Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Được nghỉ Tết sớm nhưng sinh viên không vội về quê, sẵn sàng ăn Tết ở Hà Nội

Nghe tin Hải Dương liên tục có ca nhiễm COVID-19, Trí An nóng ruột gọi điện cho mẹ, mẹ khuyên cậu tạm thời nên ở lại, chờ ổn định rồi tính phương án tiếp theo.

Mặc dù Đại học Bách khoa Hà Nội cho sinh viên nghỉ Tết sớm hơn so với kế hoạch, nhưng Vũ Trí An (sinh viên năm 4, ngành Công nghệ thông tin) vẫn chưa thể trở về nhà. Lúc này, Chí Linh (Hải Dương) quê cậu đang “căng mình” chống dịch.

Mấy hôm trước, bố mẹ gọi điện thông báo một người trong xã em sang Nhật và đã nhiễm virus biến thể mới ở Anh. Nhưng vài ngày sau, một người khác trong xã tiếp tục mắc COVID-19 nên mọi người đều rất lo lắng. Em chỉ biết ở lại Hà Nội, liên tục gọi điện dặn dò bố mẹ cẩn thận hơn”, An tâm sự.

Một mình ở lại nhà trọ khi các bạn cùng phòng đã lần lượt ra về, dù cảm thấy hơi buồn, nhưng An cho rằng, Chí Linh đang là tâm dịch, nếu về lúc này sẽ tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Bên cạnh đó, sẽ thật khó khăn cho công tác phòng dịch tại địa phương nếu số lượng người ở các nơi đổ xô về quá nhiều.

Vì vậy, cậu chọn cách ở lại, mua thêm thức ăn, khẩu trang và một số đồ dùng thiết yếu khác.

“Trước tình hình dịch bệnh như hiện tại, em và gia đình đều đã chuẩn bị sẵn tâm lý có thể em sẽ phải đón một cái Tết xa nhà. Mặc dù rất buồn và cô đơn, nhưng nếu việc làm này giúp ích cho công tác phòng chống dịch thì chúng em luôn rất sẵn lòng”.

Vũ Trí An, sinh viên năm 4, ngành Công nghệ thông tin, Đại học Bách khoa Hà Nội.

Nguyễn Thái Hà, sinh viên năm cuối, Khoa Công nghệ thông tin của Đại học Phenikaa cũng đã chuẩn bị tâm lý sẵn sàng ở lại Hà Nội ăn Tết.

Lý do là bởi TP. Hạ Long, quê cậu được xếp vào nhóm có nguy cơ của Quảng Ninh. Nhiều biện pháp phòng dịch đã được đưa ra khiến Hà lo ngại việc về quê sẽ gặp nhiều khó khăn.

Ngay khi nhà trường thông báo cho phép sinh viên đăng ký ở lại ký túc xá trong dịp Tết, em đã gọi điện về cho gia đình. Bố mẹ cũng rất mong em được về nhà sum vầy, nhưng ở thời điểm hiện tại, sự an toàn của bản thân và những người xung quanh vẫn là quan trọng nhất.

Là một trong 6 sinh viên của Đại học Phenikaa ở lại ký túc xá, mặc dù cảm thấy buồn nếu phải ăn Tết xa nhà, nhưng cậu cho biết vẫn cố gắng tuân thủ mọi yêu cầu mà ban quản lý đề ra.

Nhà trường đã giới hạn 3 khung giờ sinh viên được phép ra ngoài là từ 6h30 – 8h, 11h30 - 13h, 18h30 – 20h. Em luôn cố gắng tuân thủ đúng những quy định này và chỉ ra ngoài ký túc xá khi thực sự cần thiết (ví dụ như đi mua những đồ dùng cá nhân hay đồ ăn). Ra khỏi phòng, em cũng không quên đeo khẩu trang để giảm nguy cơ lây nhiễm.

Trong khoảng thời gian trước mắt, Hà dự định sẽ chỉ ở trong phòng học bài, lúc rảnh rỗi sẽ xem một vài bộ phim mà trước đó chưa kịp xem hết do bận thi cử.

“Mặc dù nhà trường đã sắp xếp mọi điều kiện để chúng em được ở lại trường ăn Tết; dù em đã chuẩn bị sẵn sàng tâm lý sẽ phải ăn Tết xa nhà, nhưng em vẫn hy vọng bệnh dịch sớm được kiểm soát, để những sinh viên “vùng dịch” như em được trở về quê đoàn tụ với gia đình”, Thái Hà nói.

Nhiều sinh viên vùng dịch tìm cách về quê an toàn.

Mặc dù không đến từ vùng dịch nhưng Phạm Thị Vân (sinh viên Học Viện Ngân hàng, quê ở Hà Nam) không về quê ngay mà chọn ở lại Hà Nội. Nữ sinh cũng lên Facebook kêu gọi bạn bè “từ từ hãy về” và được nhiều người ủng hộ.

Là sinh viên sống xa nhà, khi được nghỉ học em cũng muốn về nhà ngay. Nhưng rồi em nghĩ rằng, mình đã đi lại nhiều nên có thể tiềm ẩn nguy cơ. Vì vậy, khi chưa chắc chắn bản thân đã an toàn, em không muốn mang theo rủi ro lây nhiễm về cho gia đình và cộng đồng.

Vân cho biết, trước đó cô đã đi tới trung tâm tiếng Anh, tham gia Lễ hội Nhật Bản và một vài hoạt động tập trung đông người khác. Mặc dù luôn đeo khẩu trang trong suốt quá trình di chuyển, nhưng Vân vẫn lo ngại khả năng mình có thể trở thành là F1, F2.

Để chắc chắn hơn, em đã tự cách ly tại phòng trọ để theo dõi mình và học online trong khoảng thời gian này.

Quyết định của con gái khiến bố mẹ Vân lo lắng. Cả hai liên tục gọi điện khuyên con nên về nhà sớm. Nhưng trước sự cương quyết của con, bố mẹ Vân cũng đành gật đầu đồng ý.

Vân dự định sẽ ở lại phòng trọ tới sát Tết để theo dõi thêm tình hình, nếu khả thi sẽ về quê bằng xe riêng để đảm bảo an toàn.

“Em nghĩ rằng mỗi người nếu biết tự bảo vệ bản thân và gia đình thì sẽ không trở thành gánh nặng cho cộng đồng. Như thế, Việt Nam chắc chắn sẽ chiến thắng đại dịch. Em cũng mong dịch bệnh sớm được kiểm soát để mọi người được yên tâm đón Tết cùng gia đình”, Vân nói.

Hiện tại, nhiều trường đại học đã cho phép sinh viên nghỉ Tết sớm hơn so với kế hoạch ban đầu. Nhiều trường có lịch học kéo dài tới cuối tuần, hiện cũng đã chuyển sang hình thức học trực tuyến để phòng tránh dịch bệnh COVID-19. 

Nguồn: Vietnamnet

Tin mới