Thành Nam nộp đơn xin nghỉ sau vài tháng làm việc tại một công ty ở Hà Nội. Anh từ chối tiết lộ tuổi vì lo ngại ảnh hưởng cuộc sống cá nhân, chia sẻ rằng không bằng lòng với sếp và cách thức tính lương tại nơi làm cũ.
Theo anh, khi ứng tuyển, sếp thông báo giờ làm việc 9-18h. Nhưng trên thực tế, anh nhiều tuần tăng ca đến 19h30, bị gọi đến công ty họp vào cuối tuần.
Khi bày tỏ thắc mắc cùng cấp trên, anh lại bị chỉ trích ngược. "'Em phải xem công ty đã dạy gì cho mình', sếp nói với tôi như vậy. Anh cho rằng tôi mới làm vài tháng mà chỉ nghĩ đến thu nhập, lười lao động, cống hiến", anh kể lại với Zing.
Chán ngán với sếp, đồng thời nhận được lời mời hấp dẫn hơn từ công ty khác, Thành Nam quyết định xin nghỉ.
"Đến giờ, sau 2 tháng, tôi vẫn chưa nhận được tiền lương của 3 tháng làm việc tại nơi cũ. Tôi không biết liên hệ với ai để hỏi ngoài người sếp cũ, nhưng anh bặt vô tâm tín", Thành Nam thở dài.
Theo nghiên cứu của Viện công nghệ Massachusett (Mỹ), thay vì thu nhập, văn hóa công ty mới là yếu tố quan trọng giúp giữ chân nhân sự. Trong đó, văn hoá độc hại của một doanh nghiệp thường xuất phát từ khả năng quản lý yếu kém của lãnh đạo cấp cao.
Cuộc khảo sát của Joblist trên 18.617 nhân viên tại Mỹ trong quý I/2022 cho thấy 28% muốn bỏ việc vì sếp tồi tệ.
Trong khi đó, theo kết quả khảo sát của GoodHire trên 3.000 nhân viên khác, 82% người lao động cho biết sẽ bỏ việc nếu gặp quản lý tồi.
Mối quan hệ giữa sếp và nhân viên thay đổi theo từng ngành nghề. Cụ thể, nhân viên y tế là nhóm người lao động có khả năng bỏ việc vì sếp cao nhất, chiếm 88%. Theo sau là nhân viên trong lĩnh vực công nghệ thông tin (73%) và bất động sản (68%).
Số liệu cho thấy cấp quản lý yếu kém là một trong những nguyên nhân lớn khiến nhân sự muốn bỏ việc.
Quỳnh Anh (26 tuổi, quận 4, TP.HCM) từng phải xin nghỉ việc vì quá áp lực với cấp trên. Theo cô, những công ty gia đình hay start-up thường là môi trường dễ xuất hiện sếp thiếu năng lực quản trị.
Tháng 10/2021, nhà hàng nơi cô làm quản lý buộc phải đóng cửa, trả mặt bằng vì dịch bệnh. Cô gửi hồ sơ đến một công ty mới hoạt động về lĩnh vực thương mại điện tử, nơi vợ chồng người sếp thay nhau làm giám đốc điều hành và kế toán.
Ngay từ ngày làm việc đầu tiên, cô choáng váng vì bị sếp chê bai ngoại hình.
"Tôi yêu thích kiểu trang phục rộng, nhiều màu sắc. Nhưng sếp nữ gọi tôi vào phòng riêng, thẳng thừng chê tôi 'luộm thuộm, quê mùa'. Chị yêu cầu tôi phải mặc theo phong cách công sở, thậm chí còn gọi tôi là 'con nhỏ bao tải' theo kiểu túi tote oversize mà tôi đeo ngày hôm đó", cô tâm sự.
Tối cùng ngày, Quỳnh Anh đi mua gấp một số món quần tây, áo sơ mi và giày cao gót nhằm đáp ứng mong muốn của sếp. Cô cũng thay chiếc túi vải yêu thích bằng loại túi da đeo vai cỡ nhỏ.
Tuy vậy, những ngày sau đó, cô vẫn bị chê bai mắt kính, kiểu trang điểm, thậm chí là tác phong, cử chỉ. Sếp nhiều lần góp ý trước cuộc họp rằng cô chưa duyên dáng.
"Tôi sốc nặng khi chị liên tục chê trách tôi trước đông người như vậy. Tôi thừa nhận mình không phải mẫu người sành điệu, nhưng tôi không đi làm với diện mạo lôi thôi, bừa bộn. Tôi làm việc ở vị trí nhân viên hành chính, không gặp trực tiếp khách hàng. Tôi không hiểu tại sao chị ấy luôn gây khó cho tôi", cô kể lại.
Sau 3 tháng làm việc, Quỳnh Anh quyết định xin nghỉ. Cô cho rằng sếp quá soi mói phong cách và cuộc sống cá nhân, khiến cô ngột ngạt và luôn căng thẳng cực độ nơi công sở.
Thời điểm đó sát Tết Nguyên đán, nhưng cô chấp nhận không cần thưởng Tết cuối năm.
