Ngũ a ca Vĩnh Kỳ là một trong những nhân vật trung tâm của phim Hoàn Châu cách cách. Đây là nhân vật có thật trong lịch sử, là con trai thứ 5 của Hoàng đế Càn Long và là người con duy nhất của Du quý phi.
Nhân vật Ngũ a ca Vĩnh Kỳ trong phim "Hoàn Châu cách cách" do diễn viên Tô Hữu Bằng thủ vai. Bạn diễn của anh là diễn viên Triệu Vy vai Tiểu Yến Tử.
Hoàng tử đa tài, đa nghệ
Ái Tân Giác La Vĩnh Kỳ ra đời vào năm Càn Long thứ 6 (1741), từ nhỏ đã cực kỳ chăm học, hầu như ngày nào cũng là vị hoàng tử đến thư phòng sớm nhất. Lớn lên, Vĩnh Kỳ trở thành người học rộng, tài hoa: Thông thạo 3 thứ tiếng Hán, Mãn, Mông Cổ; giỏi lịch pháp, toán học, thiên văn địa lý đều thông. Ngũ a ca có tài thi ca, viết thư pháp rất đẹp, về võ nghê, cưỡi ngựa bắn cung đều xuất sấc.
Hoàng đế Càn Long có nhiều con trai, nhưng các a ca người thì chết sớm, người lại có hành động làm ông thất vọng, người còn quá nhỏ. Vì vậy ở thời điểm Vĩnh Kỳ lớn lên, nhà vua rất yêu mến và đặt nhiều kỳ vọng lên đứa con toàn tài này. Thậm chí, ông còn cân nhắc việc chọn Vĩnh Kỳ làm người nối ngôi, sau khi 2 đích tử - con do Hoàng hậu sinh ra - qua đời do bệnh tật; còn người con trai đầu lòng cũng mất ở tuổi 21. Càn Long càng yêu thương Vĩnh Kỳ hơn sau khi người con trai này cứu ông thoát chết trong vụ hỏa hoạn ở Thanh Yến điện vào năm 1763.
Trong phim "Hoàn Châu cách cách", Ngũ a ca cho đến lúc thành niên gặp Tiểu Yến Tử vẫn sống đời "độc thân vui vẻ". Nhưng sự thật là cũng như các vị hoàng tử thời đó, Vĩnh Kỳ thành gia thất khá sớm. Năm 16 tuổi, Ngũ a ca cưới Tây Lâm Giác La thị, cháu gái Ngạc Nhĩ Thái - triều thần nổi tiếng phục vụ hai triều vua Ung Chính và Càn Long. Ngoài vị đích phúc tấn này, Vĩnh Kỳ còn có trắc phúc tấn và những thị thiếp khác. Họ sinh cho ông 6 con trai và 2 con gái.
Tuy nhiên, trong 8 người con của Ngũ a ca, có đến 6 người mất khi còn trứng nước. Một người con gái lớn lên, xuất giá lấy chồng, nhưng cũng qua đời ở tuổi 18. Chỉ có người con trai thứ 5 là Miên Ức sống được đến năm 51 tuổi, tập tước Đa La Vinh Quận vương.
Bức chân dung được cho là của Hoàng tử Vĩnh Kỳ.
Qua đời sau khi được phong thân vương
Vĩnh Kỳ là vị hoàng tử thứ hai của Càn Long được phong tước Thân vương, sau người anh cả Vĩnh Hoàng mất vì bạo bệnh (tước vị này cũng chỉ được truy phong sau khi Vĩnh Hoàng qua đời).
Về việc Vĩnh Kỳ được phong là Thân vương, nhiều người cho đó là dấu hiệu chứng tỏ Càn Long dự định lập ông làm Thái tử, tuy nhiên sự thật không phải vậy. Càn Long trao tước hiệu này khi bệnh tình Ngũ a ca trở nên trầm trọng, khó qua khỏi. Theo các ghi chép, năm Càn Long thứ 30 (1765), Hoàng tử Vĩnh Kỳ trở bệnh nặng. Ngày 17/11 (âm lịch), vua Càn Long phong Vĩnh Kỳ tước Hòa thạc Thân vương; sang ngày 26 lấy chữ Vinh làm phong hiệu, tức Vinh Thân vương.
Trong một văn bản, Càn Long viết: "Trong các hoàng tử của trẫm, duy có Hoàng trưởng tử cùng Hoàng ngũ tử, nhân vì bệnh nguy kịch mà gia phong Thân vương". Trước khi ban chỉ tấn phong Vĩnh Kỳ, nhà vua ra dụ trách cứ quan viên bên cạnh Ngũ a ca và trị tội một số người: "Chứng bệnh của Ngũ a ca qua trị liệu mấy tháng vẫn chưa khỏi. Theo đại phu khám bệnh, là do hư tổn bên trong mà gây ra. Nếu có thể sớm phát hiện chứng bệnh mà điều trị, thì rất có thể cứu chữa. Thế mà bọn Trương Như Phan, Tống Quốc Thụy lại không tận tình, trong thời gian tháng 5 năm nay cũng không hề để ý mà bẩm báo bệnh tình. Trương Như Phan cùng Tống Quốc Thụy đều giao cho Nội vụ phủ Đại thần trị tội".
Chưa đầy 4 tháng sau khi được phong tước Thân vương, Vĩnh Kỳ qua đời ở tuổi 25. Sau này Càn Long thể hiện sự thương tiếc từng viết trong một văn bản: "Khi ấy trẫm coi Hoàng ngũ tử là xuất chúng nhất trong các a ca, Hán văn, tiếng Mãn Châu và Mông Cổ đều thành thạo, cưỡi ngựa bắn cung cũng đều xuất sắc. Ý của trẫm là yêu thương nhất, cũng tính việc chọn mà chưa kịp nói, sau bệnh liên miên mà chết".
Trong phim Hoàn Châu cách cách, phần cuối phim cho thấy, những ngày cuối đời, vua Càn Long thường ghé thăm vợ chồng Vĩnh Kỳ - Tiểu Yến Tử. Nhưng sự thật, Vĩnh Kỳ không sống được đến ngày đó. Ngũ a ca qua đời trước phụ hoàng 33 năm.
Lăng của Ngũ ca ca nằm ở phía tây huyện Mật Vân, ngoại ô thành phố Bắc Kinh, người dân thường gọi là Thái tử lăng. Đây cũng là nơi an táng 2 anh của Vĩnh Kỳ (Hoàng trưởng tử Vĩnh Hoàng và Hoàng tam tử Vĩnh Chương, đều mất ở tuổi thanh niên). Hiện kiến trúc khu lăng mộ này bị phá hủy phần lớn, đập thủy điện bao phủ hơn phân nửa diện tích.