ĐBQH: Cần thay thế cán bộ sợ trách nhiệm như huấn luyện viên thay cầu thủ.
Trong phiên thảo luận kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước đầu năm 2023 diễn ra sáng 31/5, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV có 7/26 đại biểu phát biểu và nêu ý kiến tranh luận về vấn đề một số cán bộ, công chức, nhân viên mắc bệnh sợ trách nhiệm.
Mở đầu buổi thảo luận, đại biểu Trần Quốc Tuấn (Đoàn Trà Vinh) cho rằng, cần xác định được nguyên phát của căn bệnh, phân định rõ "bộ phận cán bộ sợ trách nhiệm", gồm những kiểu cán bộ nào và nguyên nhân dẫn đến sự tồn tại của họ, từ đó tìm ra giải pháp khắc phục.
Đại biểu chia cán bộ 'mắc căn bệnh sợ trách nhiệm' thành 2 nhóm. Một là cán bộ suy thoái về tư tưởng chính trị, cán bộ né tránh, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, sợ sai, cán bộ không muốn làm vì không có lợi ích riêng. Hai là cán bộ sợ vi phạm pháp luật nên không dám làm.
Các đại biểu thảo luận tại hội trường sáng 31/5.
Ở nhóm 1, bất kỳ cơ quan, đơn vị nào hiện nay cũng tồn tại một số ít cán bộ có tư tưởng sợ vi phạm pháp luật. "Tôi cho rằng trong thời điểm "dầu sôi lửa bỏng" cần ưu tiên thay thế cán bộ yếu kém này bằng những người tốt và trách nhiệm. Chúng ta không thiếu cán bộ tốt. Giống như trong bóng đá, huấn luyện viên trưởng sẽ vì sự phát triển của đội bóng, vì màu cờ sắc áo mà sẵn sàng thay bất kỳ cầu thủ nào thi đấu kém hiệu quả", ông Tuấn ví von.
Ở nhóm 2, đây là nhóm chiếm số đông trong số những cán bộ sợ trách nhiệm, chính họ đã tạo ra những cản trở nêu trên, gây tắc nghẽn hệ thống chính trị. Những cán bộ này lo sợ vi phạm pháp luật vì hai nguyên nhân chính. Thứ nhất, một số văn bản quy phạm pháp luật thiếu tính đồng nhất, khó thực hiện "cùng một nội dung quy định nhưng có hai cách hiểu khác nhau".
Thứ hai, công tác thanh tra, kiểm tra, phòng chống tiêu cực ngày càng đi vào thực chất, hiệu quả, nhiều vụ việc vi phạm từ vài năm trước, đến nay vẫn bị xử lý. Chính những vụ án hình sự lớn thời gian qua khiến một bộ phận cán bộ lo sợ, do từng làm những việc tương tự trước đây. Từ đó, hình thành tâm lý ngần ngại, sợ bị kỷ luật, nặng hơn là xử lý hình sự.
Đại biểu Trần Hữu Hậu (Đoàn Long An) tranh luận sáng 31/5.
Tranh luận với quan điểm trên, đại biểu Trần Hữu Hậu (Đoàn Long An) cho rằng, với nhóm cán bộ công chức sợ sai, đùn đẩy công việc như đại biểu Tuấn (Đoàn Trà Vinh) nêu là đúng, nhưng không chỉ như vậy.
"Nếu trong quá trình thực thi công vụ mà cán bộ có hành làng pháp lý rõ ràng, phù hợp thì phần đông cán bộ công chức sẽ làm tốt, năng động sáng tạo hơn, không có gì lo sợ", ông nói. Thế nhưng, để thực thi nhiều chính sách phù hợp, đem lại hiệu quả cho người dân trong tình hình hiện nay "không nhiều thì ít", các cán bộ sẽ vi phạm.
Vị đại biểu này ví, những người làm sai luật, sai lợi ích chung mà không biết sợ như "điếc không sợ súng", thiếu ý thức kỷ luật. Do đó, nếu bảo vệ người dám nghĩ dám làm là bất khả thi, bởi rất có thể sẽ rơi vào tình trạng bảo vệ sai, bảo vệ trái pháp luật.
Đại biểu Trần Hữu Hậu mong Quốc hội xem xét có những cách làm, những trình tự thủ tục phù hợp hơn nữa để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh. Cần phải làm sao để cán bộ công chức viên chức các cấp chỉ cần tập trung công sức trí tuệ để năng động sáng tạo, thực hiện tốt công việc của mình cách hiệu quả nhất trong khuôn khổ của pháp luật.