Đối với nhiều người trẻ, sếp là yếu tố trực tiếp khiến họ mệt mỏi, không muốn gắn bó với công ty.
Còn đối với Thu Hoài (27 tuổi, quận Cầu Giấy, Hà Nội), cô ám ảnh những buổi tiệc tiếp khách hoặc công tác xa mà sếp yêu cầu cô phải thực hiện vào cuối tuần.
"Sếp biết tôi chưa lập gia đình nên luôn giao thêm việc, gọi đi ăn tiệc dù tôi nhiều lần từ chối. Trong mắt anh, những người chỉ làm đúng phận sự là yếu kém, khó phát triển. Mỗi lần có lịch gặp đối tác ở nhà hàng, anh đều dặn tôi đến. Việc phải uống rượu, bia, cười nói cùng người lạ làm tôi khó chịu", nhân viên bảo hiểm này nói.
Không những vậy, vị sếp này cũng có thói quen kiểm soát từng hoạt động nhỏ của nhân viên. Ví dụ, thấy một người đăng ảnh hoặc bình luận trên mạng xã hội trong giờ làm việc, anh lập tức phạt tiền. Những ai chậm trả lời tin nhắn khoảng 5 phút cũng bị đánh giá là không tập trung và không tôn trọng sếp.
Thu Hoài cho biết việc bất đồng hoặc không thoải mái với cấp trên là điều thường thấy nơi công sở. Ở khía cạnh công việc, sếp của cô là người có chuyên môn vững cùng kinh nghiệm dày dặn. Các chế độ, lương, thưởng cho nhân viên cũng được anh đảm bảo, chưa khi nào để chậm trễ.
Tuy nhiên, những yêu cầu tiếp khách, uống rượu đối với Thu Hoài là quá sức. Cô quyết định xin nghỉ vì không muốn tiếp tục phải tranh cãi với sếp về những điều này.
Chia sẻ với Zing, chị Hồ Lê Thảo Trinh, Founder kiêm CEO của Lady Networking, cho rằng làm việc cùng vị sếp độc hại ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý và cuộc sống của nhân viên.
"Môi trường đóng vai trò quan trọng đối với tinh thần và năng suất làm việc. Sếp tồi thường giao việc không đúng người nên nhân viên không phát huy được thế mạnh. Đôi khi, sếp còn gây ám ảnh tâm lý khi luôn muốn kiểm soát, trên cơ người khác với những hành động xấu xí", chị nhận định.
Để giúp nhân viên biết rằng có nên nghỉ việc khi bất mãn với sếp hay không, chị Trinh đưa ra 3 nguyên tắc: Nếu lần 1 nhân viên thất vọng về sếp có thể là hiểu lầm, lần 2 là tai nạn. Nhưng đến lần 3, sếp vẫn đem lại cảm xúc tiêu cực thì đúng là "chúng ta không thuộc về nhau".
"Nếu mất quá nhiều thời gian, cảm thấy áp lực vì sếp không tốt, bạn hãy lên kế hoạch nhìn lại bản thân, chọn môi trường phù hợp với năng lực và tính cách của mình. Nếu cứ gượng ép mãi có thể ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống", chị nói.
Chị Thảo Trinh cho biết nếu gặp bất mãn kéo dài với sếp, nhân viên cần xem xét lại công việc của mình. Ảnh: NVCC.
Còn theo Business Insider, chuyên gia tư vấn lãnh đạo Lynn Taylor chỉ ra những đặc điểm mà một người sếp tồi thường có:
- Nói dối là biểu hiện rõ ràng cho mối quan hệ không đáng tin cậy, đặc biệt trong môi trường công sở.
- Sếp không bao giờ nhận sai. Kết quả khảo sát cho thấy 91% nhân viên cảm thấy hài lòng khi sếp dám nhận trách nhiệm cho lỗi lầm của mình.
- Hứa hẹn quá nhiều cũng không đáng tin cậy, về lâu dài có thể gây mất cảm hứng làm việc cho nhân viên.
- Thường xuyên đổ lỗi cho nhân viên, nhưng hiếm khi động viên hay khen ngợi.
- Liên tục gọi điện vào ngày nghỉ, kêu gọi nhân viên làm việc xuyên thời gian.
- Không lắng nghe ý kiến của nhân viên, chỉ muốn làm theo ý mình.
- Trêu chọc vấn đề nhạy cảm hay chuyện cá nhân.
Trong khi đó, theo CNN, nghỉ việc chưa bao giờ là quyết định dễ dàng, đặc biệt khi bạn đang có chế độ đãi ngộ tốt hay mức lương cao.
Trong quá trình làm việc, mỗi nhân viên đều có thể phát sinh bất mãn với quản lý của mình.
Tuy nhiên, trước khi vội vàng nộp đơn xin nghỉ, bạn nên cố gắng trao đổi vấn đề cùng quản lý. Những mâu thuẫn có thể được tháo gỡ nếu đôi bên cùng có thiện chí góp ý, sửa đổi.