Trong khi bà Poonam Sinha chiến đấu để giữ tính mạng, con trai bà tuyệt vọng phải tìm đến những kẻ cung cấp ở chợ đen. Anh cần thuốc điều trị COVID-19 vì bệnh viện đã không còn.
Tình trạng thiếu thuốc và thiếu oxy y tế tại Ấn Độ khi “sóng thần” COVID-19 quét qua vô tình giúp những kẻ hám lợi kiếm chác, dù nhiều tình nguyện viên vẫn đang ngày đêm cố gắng hỗ trợ người dân trên Twitter và Instagram.
Ở thành phố Patna, miền Đông Ấn Độ, Pranay Puji chạy hết từ nhà thuốc này đến nhà thuốc khác để tìm thuốc remdesivir cho người mẹ đang ốm nặng của mình.
Tình trạng thiếu oxy ở các bệnh viện Ấn Độ trở nên nghiêm trọng. (Ảnh minh họa: Times of India)
Cuối cùng một dược sĩ cho anh biết muốn mua thuốc này bây giờ phải ra chợ đen. Nguồn cung cấp đề nghị mức giá 100.000 rupee (1.340 USD), đắt gấp 30 lần giá thông thường và bằng 3 lần thu nhập trung bình hàng tháng của một nhân viên làm công việc văn phòng ở Ấn Độ.
Sau đó Punj đã lấy được thuốc từ một người họ hàng xa có vợ mới chết vì COVID-19. Nhưng “ác mộng” chỉ mới bắt đầu.
Nửa đêm, anh nhận được điện thoại thông báo bệnh viện đang cạn kiệt nguồn oxy, đẩy tình hình của mẹ anh vào thế bí bách hơn.
“Vài tiếng trước, chúng tôi xoay xở được cho mẹ tôi một giường bệnh giá rất cao tại một bệnh viện tư và chuyển bà đến đó”, anh nói.
Nhiều câu chuyện đau lòng tương tự diễn ra trên khắp Ấn Độ. Người dân tuyệt vọng lên mạng xã hội xin hỗ trợ về giường bệnh, oxy và thuốc.
Dù là “nhà thuốc của thế giới”, các nhà sản xuất thuốc Ấn Độ không thể đáp ứng nhu cầu thuốc chống virus như remdesivir và favipiravir.
Tại thành phố Lucknow phía Bắc, anh Ahmed Abbas vừa phải mua bình oxy 46 lít với giá 45.000 rúp (602 USD), đắt gấp 9 lần giá bình thường. “Họ bảo tôi phải trả tiền trước và hôm sau đến chỗ họ lấy hàng”, Abbas nói.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, người đang bị chỉ trích vì cho phép tổ chức các sự kiện đông người trong dịch bệnh, hôm 20/4 nói Ấn Độ đang “nỗ lực” để tăng nguồn cung cấp hàng hóa y tế.
“Một giải pháp cho khủng hoảng này là tạo kho dự trữ thuốc chống virus khi số ca bệnh thấp, nhưng điều đó đã không được thực hiện”, Raman GaiGaik, chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại bệnh viện Sahyadri, thành phố Pune nói.
Các nhà sản xuất remdesivir trả lời Indian Express tuần trước rằng chính phủ yêu cầu họ ngừng sản xuất từ tháng 1 khi số ca lây nhiễm giảm.
Khi số ca bệnh gia tăng với tốc độ kỷ lục, chính phủ Ấn Độ chưa có nhiều hành động trong khi các nhân viên y tế và người dân lo lắng.
"Bạn của tôi đang tuyệt vọng... chúng tôi đã cố gắng với tất cả các đường dây trợ giúp của chính phủ nhưng không ai phản hồi (và) hầu hết các nhà cung cấp oxy đã tắt điện thoại", Zain Zaidi, quản lý bán hàng tại một khách sạn ở Lucknow cho biết.
"Tôi vừa tìm được một nhà cung cấp nhưng anh ta tính giá 20.000 rupee. Tôi phải mua bằng bất cứ giá nào", người đàn ông 34 tuổi nói với AFP với giọng hoảng hốt trước khi dập máy.
Tờ Times of India đưa tin, chi phí trung bình của một bình oxy đã "tăng vọt", lên 20.000 đến 25.000 rupee, khoảng 250-330 USD.
Quảng cáo lan truyền trên mạng xã hội về bình oxy có giá 30.000 rupee (khoảng 400 USD). Một người khác chào bán nó với giá 35.000 rupee, khoảng 460 USD.
Theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới, tổng thu nhập quốc dân trên đầu người (GNI) ở Ấn Độ là 2.120 USD mỗi năm.
Ấn Độ không phải là quốc gia duy nhất thiếu oxy. WHO cho biết 25 quốc gia trên thế giới báo cáo nhu cầu oxy tăng vọt, chủ yếu ở châu Phi.
Brazil, Mexico, Peru, Ai Cập, Nigeria và các quốc gia khác đều báo cáo tình trạng thiếu hụt trang bị khi số ca COVID-19 tăng cao, và nhiều người phải tìm đến chợ đen.
Theo ước tính của WHO, hơn nửa triệu bệnh nhân COVID-19 cần được điều trị oxy mỗi ngày. Điều đó có nghĩa là 1,1 triệu bình oxy mỗi ngày.