảng xinh đẹp bình yên nơi anh và gia đình đang sinh sống nay lại chìm trong khói lửa chiến tranh.
Còn với chị Nguyễn Thị Hương (vợ anh Tuấn), đất nước Ukraine giống như một quê hương thứ 2. Không chỉ riêng bản thân và gia đình anh chị mà hầu như toàn bộ người Việt sơ tán khỏi Ukraine đều mong muốn chiến sự nhanh chóng kết thúc. Lúc bom rơi đạn nổ, không ai nghĩ gì, chỉ biết chạy thoát thân, nó đến quá bất ngờ.
“Tương lai nếu chiến tranh tiếp tục kéo dài thì chắc tôi cũng phải đi tìm công việc khác vì còn con nhỏ nữa. Nhưng trước hết là phải chăm bố mẹ, rất lâu rồi tôi mới có cơ hội được về nhà lâu như vậy”, anh Tuấn nhìn vợ rồi cười nói.
Theo thống kê ban đầu của Sở Ngoại vụ, Hà Tĩnh hiện có khoảng 195 công dân đang sinh sống, làm việc, học tập ở Ukraine và tập trung chủ yếu tại 3 thành phố lớn là thành phố Kiev, Odessa và thành phố Kharkov. Qua rà soát có khoảng 133 công dân có nguyện vọng trở về nước, hiện hầu hết công dân Hà Tĩnh đã được sang các nước Ba Lan, Romania, Moldova để lánh nạn…
Đã có 2 chuyến bay đón gần 600 công dân Việt Nam làm việc, học tập, sinh sống ở Ukraine trở về nước an toàn. Thời gian tới, căn cứ nhu cầu thực tế số lượng người Việt Nam sơ tán từ Ukraine sang các nước láng giềng có nguyện vọng về nước, Chính phủ sẽ xem xét triển khai thêm các chuyến bay tiếp theo.