Hôm 31/9, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht cho biết, nước này không thể gửi thêm vũ khí tới Ukraine nếu muốn duy trì năng lực bảo vệ quốc gia của mình. Bà Christine Lambrecht, với tư cách là Bộ trưởng Quốc phòng, nhiệm vụ trọng tâm của bà là đảm bảo an ninh quốc gia của Đức.
“Tôi phải thừa nhận, Đức đang đạt đến giới hạn vũ khí mà quân đội Đức có thể cho đi”, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht nói.
Hệ thống pháo tự hành PzH 2000 của Đức. (Ảnh: Global Look Press)
Bà Christine Lambrecht nhấn mạnh, quân đội Đức có khả năng đảm bảo an ninh ở cấp khu vực và quốc gia, đồng thời thề tiếp tục duy trì điều này,
Đức đã cung cấp cho Kiev nhiều loại vũ khí khác nhau kể từ khi xung đột Nga - Ukraine bùng phát hồi tháng 2. Berlin đã chuyển giao hệ thống tên lửa phòng không Stinger, pháo tự hành Panzerhaubitze 2000 và xe tăng pháo phòng không Gepard cho Ukraine...
Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Christine Lambrecht nói rằng khả năng cung cấp vũ khí cho Kiev của Berlin là hạn chế. Hồi tháng 7, bà Christine Lambrecht lần đầu cảnh báo Đức không thể “cho đi nhiều hơn nữa”.
Trong khi đó, người đứng đầu Ủy ban Quốc phòng của Quốc hội Đức Marie-Agnes Strack-Zimmermann kêu gọi chính phủ tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine từ các kho dự trữ của quân đội nước này.
Mới đây, Đức thông báo nước này sẽ cung cấp thêm 500 triệu USD viện trợ quân sự cho Ukraine, hầu hết được dự kiến bàn giao trong năm sau.
Gần đây, Berlin hứng nhiều chỉ trích về việc chậm trễ chuyển giao vũ khí cho Kiev. Thủ tướng Olaf Scholz tuyên bố Đức "sẽ chuyển giao toàn bộ những khí tài đã cam kết", nhưng không ấn định mốc thời gian cụ thể.
Ukraine ngày càng lo ngại về độ chững của phương Tây trong chi viện cho nước này. Các quốc gia dẫn đầu châu lục trong hoạt động hỗ trợ Ukraine như Anh và Ba Lan dường như đang "hụt hơi". Trong tháng 7, Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Italy và Ba Lan đã không đưa ra cam kết viện trợ quân sự nào cho Ukraine.