Đại biểu Trần Khánh Thu (Đoàn Thái Bình) nêu, việc chậm giải quyết các công việc, thủ tục hành chính đã làm ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của mỗi cơ quan, đơn vị. Nếu tình trạng kéo dài sẽ làm giảm hiệu lực quản lý của Nhà nước, giảm lòng tin của nhân dân.
Nguyên nhân dẫn tới tình trạng này do pháp luật thiếu cụ thể, chưa đồng bộ, chưa quy định trách nhiệm rõ ràng và cụ thể về bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Đại biểu này kiến nghị, Quốc hội, Chính phủ tập trung rà soát bất cập, sửa đổi những quy định của pháp luật có liên quan theo hướng rõ ràng, minh bạch, đồng bộ hơn. Đăc biệt, cần có hành lang pháp lý bảo vệ cán bộ, công chức, khuyến khích tinh thần dám đương đầu khó khăn, dám tạo đột phá.
Đại biểu Lê Hữu Trí (Đoàn Khánh Hòa) nói tình trạng trì trệ trong hoạt động điều hành của bộ máy nhà nước ở nhiều nơi khiến doanh nghiệp, người dân mất nhiều thời gian, tăng chi phí không chính thức và làm mất cơ hội. Nhiều trường hợp, sự trì trệ này đã gây thiệt hại quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân được Hiến pháp quy định.
Ông Trí đề nghị Chính phủ có biện pháp chấn chỉnh ngay lề lối làm việc của bộ máy Nhà nước các cấp, nhất là tình trạng cán bộ, công chức, viên chức sợ trách nhiệm; rà soát, điều chỉnh quy định pháp luật không rõ ràng, khó thực hiện trên thực tiễn, xung đột pháp luật nhằm tháo gỡ kịp thời các bất cập trong cơ chế.
"Đây là yêu cầu rất quan trọng, không những cả trước mắt mà còn lâu dài để cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh", ông nói.
Đại biểu Đặng Xuân Phương (Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục) cho rằng, người dân cả nước đang trông đợi vào những việc cần làm khẩn trương, quyết liệt hơn của hệ thống chính trị. Đó không chỉ là đòi hỏi đến từ công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực mà còn là yêu cầu khắc phục bất cập trong thực thi pháp luật, vượt qua căn bệnh né tránh, sợ trách nhiệm, thói vô cảm có xu hướng lan nhanh trong nền công vụ.
Đại biểu Tạ Văn Hạ phát biểu sáng 31/5.
Tiếp tục tranh luận, đại biểu Tạ Văn Hạ (Đoàn Quảng Nam) nói, cần bắt đúng bệnh sợ trách nhiệm. Qua trao đổi với cơ sở cho thấy nhiều cán bộ trực tiếp làm việc gặp khó trong tham mưu vừa phải đúng quy định của pháp luật vừa đúng chỉ đạo. Điều này cũng gây khó trong xử lý trách nhiệm, cán bộ không chịu tham mưu cũng không xử lý được. Theo đại biểu Tạ Văn Hạ, ở đây có trách nhiệm của người đứng đầu. Đại biểu nhấn mạnh phải quyết tâm, quyết liệt xử lý những người không làm được việc.
Đại biểu Tô Văn Tám (Đoàn Kon Tum) cũng thẳng thắn nêu, hiện nay có một số cán bộ do năng lực hạn chế không dám làm nên né tránh, đùn đẩy công việc. Hiện tượng này dân ta hay nói “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về” và cần rà soát xem số này bao nhiêu?
Nói về giải pháp khắc phục tình trạng này, ông Tám cho rằng, ngoài việc cá thể hóa trách nhiệm cá nhân, cần làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong tham mưu ban hành các quy định, trong đó có tình chậm ban hành văn bản chi tiết.
Theo đại biểu Tô Văn Tám, yêu cầu phát triển mỗi giai đoạn mỗi khác, nguồn cảm hứng, phá rào, như Khoán 10, những đêm trước đổi mới hiện nay không còn. Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay cần cơ chế dám nghĩ, dám làm và Bộ Chính trị đã có kết luận về việc này cần phải được cụ thể hóa bằng các quy định.