Đẳng cấp hàng đầu, nổi tiếng khắp thế giới nhưng Efren Reyes mới chỉ giành 1 huy chương vàng SEA Games vào năm 1987. Kỳ đại hội lần này, ở tuổi 67, huyền thoại làng billiards tiếp tục tranh tài ở nội dung carom 3 băng.
Efren Reyes thường xuất hiện trong những bộ cánh giản dị, dùng một chiếc điện thoại Nokia đời cũ đến mức chẳng ai buồn để tâm và thích ăn những món truyền thống của Philippines. Thứ duy nhất mà Efren Reyes phô trương là đẳng cấp của ông trong những đường cơ.
Efren Reyes là huyền thoại vĩ đại bậc nhất làng billiards thế giới. (Ảnh: Getty Images)
“Nổi tiếng thì tôi cũng thích đấy, nhưng không phải là khi có người hâm mộ gọi cho mình lúc sáng sớm", Reyes chia sẻ trong cuộc phỏng vấn với The Atlantic.
“Khi còn nhỏ, tôi không có mơ ước gì cả. Billiards chỉ là một môn thể thao và tôi chưa bao giờ nghĩ mình có thể làm giàu với nó. Giờ tôi thích thấy con cái mình học hành đến nơi đến chốn và một gia đình êm ấm. Tôi muốn dành hết mọi thứ cho người thân chứ mình thì không cần gì cả.”
Efren Reyes sinh ngày 26/8/1954 tại một ngôi làng nhỏ thuộc thị trấn Mexico, tỉnh Pampanga, Philippines. Ông là con thứ 5 trong gia đình 9 anh chị em và sớm chịu cảnh sống thiếu thốn cả điện và nước.
Khi lên 5 tuổi, cha mẹ gửi Efren tới sống cùng một người họ hàng ở thủ đô Manila để làm công việc dọn dẹp tại CLB billiards có tên Lucky 13. Cậu bé Efren lập tức bị những viên bi thu hút, từ cách chúng lăn trên bàn rồi chui tọt vào lỗ tới những tờ tiền trao tay sau mỗi trận đấu.
Ban đêm, Efren nằm ngủ trên bàn Billiards và mơ về các đường bi. Cậu học cách chơi billiards trong đầu cho tới năm 8 tuổi thì bắt đầu cầm cây cơ để hiện thực hóa những tưởng tượng của mình.
Cũng trong thời gian làm việc tại Lucky 13, Efren Reyes đã có biệt danh “Bata” – tức “Cậu nhóc” theo tiếng Philippines. Cái tên này xuất phát từ việc có một người cũng tên Efren thường tới CLB chơi, nên các khách quen gọi ông là “Efren Bata” – tức là Efren nhóc để phân biệt với vị khách lớn tuổi hơn.
Từ năm 9 tuổi, Efren bắt đầu kiếm tiền qua việc thách đấu billiards để phụ giúp kinh tế gia đình, và tới năm 12 tuổi thì ông quyết định nghỉ học. Tuy nhiên phong trào billiards tại Philippines vào những năm 70 rất hạn chế nên ông phải làm thêm ở một xưởng truyện tranh để cải thiện thu nhập, sau đó mới tới các CLB Billiards nhằm “kiếm chác” qua các ván billiards độ.
Tới năm 20 tuổi, Efren gần như không có đối thủ xứng tầm tại Philippines. Các cơ thủ trong nước biết tài năng của Efren nên không dám đấu, thành thử ông phải tới các quốc gia khác để kiếm tiền với rất nhiều tên khác nhau. Tuy nhiên cách này cũng không có tác dụng lâu bởi tài năng của Efren quá đặc biệt.
Ông luôn bình tĩnh trước mọi tình huống, tư duy về đường bị vượt trội và trên hết là khả năng thực hiện những cú đánh không tưởng. Rốt cuộc chàng Efren chuyên đánh billiards độ chỉ còn một con đường: Lên chuyên nghiệp.
Efren Reyes có một dáng vẻ giản dị, chất phác. (Ảnh: SCMP)
18 năm tiếp theo, Efren Reyes thống trị mọi giải đấu lớn của làng billards. Năm 1995, ông được vinh danh là cơ thủ xuất sắc nhất thế giới và lên ngôi vô địch giải World Championship năm 1999 – danh hiệu giúp ông được nhận Huân chương danh dự Philippines.
Những năm tiếp theo, Efren trở thành đại diện cho hàng loạt nhãn hàng nổi tiếng như McDonald’s hay San Miguel, và chân dung của ông là một trong những thứ đầu tiên mà du khách được thấy khi tới sân bay Manila khi đó.
Cơ thủ giỏi phải hội tụ đủ 3 yếu tố: kỹ thuật đánh bi chính xác, kỹ năng điều bi cái tới vị trí thích hợp cho cú đánh tiếp theo và khả năng đọc thế bi trên bàn để vạch ra con đường để thực hiện chuỗi lên điểm càng dài càng tốt. Dĩ nhiên Efren Reyes có cả 3 phẩm chất trên, nhưng điều khiến ông trở nên vượt trội là khả năng nhìn ra những đường bi mà người khác không thể.
“Efren có trí tưởng tượng vượt xa các VĐV khác. Dường như ông ấy chỉ liếc một cái là thấy được toàn cục và biết được những điều mà người khác không thể. Có vài lần Efren đi những đường bi mà tôi nghĩ nát óc cũng không hình dung ra nổi, thế mà nhìn ông ấy đánh thì cảm giác lại rất dễ dàng”, Johnny Archer, cơ thủ lừng danh của Mỹ có biệt danh “Bọ Cạp” cho biết.
Ralf “The Kaiser” Souquet, người từng 2 lần lên ngôi vô địch thế giới nhận xét: “Ông ấy ở một đẳng cấp vượt trội, là tay cơ xuất sắc nhất lịch sử. Tôi thường chơi theo sách vở, nhưng ông ấy dám làm những điều điên rồ và đánh những cú mà không ai dám thực hiện.
Tôi rất thích chơi cùng Efren bởi ông ấy là một VĐV vĩ đại, nhưng không bao giờ có chuyện tôi chơi độ với ông ấy đâu. Có lẽ chẳng ai trên thế giới dám làm điều đó, trừ khi Efren chấp điểm".
Một trong những ví dụ kinh điển về tài năng của Reyes là ở trận đấu với Earl Strickland năm 1995, ông đã khiến toàn bộ khán giả và cả đối thủ phải kinh ngạc với cú đánh không tưởng.
Archer nhớ lại: “Đó có lẽ là cú đánh tuyệt vời nhất trong lịch sử môn pool. Bi cái của Efren ở ngay sau bi số 9, ai cũng nghĩ ông ấy không thể đánh trúng được bi mục tiêu số 5. Nhưng Efren đánh bi cái đập 2 băng, cắt vào bi số 5 vừa đủ để đi trúng lỗ đồng thời tạo ra thế thuận lợi để đánh tiếp bi số 6".